Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Theo dòng “gạn đục khơi trong"

PV - 14:46, 01/02/2018

Theo phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam, từ xưa đến nay việc tổ chức lễ cưới, lễ tang và lễ hội, thể hiện nếp sống, bản sắc văn hóa của mỗi gia đình, thành phần dân tộc và của cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức các sự kiện này theo nếp sống văn minh, phù hợp xu thế phát triển của thời đại, đối với cộng đồng các DTTS là cả một quá trình vận động, tuyên truyền, kiên trì và mềm dẻo. Trong đó, vai trò của đội ngũ cán bộ và những người có uy tín trong cộng đồng đặc biệt quan trọng.

Những hủ tục lạc hậu
Đoàn đón dâu trong đám cưới dân tộc Sán Dìu. Đoàn đón dâu trong đám cưới dân tộc Sán Dìu.

 

Khi nhắc lại “cuộc cách mạng” làm thay đổi tập tục cưới xin, tang ma trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), ông Hoàng Văn Dầu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nhượng Bạn vẫn nhớ như in những năm tháng bản làng đói nghèo, lạc hậu. Ông kể, người Sán Chỉ những năm 1960 trở về trước thuộc diện đói nghèo nhất vùng này.

Xưa kia, người Sán Chỉ rất thích sinh con gái, vì khi gả con cho gia đình nhà khác, bố mẹ sẽ được nhận rất nhiều của cải từ lễ thách cưới bên nhà trai. Nghi lễ đám cưới có nhiều thủ tục rườm rà rất tốn kém. Trước khi đám cưới, nhà trai phải sắm đầy đủ các đồ sính lễ theo yêu cầu của nhà gái để tiến hành các nghi lễ: Dạm ngõ, so mệnh, ăn hỏi, thách cưới, dẫn cưới và đón dâu, tiệc mừng...

Thông thường mỗi đám cưới, nhà trai phải sắm đủ lễ rượu, thịt, gạo… mỗi thứ ba tạ sáu (3,6 tạ) và bạc nén. Đám cưới tổ chức ăn uống linh đình 4-5 ngày rất tốn kém.

“Lệ làng từ xưa quy định như vậy nên nhà nào kinh tế khó khăn cũng phải đi vay tiền, vay gạo về tổ chức đám cưới cho con. Như bố mẹ ông Hoàng Văn Nắm xưa kia khi cưới xong vợ cho con đã phải bán cả đàn trâu để trả nợ. Đến nay tóc bạc hết rồi vẫn chưa trả hết nợ đâu. May bên nhà gái họ thương đã xóa nợ cho đấy!”, ông Dầu bồi hồi kể lại.

Còn đối với cộng đồng người Dao ở các xã Mẫu Sơn, xã Ái Quốc, do sống khá biệt lập trên núi cao nên xưa kia, trai gái ít khi lập gia đình với người ngoài cộng đồng dân tộc mình. “Theo phong tục xưa, trước khi diễn ra đám cưới, nhà trai phải gánh 4-5 sọt thịt kèm theo gạo nếp, rượu, bạc nén... sang nộp thách cưới cho nhà gái. Đám cưới nhiều thủ tục cúng lễ rườm rà, tiệc tùng dài ngày nên nhà nào lo xong đám cưới cho con cũng lâm vào cảnh nợ nần, túng thiếu”, ông Triệu Tiến Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn cho biết.

Cô dâu và phụ dâu người dân tộc Dao trong lễ cưới. Cô dâu và phụ dâu người dân tộc Dao trong lễ cưới.
“Mưa dầm thấm lâu”
Cô dâu và chú rể mặc trang phục truyền thống trong lễ cưới. Cô dâu và chú rể mặc trang phục truyền thống trong lễ cưới.

 

Năm 1998, hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư” (TDĐKXDĐSVHMƠKDC) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, huyện Lộc Bình đã thành lập Ban chỉ đạo Cuộc vận động với các thành viên là cán bộ từ cấp huyện đến cấp thôn, bản. Những người có uy tín trong cộng đồng người Dao, Sán Chỉ, Tày, Nùng… giữ vai trò tiên phong trong công tác vận động, tuyên truyền.

Ông Hoàng Văn Dầu nhớ lại: Thời điểm đó, ông đang là Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch xã Nhượng Bản. Được cán bộ cấp trên giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa mới, ông Dầu đã lặn lội xuống các bản triệu tập các già làng, trưởng bản có uy tín về xã dự hội nghị bàn cách thức vận động, tuyên truyền cho bà con. Để bà con nhiệt tình hưởng ứng, ông còn mời các đồng chí lãnh đạo cốt cán về xã dự để cùng lắng nghe ý kiến của các già làng, trưởng bản. Từ đó, để huyện có giải pháp hỗ trợ, hậu thuẫn cho xã Nhượng Bản triển khai phong trào đạt hiệu quả cao nhất.

Ngoài tổ chức hội nghị tuyên truyền, trong các buổi sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, trong những buổi họp thôn, các già làng, trưởng bản và cán bộ văn hóa đều lồng ghép nội dung tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội để tuyên truyền cho bà con. Bằng phương pháp vận động kiểu “mưa dầm thấm lâu” và tiên phong “phá rào” lệ cũ trong đám cưới, đám tang của các gia đình cán bộ, những người có uy tín, từ đó bà con địa phương răm rắp làm theo.

Nếp sống mới hôm nay
Đám cưới người Tày Đám cưới người Tày

 

Hiện nay, tại các xã Nhượng Bản, Mẫu Sơn, Ái Quốc, Minh Phát…, bà con dân tộc Sán Chỉ, Dao, Tày, Nùng đã thực hiện đúng quy định về đăng ký, cấp giấy kết hôn tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn. Đám cưới được tổ chức gói gọn trong một ngày; mỗi đám cưới làm khoảng 30-50 mâm cỗ, không mời thuốc lá, tình trạng say rượu giảm nhiều. Các nghi lễ theo phong tục trước và sau khi cưới được tổ chức giản tiện, vui vẻ, lành mạnh. Trang phục cô dâu, chú rể theo truyền thống dân tộc được khôi phục ở một số nơi, điển hình như dân tộc Sán Chỉ ở xã Nhượng Bạn, dân tộc Dao ở xã Mẫu Sơn và xã Ái Quốc...

Nói về nếp sống văn hóa mới trong lễ cưới của người Sán Chỉ hôm nay, đôi mắt ông Hoàng Văn Dầu ánh lên niềm vui sướng: Các cháu người Sán Chỉ bây giờ văn minh, tiến bộ lắm rồi, không như thời của chúng tôi đâu. Các cháu được tự do tìm hiểu hôn nhân, nếu thấy hợp nhau, mới báo với gia đình để tổ chức đám cưới.

“Người Sán Chỉ bây giờ không thách cưới như thời xưa nữa. Nhà trai mang lễ vật sang xin dâu ít hay nhiều tùy theo điều kiện của gia đình mình thôi. Đám cưới chỉ gói gọn trong 1-2 ngày. Anh em, bạn bè đến dự đều có “phong bì” mừng cho đôi vợ chồng trẻ. Mừng nhiều hay ít tùy tâm thôi!”, ông Dầu chia sẻ thông tin.

Còn ở xã Mẫu Sơn hôm nay, nhiều bạn trẻ người Dao đã “hạ sơn” để đi học ngành, học nghề. Khi trở về quê hương công tác, nhiều bạn đã kết hôn với người dân tộc khác ở vùng dưới. Đơn cử như đôi bạn trẻ Triệu Tiến Minh, dân tộc Dao ở bản Trà Ký, xã Mẫu Sơn, công tác trong quân đội và cô dâu Thúy, dân tộc Tày công tác tại Đài Phát thanh-Truyền hình huyện Lộc Bình. Các bạn yêu nhau 2 năm, và đã tổ chức đám cưới theo nếp sống văn hóa mới năm 2015.

Trong ngày cưới, cô dâu Thúy vẫn mặc váy cưới tân thời, ngồi xe hoa bốn bánh đến gần nhà trai mới thay trang phục dân tộc Dao để tiến hành các nghi lễ theo phong tục bên nhà chồng. Sau nghi lễ truyền thống, gia đình nhà trai mở bữa tiệc ấm cúng, với sự tham dự của bạn bè, đồng nghiệp và anh em hai họ... Thời gian tổ chức lễ cưới chỉ gói gọn trong một ngày, nhưng trang trọng, tiết kiệm mà ấm cúng.

Và hạnh phúc của cô dâu-chú rể được trọn vẹn hơn, bởi sau đám cưới, đôi bạn trẻ này không còn canh cánh nỗi lo “trả nợ cưới” như thời của cha mẹ, ông bà xa xưa…

SÔNG LAM

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.