Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thủ tướng yêu cầu sớm triển khai tuyến đường kết nối Bắc Giang - Hải Dương - Quảng Ninh

PV - 21:31, 10/01/2024

Chiều ngày 10/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, kiểm tra, nghe báo cáo về một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Hải Dương, có ý nghĩa quan trọng trong liên kết giao thông với Bắc Giang và Quảng Ninh, đẩy mạnh liên kết vùng, cũng như phát huy hơn nữa ý nghĩa, giá trị quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc".

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra hiện trường dự án đường nối cầu Đồng Việt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra hiện trường dự án đường nối cầu Đồng Việt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các dự án này gồm dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc nối từ Quốc lộ 18 đến ngã ba An Lĩnh, thành phố Chí Linh; quy hoạch dự án khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; dự án cầu Đồng Việt qua sông Thương nối Bắc Giang – Hải Dương…

Sớm triển khai tuyến đường kết nối Bắc Giang - Hải Dương - Quảng Ninh

Quốc lộ 37 là trục giao thông kết nối các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn… ra cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh và ngược lại, từ các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình đi cửa khẩu Lạng Sơn. Tuy nhiên, đoạn Quốc lộ 37 nối từ Quốc lộ 18 đi qua Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc và kết nối sang tỉnh Bắc Giang hiện trạng mặt đường nhỏ hẹp, không đáp ứng nhu cầu vận tải với lưu lượng phương tiện lớn; thường xuyên ách tắc, gây mất an toàn giao thông, nhất là trong các dịp lễ hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo tiến độ thực hiện dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo tiến độ thực hiện dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hiện nay tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Giang và các cơ quan liên quan đang tập trung hoàn thành 3 dự án giao thông kết nối với Quốc lộ 37 trong khu vực gồm: Dự án cầu Đồng Việt vượt sông Thương giữa Bắc Giang - Hải Dương, kết nối với Quốc lộ 1 và đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng; tuyến nối Quốc lộ 37 (tại ngã ba An Lĩnh) vào đền Kiếp Bạc với tổng mức đầu tư là 1.218 tỷ đồng; dự án mở rộng đường từ Quốc lộ 37 vào chùa Côn Sơn với tổng đầu tư là 279 tỷ đồng.

Trong năm 2024, 3 dự án trên hoàn thành đưa vào khai thác sẽ thu hút tập trung lưu lượng phương tiện giao thông rất lớn lưu thông qua Quốc lộ 37, đặc biệt là đoạn từ Quốc lộ 18 đến ngã ba An Lĩnh, do đó phải sớm triển khai đầu tư mở rộng đồng bộ quy mô nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, nối từ Quốc lộ 18 đến ngã ba An Lĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Hải Dương đề xuất phương án bố trí vốn.

Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đang xem xét phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư để triển khai theo quy định. Theo đề xuất phương án đầu tư, tổng chiều dài tuyến là hơn 12 km, khái toán chi phí đầu tư 2.297 tỷ đồng.

Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kiểm tra hiện trường và nghe báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh tỉnh chủ động triển khai các dự án nói trên. Thủ tướng cho rằng dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn từ Quốc lộ 18 đến ngã ba An Lĩnh, dự án đường nối cầu Đồng Việt có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh và liên kết vùng. Do đó, 3 tỉnh cần cùng làm khẩn trương với quy mô ít nhất 4 làn xe, tốc độ cao, hướng tuyến ngắn nhất, thẳng nhất có thể, mở ra không gian mới, tạo động lực phát triển mới.

Phát huy hơn nữa giá trị khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Dự án hồ Thanh Long nằm trong quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã được phê duyệt.

Nằm ở trung tâm khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, thời Trần, khu vực hồ Thanh Long là nơi tập kết thuyền chiến, luyện thuỷ binh, các làng xóm quanh hồ là những căn cứ hậu cần.

Dự án cải tạo, xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long có diện tích khoảng 1.568 ha, thuộc địa phận các xã Lê Lợi, xã Hưng Đạo thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương và tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang. Dự án dự kiến có quy mô đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, hoàn thành năm 2035.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo về Dự án cải tạo, xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo về Dự án cải tạo, xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự án gồm các hạng mục nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên; tôn tạo, phục hồi các di tích lịch sử, văn hóa, khôi phục lễ hội truyền thống; phát triển khu du lịch tổng hợp có tầm cỡ quốc gia, quốc tế; góp phần bảo tồn, làm phong phú thêm giá trị của quần thể khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách, tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân trong vùng.

Nghe báo cáo về quy hoạch và ý tưởng triển khai dự án, Thủ tướng cho rằng việc triển khai dự án này sẽ góp phần củng cố, phát huy và khai thác giá trị khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, cũng như quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc" đang được các cơ quan tích cực triển khai thủ tục đề cử UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đây là khu vực rất linh thiêng và có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hải Dương phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch, xây dựng dự án, xác định chủ đầu tư, tính toán, huy động nguồn lực để triển khai, nếu quá trình thực hiện xuất hiện vướng mắc về cơ chế, chính sách thì tháo gỡ theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.