Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thoát nghèo nhờ tham gia bảo vệ rừng

PV - 11:10, 13/08/2019

Những năm gần đây, cuộc sống của người dân trồng tham gia và bảo vệ rừng đã có nhiều thay đổi nhờ mức chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được nâng lên. Cũng nhờ vậy, người dân đã yên tâm bám rừng, trồng mới rừng.

Bản Tả Ló San, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên giờ đây đã nhộn nhịp hơn trước rất nhiều vì người dân đã quay trở lại bản sinh sống và cùng nhau bảo vệ rừng. Nhớ lại trước đây, do không muốn phá rừng để lấy đất sản xuất, cũng không có chính sách hỗ trợ nên bà con dân tộc Hà Nhì đã phải di chuyển đi nơi khác làm ăn.

Ông Lỳ Khò Chừ, Trưởng bản Tả Ló San cho biết: “Kể từ năm 2011 đến nay, nhờ có chính sách hưởng lợi từ DVMTR, tôi đã kêu gọi bà con trong bản quay trở lại quê hương để cùng nhau bảo vệ rừng, giữ đất ông cha. Bởi, với người Hà Nhì, việc bảo vệ rừng là tín ngưỡng xuyên suốt bao thế hệ, việc giữ rừng chính là giữ gìn tín ngưỡng của cha ông, lại được Nhà nước trả công thì không gì bằng”.

Người dân phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng đi kiểm tra rừng. Người dân phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng đi kiểm tra rừng.

Hiện nay, bản Tả Ló San có 19 hộ là đồng bào Hà Nhì sinh sống, người dân tại bản được giao bảo vệ hơn 2.000ha rừng từ năm 2011. Đến năm 2018, trung bình mỗi hộ gia đình ở Tả Ló San đã được nhận trên 500 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ từ chính sách chi trả DVMTR.

Gia đình anh Lỳ A Po, bản Tả Ló San chia sẻ: Trước đây, gia đình anh chỉ trồng ngô và lúa cũng chỉ đủ ăn, từ khi tham gia vào công tác bảo vệ rừng, được nhận tiền hỗ trợ DVMTR gia đình anh, cũng như nhiều hộ dân khác đã có tiền để xây nhà, mua thêm được trâu, gà, lợn về chăn nuôi.

Không chỉ ở Điện Biên, tại tỉnh Lai Châu nhiều hộ dân trồng rừng cũng đã được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh Lai Châu đã có mức độ che phủ rừng lên đến trên 49%, nhiều hộ gia đình đã “đổi đời” nhờ tham gia bảo vệ rừng.

Anh Khuất Văn Thuận, bản Nà Pả, xã Hua Nà, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: “Gia đình tôi được giao bảo vệ 100ha rừng. Tôi thường xuyên phát dọn thực bì để phòng cháy rừng. Cứ 3-5 ngày, chúng tôi lại đi kiểm tra rừng, ai ai cũng có ý thức giữ gìn, coi rừng là tài sản của gia đình, dòng họ, thôn bản”.

Từ chính sách chi trả DVMTR, bảo vệ rừng và tiền công trồng rừng theo đề án trồng quế, sơn tra, tính đến đầu năm 2019, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Uyên đã tổ chức chi trả hơn 30 tỷ đồng cho hàng nghìn hộ dân ở 10/10 xã, thị trấn.

Thực tế cho thấy, sau khi Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR được ban hành, đã mang lại ý nghĩa thiết thực cho người dân vùng khó, cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện, qua đó diện tích rừng cơ bản được giữ vững và phát triển. Theo đó, năm 2018 mức chi trả DVMTR là 1.200.000đồng/ha/năm, tăng hơn so với năm 2016 chi trả là 800.000đồng/ha/năm. Với mức hỗ trợ này, bình quân mỗi gia đình tham gia bảo vệ rừng sẽ có thu nhập từ 50-120 triệu đồng/năm.

Nhờ thực hiện tốt chính sách, người dân được hưởng lợi trực tiếp từ DVMTR, năm 2018 cả nước có hơn 410.000 hộ gia đình, trong đó 86% là người DTTS được hỗ trợ, cải thiện sinh kế, từng bước nâng cao đời sống, đã có trên 5 triệu ha rừng được bảo vệ và trồng mới, chiếm 42% diện tích rừng toàn quốc.

Cùng với việc chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cũng đã tăng cường việc kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị được chi trả DVMTR tại từng địa phương. Qua đó, tập trung tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến với người dân, đặc biệt là các hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng để nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Kể từ năm 2011 đến nay, nhờ có chính sách hưởng lợi từ DVMTR, tôi đã kêu gọi bà con trong bản quay trở lại quê hương để cùng nhau bảo vệ rừng, giữ đất ông cha. Bởi, với người Hà Nhì, việc bảo vệ rừng là tín ngưỡng xuyên suốt bao thế hệ, việc giữ rừng chính là giữ gìn tín ngưỡng của cha ông, lại được Nhà nước trả công thì không gì bằng”

Ông Lỳ Khò Chừ, Trưởng bản Tả Ló San

NGHĨA HIỆP