Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 3 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng

PV - 10:05, 09/05/2024

Sáng 9/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (Hội đồng) chủ trì Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng để công bố Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ; rà soát cơ chế chính sách đặc thù phát triển vùng; kế hoạch điều phối vùng và đánh giá việc triển khai các dự án trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng để công bố Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng để công bố Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự hội nghị có: Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng; các Phó Chủ tịch Hội đồng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo của 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng: Thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình; các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết số 30-NQ/TW về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Chính phủ đã có Nghị quyết số 14/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW. Tiếp đó, Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng để tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ cụ thể của các nghị quyết; xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, mục tiêu của Nghị quyết số 30-NQ/TW, đề ra các phương hướng, tạo không gian phát triển của vùng.

Theo Thủ tướng, sau hơn 9 tháng, Hội đồng tổ chức thường xuyên các phiên họp để rà soát, kiểm điểm các công việc theo chức năng, nhiệm vụ; yêu cầu tại hội nghị lần thứ 3 này, các đại biểu tập trung đánh giá 1 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ; rà soát cơ chế chính sách đặc thù phát triển vùng; kế hoạch điều phối vùng và đánh giá việc triển khai các dự án trọng điểm kết nối liên kết vùng, liên kết ngành trong vùng; đề xuất các đột phá chiến lược; xác định rõ các ưu tiên để huy động, phân bổ nguồn lực; phân tích những thách thức, các nhiệm vụ, giải pháp, các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể cần triển khai để thực hiện hiệu quả nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung đánh giá 1 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ; rà soát cơ chế chính sách đặc thù phát triển vùng; đề xuất các đột phá chiến lược... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung đánh giá 1 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ; rà soát cơ chế chính sách đặc thù phát triển vùng; đề xuất các đột phá chiến lược... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh đó, rà soát các hoạt động của Hội đồng vùng; đề ra các nhiệm vụ của Hội đồng thời gian tới, trên tinh thần "dễ làm trước, khó làm sau; đi từ đơn giản đến phức tạp; đi từ nhỏ đến lớn; vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa tính đến công việc lâu dài; làm đến đâu chắc đến đó, không cầu toàn, không nóng vội".

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/5/2024, nhấn mạnh 6 quan điểm mang tính chiến lược, cốt lõi: Địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát triển và cơ cấu lại kinh tế vùng phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển kinh tế hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm tổ chức không gian hợp lý, hiệu quả, thống nhất; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, nguồn nước; bảo vệ môi trường; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Quy hoạch đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế; Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động các trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ; Tập trung bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa của nền văn minh sông Hồng; Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, liên kết, hình thành các chuỗi đô thị Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và liên kết vùng; Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và liên kết vùng…