Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thừa Thiên Huế: Người có uy tín phát huy tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân

Mạnh Cường - 07:04, 18/11/2023

Sau gần ba năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến đáng kể. Trong đó, đóng góp tích cực của đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã góp phần làm nên thành công bước đầu trong việc thực hiện Chương trình MTQG 1719. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế về nội dung này.

Ông Hồ Xuân Trăng.
Ông Hồ Xuân Trăng.

Thưa ông, đến nay, Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai được gần ba năm. Ông cho biết một số kết quả cụ thể tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được trong việc triển khai Chương trình?

Ông Hồ Xuân Trăng: Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt một số kết quả khả quan. Tỉnh đã đầu tư xây dựng 23 công trình đường vào khu sản xuất, đường dân sinh phục vụ việc đi lại, sản xuất, lưu thông hàng hóa; 2 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng; 3 công trình hệ thống nước sạch, nâng cấp mở rộng các phòng học, phòng đa chức năng và phụ trợ trường mầm non; kênh mương, đập thuỷ lợi. Giải quyết chỗ ở cho khoảng 60% số hộ di cư tự phát, hộ sinh sống trong khu vực bị sạt lở, lũ quét. Thực hiện quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí ổn định dân cư thuộc hai điểm định canh định cư Thượng Long, Hương Hữu (huyện Nam Đông) với 149 hộ/149 hộ. Hiện nay đang rà soát điều chỉnh quy hoạch bố trí ổn định dân cư tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới.

Cùng với đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện quy hoạch, xây dựng 2 làng văn hóa các DTTS tại huyện A Lưới và Nam Đông; công trình biển tên đường Hồ Chí Minh - Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Thực hiện xây dựng mới phòng học, phòng đa chức năng… tại các điểm trường Trung học cơ sở Dân tộc Nội trú các huyện A Lưới, Nam Đông; Trường Phổ thông Dân tộc trú tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đến nay, 100% hộ gia đình được cung cấp các kiến thức về bình đẳng giới; phấn đấu khoảng 70% hộ gia đình xóa bỏ dần định kiến về giới. 100% Người có uy tín trong đồng bào DTTS tích cực phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp người dân nơi sinh sống tích cực tham gia Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an ninh biên giới. 100% hộ gia đình người DTTS và các đơn vị hành chính đóng trên địa bàn xã thuộc vùng đồng bào DTTS được cung cấp tài liệu, tiếp cận thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và một số chủ trương, chính sách liên quan khác của Đảng và Nhà nước.

Với quyết tâm cao nhất, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt chỉ tiêu giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 50% số thôn ĐBKK, dự kiến đến cuối năm 2023 có 3 thôn (thôn 5, xã Bình Tiến, thôn Bồ Hòn, xã Bình Thành, thôn Phúc Lộc, xã Xuân Lộc) thoát khỏi diện thôn ĐBKK khi 3 xã này đạt chuẩn nông thôn mới (có 2 xã đang trình hồ sơ). Dự kiến đến hết năm 2025 có 5/14 xã ĐBKK đạt chuẩn nông thôn mới (Hồng Bắc; Hồng Hạ, Hồng Thượng; Hương Hữu, Thượng Long). Tỷ lệ hộ nghèo huyện A Lưới giảm 12,08% (giảm từ 52,79% xuống còn 40,71%). Thu nhập bình quân chung của vùng đồng bào DTTS dự kiến cuối năm 2023 đạt 38,5 triệu đồng/người/năm so với mục tiêu đến hết năm 2025 ít nhất 2,0 lần so với năm 2020 (56 triệu đồng/người/năm)… Với các chỉ tiêu khác, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục chỉ đạo và triển khai thực hiện đạt các chỉ tiêu đã đề ra theo kế hoạch trong giai đoạn 2023 - 2025.

Ông Hồ Xuân Trăng trao Giấy khen của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho các cá nhân là Người có uy tín có thành tích xuất sắc trong hoạt động năm 2022.
Ông Hồ Xuân Trăng trao Giấy khen của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho các cá nhân là Người có uy tín có thành tích xuất sắc trong hoạt động năm 2022.

Để có được những kết quả đó, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh Thừa Thiên Huế, có vai trò quan trọng của đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Ông cho biết cụ thể những đóng góp của Người có uy tín đối với việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại cơ sở?

Ông Hồ Xuân Trăng: Để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có sự nỗ lực, đóng góp không nhỏ của đội ngũ Người có uy tín. Với những kiến thức được trang bị, nhiều Người có uy tín đã tích cực phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt và có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trọng tâm là hưởng ứng triển khai, thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn.

Người có uy tín đã thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tham gia xây dựng các quy ước, hướng ước thôn, bản; Vận động, thuyết phục bà con nơi sinh sống chủ động hiến đất, cây và tham gia ngày công trong thực hiện Chương trình MTQG 1719. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đoàn thể tại cơ sở giải quyết kịp thời những vướng mắc, các vụ tranh chấp khiếu kiện trong Nhân dân. Thường xuyên phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của người dân đến chính quyền địa phương và kịp thời đưa thông tin từ chính quyền địa phương về với Nhân dân. Vận động giáo dục bà con, họ tộc và người dân trong cộng đồng phát huy truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống các thế lực thù địch và tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội đem lại cuộc sống thanh bình ở thôn, bản.

Đặc biệt, Người có uy tín trên địa bàn các xã A Roàng, Lâm Đớt, Đông Sơn, Quảng Nhâm, Hồng Vân, Hồng Hạ, Hồng Thượng đã tích cực phối hợp với các ban, ngành tại địa phương tham gia triển khai mô hình thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa bàn sinh sống. Nhiều cá nhân Người có uy tín là những tấm gương sáng trong bảo tồn, giữ gìn và truyền dạy cho thế hệ kế cận trong công tác phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, khơi dậy khát vọng và trách nhiệm cho thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát triển những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Người có uy tín tỉnh Thừa Thiên Huế đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tại địa phương.
Người có uy tín tỉnh Thừa Thiên Huế giữ vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tại địa phương.

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò Người có uy tín trong việc triển khai Chương trình MTQG 1719, cơ quan công tác dân tộc địa phương sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa ông?

Ông Hồ Xuân Trăng: Để tiếp tục phát huy vai trò Người có uy tín trong việc triển khai Chương trình MTQG 1719, trong thời gian tới, Ban Dân tộc với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và trực tiếp thực hiện chính sách cho Người có uy tín sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến Người có uy tín, đặc biệt là những chính sách liên quan đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong tuyên truyền, vận động, hòa giải cơ sở; nâng cao năng lực trong thực hiện Bình đẳng giới. Tổ chức thăm hỏi, động viên Người có uy tín… Tổ chức các hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm, cấp phát bản tin Dân tộc và miền núi, Báo Dân tộc và Phát triển, sổ tay, sản phẩm truyền thông đến Người có uy tín. Tổ chức tham quan ngoại tỉnh cho những cá nhân Người có uy tín ưu tú, có nhiều thành tích xuất sắc. Kịp thời nêu gương, biểu dương, tôn vinh những gương điển hình tích cực hưởng ứng các chủ trương, đường lối của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chương trình MTQG 1719…