Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thông báo số 20 Kết luận của Bộ Chính trị về bố trí cán bộ bị kỷ luật: Thông điệp mạnh mẽ, biện pháp quyết liệt

Xuân Hồng - 12:34, 01/10/2022

Tình trạng cán bộ lãnh đạo sai phạm nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật về mặt Đảng (khiển trách, cảnh cáo) ngày càng nhiều, những đối tượng này có thể chưa tới mức phải cách chức hay chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự; hoặc có những vụ việc do các cơ quan điều tra đang thụ lý, triển khai thu thập chứng cứ kéo dài... nhưng họ vẫn giữ chức vụ lãnh đạo quản lý.

Nhiều cán bộ đã bị khởi tố liên quan vụ kít xét nghiệm Việt Á
Nhiều cán bộ đã bị khởi tố liên quan vụ kít xét nghiệm Việt Á

Không còn uy tín, không đủ năng lực, sai phạm tới mức bị kỷ luật Đảng mà vẫn hàng ngày chỉ đạo, điều hành, đã nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp, công việc trì trệ, tiếp tục gây thêm ung nhọt, lấp liếm sai phạm, thậm chí có thể chồng chất thêm sai phạm, gây hoang mang dư luận, suy giảm niềm tin của nhân dân và người lao động ở những nơi có cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật... đây chính là mối nguy hại cho Đảng và cả hệ thống chính trị.

Xuất phát từ thực tiễn đó, kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật ban hành “Thông báo số 20” (sau đây xin gọi tắt là “Thông báo số 20” của Bộ Chính trị) mới đây, không chỉ dành cho cán bộ quản lý cấp cao, mà còn đề cập rất rõ đến những đối tượng cán bộ lãnh đạo ở địa phương, ở các cơ quan trực thuộc bộ, ban, ngành TƯ đã bị kỷ luật, để lập lại kỷ cương, xử lý những “góc khuất” của vấn đề xử lý cán bộ sai phạm, tạo cơ hội cho các nhân tố mới thay thế phát huy, từng bước ổn định ở các cơ quan đơn vị có cá nhân, tập thể bị kỷ luật.

Phương châm của Đảng đã chỉ rõ "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ: "Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định".

“Thông báo số 20” đã quy định rõ đối tượng cán bộ lãnh đạo thuộc Ban Bí thư và Bộ Chính trị quản lý nhưng cũng là chủ trương chung, là cơ sở khung để các đối tượng tương tự thuộc địa phương và các đơn vị trực thuộc các bộ, ban, ngành quản lý thực hiện: "Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương căn cứ Thông báo kết luận này cụ thể hoá và tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị."

“Thông báo số 20” nêu rõ: Việc bố trí cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và theo định hướng tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng.

Những trường hợp cán bộ có nguyện vọng tiếp tục công tác, thời gian dưới 5 năm, thì cấp có thẩm quyền xem xét bố trí làm công tác chuyên môn (không làm công tác lãnh đạo, quản lý), được giữ nguyên ngạch công chức đã được bổ nhiệm. Đối với cán bộ là Ủy viên Trung ương Đảng thì Bộ Chính trị xem xét, bố trí công tác phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Đối với cán bộ có nguyện vọng tiếp tục công tác và thời gian công tác trên 5 năm, thì cấp có thẩm quyền theo nguyên tắc trên, thôi giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, bố trí làm công tác chuyên môn phù hợp.

Với “Thông báo 20”, một bước tiến mới quan trọng thông qua các biện pháp cụ thể, quyết liệt, hứa hẹn tạo nhiều thay đổi tích cực trong "cuộc chiến" đấu tranh phòng, chống tham nhũng và các sai phạm tiêu cực khác của tầng lớp cán bộ, đảng viên trong thời gian tới đây, nhất là những cán bộ lãnh đạo quản lý – họ sẽ không còn nhiều đặc quyền đặc lợi, “tự tung tự tác” trên cương vị lãnh đạo, điều hành cơ quan, đơn vị khi đã bị kỷ luật.

“Thông báo số 20”, cũng đã quy định rất rõ ràng dành cho những cán bộ bị kỷ luật còn trọng danh dự, liêm sỉ, có chí hướng và thành thật thừa nhận sai lầm, quyết tâm khắc phục hậu quả: “Cán bộ sau khi bị kỷ luật mà tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật. Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương”.

Đây còn là thông điệp rất nhân văn, mang tính giáo dục, răn đe hiệu quả của “Thông báo số 20", tạo điều kiện cho những cán bộ sau khi bị kỷ luật vẫn phấn đấu, cống hiến, khắc phục hậu quả từ những sai lầm của cá nhân, tập thể... họ từng gây ra, vẫn có cơ hội phát triển, sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm. Đó cũng phù hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, “Quay đầu là bờ”…

“Thông báo số 20” là một biện pháp mạnh, thông điệp rõ ràng của Bộ Chính trị thể hiện sự quyết tâm cao hơn nữa của Đảng và hệ thống chính trị trong quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của những đảng viên nói chung và những cán bộ giữ chức vụ quản lý nói riêng, và nó chắc chán được đông đảo tầng lớp nhân dân ủng hộ, thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: Phòng chống tham nhũng phải làm liên tục, bền bỉ, bài bản, trở thành yêu cầu cấp bách, một nhiệm vụ thường xuyên, một xu thế, một phong trào không làm không được, không ngừng không nghỉ, không có ngoại lệ... phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa và chỉ có tiến lên… cắt một vài cành sâu để cứu cả cây, làm rất quyết liệt, nhưng nhân văn, nhân đạo, rất có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục!