Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh

PV - 09:16, 19/09/2018

Tại phiên họp thứ 27 diễn ra vào chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

 

Trình bày Tờ trình về Đề án, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thực hiện sự phân công của Đảng đoàn Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập Ban soạn thảo, tổ chức nghiên cứu và lấy ý kiến góp ý vào Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan tại Hội nghị ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, sau khi trao đổi, thống nhất trong Ban soạn thảo, Văn phòng Quốc hội trình UBTVQH về Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cụ thể, về tên gọi, Đề án đưa ra 3 phương án: Phương án 1 với tên gọi là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phương án 2 với tên gọi là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và chính quyền địa phương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phương án 3 với tên gọi là Văn phòng chính quyền địa phương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Sau khi phân tích ưu điểm và hạn chế của từng phương án, trên cơ sở tham gia ý kiến đóng góp của các đại biểu tại 3 Hội nghị, đa số các đại biểu lựa chọn phương án 1, do đó, Văn phòng Quốc hội nhất trí đề xuất tên gọi như phương án 1 là: “Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” để bảo đảm thể hiện đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng của các chủ thể. Tên gọi mặc dù có hơi dài nhưng có thể khắc phục bằng cách viết tắt khi trình bày văn bản hoặc khi khắc dấu.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là cơ quan cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại địa phương. Văn phòng là cơ quan tương đương cấp Sở tại địa phương, trực thuộc Ủy ban nhân dân nhưng không phải là cơ quan chuyên môn.

Về cơ cấu tổ chức, biên chế của Văn phòng, Đề án đề xuất Văn phòng chung có Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng và các đơn vị trực thuộc. Trong thời gian thực hiện thí điểm, số lượng Phó Chánh Văn phòng không vượt quá số lượng cấp phó hiện có của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi hợp nhất.

Kể từ năm 2020, số lượng Phó Chánh Văn phòng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không quá 4 người; đối với thành phố Hà Nội và TPHCM không quá 5 người.

Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng cấp và Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở những nội dung nêu trên, Văn phòng Quốc hội kiến nghị UBTVQH xem xét, ban hành Nghị quyết và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung là: Thứ nhất, về việc ban hành văn bản tạo cơ sở pháp lý thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng thành Văn phòng giúp việc chung, trong nội dung Nghị quyết cần xác định cụ thể tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng chung, danh sách các địa phương thực hiện thí điểm, thời gian thực hiện thí điểm.

Thứ hai, về số lượng các địa phương thực thiện thí điểm và tiêu chí lựa chọn các địa phương thí điểm. Việc lựa chọn danh sách địa phương đưa vào thực hiện thí điểm cần dựa trên nguyên tắc, bảo đảm đại diện cơ cấu vùng, miền; xét theo đặc điểm của chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn. Thực hiện thí điểm đối với những địa phương chủ động có đề xuất được thực hiện thí điểm trước, những địa phương tích cực và sẵn sàng trong việc áp dụng mô hình mới. Theo đó, số lượng dự kiến đưa vào thực hiện thí điểm khoảng 10 tỉnh, thành phố, bao gồm: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thái Bình, TPHCM, Tây Ninh, Tiền Giang.

Ngoài các địa phương trên, khuyến khích các tỉnh, thành phố còn lại tiếp tục tham gia thực hiện theo mô hình thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Thứ ba, về thời gian thực hiện thí điểm dự kiến từ ngày 1 tháng 1 năm 2019 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019 (thực hiện theo năm ngân sách). Sau khi hết thời gian thực hiện thí điểm, các địa phương chủ động báo cáo tổng kết đánh giá việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng để làm cơ sở báo cáo Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung 3 luật và tổ chức triển khai thực hiện vào nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong thời gian tổng kết, các tỉnh, thành phố trên vẫn duy trì thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng cho đến khi các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức Chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành và chính thức thực hiện mô hình văn phòng thống nhất trên toàn quốc.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Đại diện cơ quan thẩm tra Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định khẳng định, Ủy ban Pháp luật (UBPL) tán thành với sự cần thiết ban hành Đề án. Việc thí điểm hợp nhất là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo đó Quốc hội ban hành Nghị quyết để “thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”.

Về quá trình chuẩn bị và hồ sơ Đề án, UBPL nhận thấy Đề án đã được Văn phòng Quốc hội chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Đề án đã được lấy ý kiến của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan ở trung ương và địa phương. Hồ sơ Đề án đầy đủ, bao gồm: Tờ trình, Đề án, dự thảo Nghị quyết của UBTVQH, Báo cáo đánh giá tác động, Báo cáo tổng hợp ý kiến, Tập hợp ý kiến tại 3 Hội nghị lấy ý kiến về thí điểm hợp nhất, Báo cáo tổng hợp về tình hình tổ chức và hoạt động của 3 Văn phòng, ý kiến của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng và Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Chính phủ.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận, phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, UBTVQH bày tỏ tán thành với sự cần thiết xây dựng và triển khai Đề án; đồng thời đánh giá cao Văn phòng Quốc hội đã chủ động, tích cực chuẩn bị Đề án với nội dung đề án được chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự đánh giá khách quan những thuận lợi, hạn chế, khó khăn. Tài liệu hồ sơ của Đề án cũng được chuẩn bị đầy đủ theo đúng quy định.

Làm rõ những vấn đề, nội dung còn có ý kiến khác nhau trong thảo luận về Đề án, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến tại phiên họp cũng như tiếp tục xin ý kiến các cơ quan hữu quan để bổ sung, hoàn thiện Đề án.

Theo cổng TTĐT Chính phủ