Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thôn của những triệu phú người Raglai

Hà Thanh Tú - 02:48, 28/10/2023

Thôn văn hoá Suối Máu, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận là thôn triệu phú của đồng bào dân tộc Raglai. Đây là thôn điển hình về xây dựng đời sống mới trong cộng đồng dân tộc thiểu số của tỉnh BìnhThuận.

Ngôi nhà của gia đình chị Lý Thị Hồng, dân tộc Raglai ở thôn Suối Máu với tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 2 tỷ đồng.
Ngôi nhà của gia đình chị Lý Thị Hồng, dân tộc Raglai ở thôn Suối Máu với tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 2 tỷ đồng.

Sau những trận mưa lớn nhưng con đường vào thôn Suối Máu không hề lầy lội mà rất thuận tiện cho ô tô ra vào. Dọc theo đường, những ngôi nhà xây mái bằng, mái Thái tường cao bao quanh, hiên nhà có hoa leo… và bất chợt một đoạn trên đường, thoang thoảng đâu đây mùi hoa ngọc lan dịu nhẹ, gợi cảm giác yên bình và no ấm.

Anh Nguyễn Long, Trưởng thôn cho hay, Suối Máu có 169 hộ, 725 khẩu, trên 95% số hộ là người Raglai, nhưng bà con đều lấy họ người Kinh cho gần gũi. Đời sống của bà con dựa vào nông nghiệp kết hợp công nghiệp đã tạo nên diện mạo khang trang, khá giả hôm nay.

“Trước kia trong thôn có một số gia đình có người bị bệnh phong kéo dài khiến họ luôn sống trong tự ti mặc cảm. Ngay cả chính tôi, hồi ấy nếu có ai hỏi: Nhà ở đâu, tôi cũng ngại nói tên Suối Máu. Giờ thì khác rồi. Nói đến địa danh Suối Máu là cảm thấy tự hào. Giờ này thôn đang yên ắng vì người lớn đi làm, trẻ em đến trường hết rồi, nhưng tầm 17 giờ đến tối thì thôn rộn ràng lắm!”, Trưởng thôn Nguyễn Long cho biết thêm.

Đồ dùng sinh hoạt gia đình của người Raglai ở thôn Suối Máu
Đồ dùng sinh hoạt gia đình của người Raglai ở thôn Suối Máu

Vẫn trong mạch chuyện kể về sự đổi đời, anh Nguyễn Long cho biết thêm: Hơn 20 năm trước, những người Raglai sống rải rác trong huyện Hàm Tân. Đời sống bấp bênh, khổ cực, bệnh tật triền miên. Sau đó, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, người Raglai được quy tụ tập trung về Suối Máu định cư. Quen với rẫy với rừng, nay sống tập trung một nơi, đồng bào không thể một sáng một chiều quen ngay được cách thức sản xuất ổn định. Giai đoạn đó, toàn thôn có 150 hộ, nhưng đất sản xuất vẫn thiếu.

Từ năm 2002, người dân nhận 62 ha đất sản xuất đầu tiên, còn gọi là đất 04 (thực hiện Nghị quyết chuyên đề 04 của Tỉnh uỷ Bình Thuận, cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh). Mấy năm sau đó, những hộ thiếu, chưa có đất tiếp tục nhận đất, bình quân 1 ha/hộ. Nhưng một lúc không thể xua đuổi cái thiếu đói đi được. Nguyên nhân, đồng bào tập trung trồng bắp địa phương, cây mì và cây bông vải ngắn ngày. Đầu tư thâm canh chưa được chú trọng nên sâu bệnh nhiều, năng suất thấp. Bình quân 1 ha mì, mỗi hộ thu được 35 - 40 triệu đồng/năm, sau khi bỏ ra rất nhiều công chăm sóc, thu hoạch.

Mọi chuyện thay đổi khi người dân được khuyến khích trồng keo lai thay cho cây thực phẩm. Thời điểm đó, huyện Hàm Tân và thị xã La Gi gần đó cũng mở ra các công ty may xuất khẩu và các công ty giống cây trồng…, thu hút lượng lớn công nhân vào làm việc. Những người có kiến thức như anh Long cùng một số người khác bắt đầu tính toán. Theo đó, 1 ha keo lai đến tuổi khai thác là 3 - 4 năm. Tổng chí phí là 50 triệu đồng/ha cho 3 năm, gồm: giống, phòng chống cháy, công thu hoạch… Nếu cây phát triển tốt, thu về 180 triệu đồng/ha. Thấp nhất 150 triệu đồng/ha. Trừ chi phí, đồng bào thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/ha.

Một căn nhà khang trang của người Raglai ở thôn Suối Máu
Một căn nhà khang trang của người Raglai ở thôn Suối Máu

Một thuận lợi nữa là nhiều điểm dịch vụ trong huyện đồng ý cho đồng bào nợ tiền công cày, cây giống nếu trồng keo lai, đến cuối vụ mới trả tiền mua phân, giống với lãi suất hợp lý. Ấy thế là làn sóng trồng keo lai bùng phát mạnh ở thôn Suối Máu từ năm 2005 trở đi. Những khu rừng keo lai của người Raglai bạt ngàn, kéo dài đến tận sông Dinh cách thôn mấy cây số vào nhiều năm sau đó. Vào thời điểm này, đi đâu cũng thấy rừng trồng của đồng bào, với sự hỗ trợ của máy móc từ khâu trồng cây tới chăm sóc.

Bên cạnh đó, có hơn 200 chị em phụ nữ người Raglai được các công ty nhận vào làm công nhân may công nghiệp. Mỗi sáng, xe của công ty đến tận làng đón chị em đi làm, chiều lại đưa về. Thu nhập của mỗi công nhân từ 4,5 - 9 triệu đồng/tháng (nếu tăng ca). Trong thôn hình thành nhiều gia đình “chồng nông nghiệp, vợ công nghiệp”. Điển hình như gia đình anh Trần Văn Tiến và chị Trần Thị Hoà (công nhân may Nhà Bè); gia đình Lê Văn Tuấn - Lý Thị Hải (may Hàm Kiệm)…. Đa số cặp vợ chồng nông - công nghiệp trong thôn có thu nhập bình quân trên 15 triệu đồng/ tháng, tăng 5 lần so với trước đây.

Cũng có gia đình vợ tuổi cao không làm công nhân thì chuyên tâm trồng keo lai cùng chồng. Hết mùa chăm sóc keo lai, những đôi vợ chồng nông nghiệp đi làm thêm cho nhiều người trong xã với mức ngày công làm cỏ: 300 ngàn đồng/người; hoặc 500 ngàn đồng/người/ ngày phun thuốc trừ sâu.

Mà đâu chỉ thế, thanh niên Raglay cũng học được sự nhanh nhẹn, tháo vát với những nghề mới như mộc dân dụng, thợ xây nhà... Điển hình như anh Phan Thảo (tuổi ngoài 35), thu nhập trên dưới 12 triệu đồng/tháng. Trưởng thôn Long cho hay: “Dân trong xã vì chuộng sự chắc chắn, vẻ đẹp sản phẩm gỗ do Thảo làm ra, nên Thảo có việc làm thường xuyên”.

Phan Thảo, thanh niên Raglai với nghề mộc dân dụng
Phan Thảo, thanh niên Raglai với nghề mộc dân dụng

Đến nay, bằng sự chịu khó tích luỹ, hơn 70% gia đình trong thôn Suối Máu đã xây được nhà khang trang. Điển hình như chị Lý Thị Hồng (tuổi ngoài 50), năm 2022 đã xây được ngôi nhà trị giá 2 tỷ đồng, trong đó toàn bộ cửa lớn nhỏ đều là danh mộc. Những người khác như: Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Nguyễn Ngọc Thiện…. không chỉ xây nhà mái bằng mà còn trang bị đầy đủ phương tiện sinh hoạt như gia đình người Kinh khá giả ở phố. Đời sống vật chất - văn hoá khá lên, nhiều gia đình ở Suối Máu cho đã biết đầu tư vào tương lai cho con cháu. 100% số trẻ em trong độ tuổi đi học, đều đến trường mẫu giáo, tiểu học. Trưởng thôn Nguyễn Long có 3 con, hai con tốt nghiệp đại học, cao đẳng, con út đang học lớp 12.

Mừng hơn cả, người dân Suối Máu gần như đẩy lùi được bệnh phong từng gây bao mặc cảm trước đây. Trưởng thôn Nguyễn Long nói một cách chân thành: “Tỷ phú trong thôn Suối Máu chưa nhiều, nhưng triệu phú thì đầy!”