Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thừa Thiên Huế: Loay hoay tìm cách giảm tỷ lệ tảo hôn

Phạm Tiến - 08:29, 22/03/2024

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2021-2023 trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế có 61 trường hợp tảo hôn. Dù ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, thế nhưng tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS tại tỉnh này vẫn chưa thể chấm dứt.

Thừa Thiên Huế: Loay hoay tìm cách giảm tỷ lệ tảo hôn
Kết hôn khi chưa đủ tuổi, chị Plup.T K và chồng là anh Viết H. gặp muôn vàn khó khăn

Tảo hôn chưa chấm dứt!

Chị Plup T. K. và Viết H. ở xã A Roàng, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) lấy nhau khi anh H. chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định. Chính quyền địa phương đã ra quyết định xử phạt hành chính 3 triệu đồng, gia đình phải nộp phạt vì tảo hôn và vi phạm hương ước của làng. Bố mẹ 2 bên đã phải gom góp tiền để nộp phạt. Tuy nhiên hoàn cảnh gia đình khó khăn nên số tiền phạt trên cũng phải trả góp. Đến giờ, con của anh H. và chị K đã 7 tháng, số tiền phạt vẫn chưa trả xong!

Gặp một trường hợp khác là chị L.T.M. đang chăm con ốm tại Trung tâm Y tế huyện A Lưới. Thoạt nhìn, M. và con trông như hai chị em. M. chỉ 16 tuổi, đứa con 1 tuổi gầy gò ốm yếu. Khi hỏi về cuộc sống, M. nghèn nghẹn: “Gia đình em hoàn cảnh khó khăn. Sức khỏe con ốm yếu do em ăn uống không đủ chất, cháu mặc không đủ ấm. Giờ nghĩ lại em thấy hối hận vì lấy chồng sớm!”.

Đó chỉ là 2 hoàn cảnh trong số nhiều trường hợp riêng biệt tảo hôn Thừa Thiên Huế. Theo thống kê, từ 2021 đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có tới 61 cặp đôi tảo hôn. Điểm chung của các cặp đôi kết hôn khi chưa đủ tuổi là cuộc sống “chật vật”. Trong khi chưa được trang bị kỹ năng nuôi con, các ông bố, bà mẹ trẻ gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống. Nào là khó khăn về cơm áo, gạo tiền trong cuộc sống độc lập với gia đình nhỏ. Nào là khó khăn trong việc nuôi dạy con khi còn quá trẻ…Hệ lụy để lại là không thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo, thất học rồi lại tảo hôn.

Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn ở Thừa Thiên Huế chưa thể chấm dứt thì nguyên nhân hủ tục được xếp lên hàng đầu. Qua khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh, 60% số cặp thừa nhận hủ tục con gái đã có quan hệ tình dục hoặc có thai phải lấy chồng còn tồn tại khá phổ biến tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác vận động, can thiệp và áp dụng các chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm Luật hôn nhân - gia đình.

Thừa Thiên Huế: Loay hoay tìm cách giảm tỷ lệ tảo hôn 1
Truyền thông sức khỏe sinh sản cho phụ nữ DTTS ở độ tuổi sinh đẻ và phòng chống tảo hôn ở huyện A Lưới (Ảnh: Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp)

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Văn Đời- Trưởng phòng Dân tộc huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) thừa nhận: “Huyện Ủy, UBND huyện đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng tảo hôn. Dù có giảm so với các năm trước nhưng tình trạng tảo hôn ở địa phương vẫn chưa thể chấm dứt”. Nhận định một số nguyên nhân cơ bản, ông Đời cho rằng một số địa phương vẫn chưa thực hiện quyết liệt trong thực hiện chế tài xử phạt hành chính về vi phạm Luật hôn nhân-gia đình.

Tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số, chăm sóc trẻ em vùng DTTS….

Loay hoay tìm giải pháp

Thừa Thiên Huế có 02 huyện miền núi (Nam Đông, A Lưới) và 03 huyện, thị xã có đồng bào DTTS (Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà). Trong đó đồng bào DTTS có 54.062 người chiếm 4,9 % dân số toàn tỉnh. Dù chỉ chiếm 4,9% dân số toàn tỉnh, thế nhưng vùng đồng bào DTTS lại chiếm tỷ lệ trên 90% số trường hợp tảo hôn ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Điều đáng nói, dù chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thế nhưng tình trạng tảo hôn trong vùng DTTS vẫn chưa thể chấm dứt. 

Thừa Thiên Huế: Loay hoay tìm cách giảm tỷ lệ tảo hôn 2
Tập huấn nâng cao năng lực thực hiện tiểu dự án 2, Dự án 9 : Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại huyện A Lưới

Nhiều năm qua, đặc biệt là trong năm 2023, huyện Ủy, UBND huyện A Lưới đã triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi; Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Theo đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu về tác hại của tình trạng tảo hôn. Thế nhưng tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra trên địa bàn huyện. Cụ thể, chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm 2023, toàn huyện đã có 13 trường hợp tảo hôn. Những con số thông báo về các trường hợp tảo hôn ở A Lưới như vẫn thách thức giải pháp tuyên truyền mà các cấp chính quyền đã và đang triển khai!

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển ông Huỳnh Công Quảng Bí Thư huyện Ủy A Lưới chia sẻ thêm với Báo Dân tộc và Phát triển: “Huyện ủy chỉ đạo quyết liệt, năm này quyết tâm hạn chế tình trạng tảo hôn. Do thay đổi nhận thức là cả một quá trình nên chấm dứt tảo hôn trong một sớm một chiều là điều khó” Ông Quảng cũng cho biết thêm, những năm trở lại đây chưa có lãnh đạo xã nào bị kỷ luật do để tình trạng tảo hôn xẩy ra.

Tại huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế), từ đầu năm 2020 đến cuối 2023 toàn huyện đã có 20 trường hợp tảo hôn. So với cùng kỳ, nạn tảo hôn ở Nam Đông đã giảm tuy nhiên còn khá cao so với bình quân chung của tỉnh. Trước thực trạng đó, UBND huyện đã triển khai kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng của cán bộ và nhân dân và đặc biệt là học sinh. Đồng thời nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và đoàn thể trong vấn đề hạn chế tảo hôn. Chính quyền địa phương cũng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo quy định của pháp luật.


Thừa Thiên Huế: Loay hoay tìm cách giảm tỷ lệ tảo hôn 3
Dù chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, thế nhưng tình trạng tảo hôn trong vùng DTTS ở Thừa Thiên Huế vẫn xẩy ra

Theo ghi nhận của phóng viên, các địa phương vùng DTTS ở Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng tới thay đổi nhận thức. Giải pháp tuyên truyền đã được triển khai liên tục trong nhiều năm qua, điều đó là cần thiết và phù hợp với điều kiện kinh tế -xã hội vùng DTTS. Tuy nhiên hành vi tảo hôn đã được pháp luật quy định rõ tại Khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Chế tài xử phạt cho hành vi tảo hôn cũng đã được cụ thể hóa rõ ràng tại Điều 58 Nghị Định 82/2020/NĐ-CP. Do đó, các địa phương cần quyết liệt hơn trong việc xử phạt hành chính đối với hành vi tảo hôn để đảm bảo tính răn đe. Cùng với đó, UBND cấp huyện cũng cần có chế tài xử lý đối với cấp xã, thôn bản nơi để ra tình trạng tảo hôn. Làm được nghiêm minh như vậy thì tình trạng tảo hôn mới mong đi đến hồi chấm dứt. Hệ lụy của tình trạng tảo hôn sẽ không còn dai dẳng như trong những năm trước.