Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thế giới ghi nhận hơn 68,5 triệu ca nhiễm COVID-19, các nước chạy đua sở hữu vaccine

PV - 09:37, 09/12/2020

Hơn một năm kể từ khi xuất hiện, số ca nhiễm và tử vong vì đại dịch COVID-19 không ngừng tăng và liên tục thiết lập những cột mốc mới. Tính đến sáng nay (9/12), thế giới ghi nhận 68.508.931 ca nhiễm, 1.561.565 ca tử vong. Nhiều nước đang chạy đua để có được vaccine với hy vọng sẽ sớm đẩy lùi bệnh dịch.

Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm COVID-19 cho phụ nữ mang thai tại Surabaya, Indonesia, ngày 8/12. (Ảnh: Xinhua)
Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm COVID-19 cho phụ nữ mang thai tại Surabaya, Indonesia, ngày 8/12. (Ảnh: Xinhua)

Cụ thể, số liệu do trang web thống kê worldometers công bố sáng 9/12 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 543.072 ca mắc và 11.131 ca tử vong mới vì COVID-19. Toàn cầu có 47.419.181 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số 19.528.168 ca bệnh đang điều trị thì có 19.422.101 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,5%) và 106.084 ca (chiếm 0,5%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 218 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong những ngày qua, tình hình dịch bệnh tại Mỹ đã chuyển biến xấu hơn, với số ca mắc COVID-19 gia tăng nhanh chóng và hiện đã tiến tới 15.558.341 trường hợp, tiếp tục củng cố là vùng dịch lớn nhất thế giới. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 174.753 ca nhễm và 2.490 ca tử vong vì dịch bệnh. Tình hình được dự báo là sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu bởi số lượng bệnh nhân nhập viện đang tăng mạnh trong bối cảnh nước Mỹ đang bước vào mùa đông.

Trong khi đó, tình hình tại Ấn Độ - vùng dịch lớn thứ 2 trên thế giới cũng không mấy khả quan khi số ca nhiễm COVID-19 tại đây đang tiến sát tới con số hàng chục triệu. Sau nhiều ngày “ngấp nghé”, các nước gồm Iran, Ba Lan… đã gia nhập các nước có triệu ca nhiễm COVID-19.

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 18.785.311 trường hợp, trong đó có 433.511 ca tử vong và 8.470.975 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 162.587 ca nhiễm cùng 5.013 ca tử vong mới vì COVID-19. Từ nhiều ngày qua, châu Âu là khu vực chịu tác động nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu.

Trong 24 giờ qua, Bắc Mỹ ghi nhận thêm 188.412 ca nhiễm COVID-19 và 2.954 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 18.007.048 và 433.289 trường hợp.

Tính đến sáng 9/12, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 17.732.582 trường hợp, với 304.755 ca tử vong và 15.661.305 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.766.522 ca bệnh đang điều trị thì có 28.168 ca trong tình trạng nghiêm trọng.

Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 60.804 ca nhiễm và 1.103 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 11.636.969 trường hợp, với 334.357 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 6.674.999 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được tới thời điểm hiện tại.

Tính đến sáng 9/12, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 2.300.106 trường hợp, trong đó có 54.160 ca tử vong và 1.965.326 ca bình phục. Trong tổng số 280.170 ca đang điều trị thì có 2.529 ca trong tình trạng nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 259 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 15 ca ở Australia; 225 ca ở French Polynesia; 6 ca ở New Zealand và 13 ca ở Papua New Guinea. Hiện khu vực này ghi nhận 46.194 ca nhiễm và 1.028 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 27.987 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 15.332 ca.

Cụ bà Margaret Keenan (90 tuổi) trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm chủng COVID-19 bằng vaccine của hãng Pfizer, sau khi Anh chính thức khởi động chiến dịch tiêm chủng COVID-19 cho toàn dân - Ảnh: Reuters.
Cụ bà Margaret Keenan (90 tuổi) trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm chủng COVID-19 bằng vaccine của hãng Pfizer, sau khi Anh chính thức khởi động chiến dịch tiêm chủng COVID-19 cho toàn dân - Ảnh: Reuters.

Ngày 8/12, trường đại học Duke của Mỹ đã công bố về số vaccine COVID-19 tại các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo đó, tính đến ngày 4/12, Ấn Độ đã đặt trước 1,6 tỷ liều vaccine, đứng đầu thế giới. Tiếp theo sau là châu Âu, ít hơn 15 triệu liều so với Ấn Độ. Đứng thứ 3 là Mỹ với 1 tỷ liều.

Trong khi đó, dự án vaccine của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được biết đến với tên gọi cơ chế COVAX toàn cầu (COVAX Facility) đã bảo đảm có được 700 triệu liều vaccine.

Chính phủ Canada đã thực hiện các bước đi cần thiết để có được 358 triệu liều vaccine cung cấp cho người dân nước này. Trong khi con số này tại Anh là 355 triệu liều.

Dữ liệu của trường đại học Duke cũng cho thấy, số vaccine được phân phối tới các nước giàu là 3,8 tỷ liều, trong khi con số thuộc về các nước thu nhập trung bình là 2,8 tỷ liều. Tuy nhiên, tính toán của Duke lại không đề cập tới số vaccine tại Nga và Trung Quốc.

Theo cảnh báo của Duke, các nước đang phát triển có thể sẽ gặp trì hoãn trong việc tiếp cận với vaccine nếu như các nước công nghiệp phát triển cần đến một lượng vaccine lớn để đáp ứng cho người dân của họ. Theo Duke, thế giới sẽ phải chờ đến năm 2023 hoặc 2024 mới có thể được tiếp cận với vaccine ở phạm vi toàn bộ.

Được biết, chính phủ Nhật Bản cũng đã ký hợp đồng với 3 công ty dược phẩm nước ngoài và dự kiến sẽ nhận đủ vaccine để tiêm chủng cho toàn bộ người dân vào giữa năm sau.

Cũng trong ngày 8/12, sự chú ý của thế giới đổ dồn vào Anh, trong bối cảnh nước này bước vào ngày tiêm chủng vaccine COVID-19, sau khi nhận được 800.000 liều vaccine từ trung tâm sản xuất của Pfizer ở Bỉ.

Chương trình tiêm chủng của Anh nhận được sự theo dõi của cả thế giới, bởi vaccine ngừa COVID-19 do công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) sản xuất đã đạt hiệu quả lên đến 95% trong quá trình thử nghiệm và Anh là quốc gia đầu tiên tiến hành tiêm chủng loại vaccine này trên thực tế với điều kiện vận chuyển và bảo quản khắt khe.

Trước đó, Nga cũng đã tiến hành tiêm chủng đại trà vaccine Sputnik V do nước này sản xuất với hiệu quả lên đến hơn 90%. Nếu các loại vaccine này chứng minh hiệu quả trên thực tế, thì đây được coi chìa khóa giúp chấm dứt đại dịch COVID-19 đang làm chao đảo thế giới./.