Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thầy thuốc vùng sâu kể chuyện “đuổi ma rừng”

Lê Hường - 14:48, 15/06/2020

Một thời gian dài, đồng bào DTTS ở Đăk Lăk tồn tại quan niệm, con người bị bệnh, tai nạn, gặp những điều không may đều do con ma rừng gây ra. Vì vậy, khi đau ốm, bệnh tật, họ thường tìm đến thầy cúng để bắt ma. Chỉ đến khi có những bác sĩ cắm bản, tích cực tuyên truyền để người dân hiểu và chứng minh bằng thực tiễn, bà con mới tin tưởng, bỏ dần hủ tục.

Nhờ công tác tuyên truyền, người dân ở xã Dur Kmăl đã thường xuyên đưa con ra trạm y tế khám sức khỏe
Nhờ công tác tuyên truyền, người dân ở xã Dur Kmăl đã thường xuyên đưa con ra trạm y tế khám sức khỏe

Xã Dur Kmăl, huyện Krông Na, tỉnh Đăk Lăk có 7 thôn, buôn, trong đó có 4 buôn DTTS tại chỗ. Khoảng chục năm trước, đồng bào DTTS xã còn nhiều tập tục lạc hậu, nhất là trong việc khám chữa, phòng chống dịch bệnh. Bà con cho rằng, tất cả dịch bệnh, đau ốm đều tại con ma rừng làm nên, vì vậy, họ ủy thác tính mạng cho thầy cúng quyết định.

Y sĩ Lê Thị Ánh Tuyết, Phó trưởng Trạm y tế Dur Kmăl còn nhớ như in những ngày đầu về đây nhận công tác, bà Tuyết kể: Thời điểm đó, bà con DTTS ở đây tin thầy cúng hơn cán bộ y tế, dẫn đến nhiều cái chết thương tâm. Ví dụ như trường hợp 2 bố con ở buôn Krông lần lượt bị chó dại cắn. Ông bố bị trước, gia đình mời thầy về cúng, cán bộ y tế đến nhà vận động khuyên giải đi tiêm nhưng không nghe. Ít ngày sau ông bố qua đời, người con lại bị chó cắn. Lần này cán bộ cũng phải giải thích, động viên mãi gia đình mới đồng ý đưa con đến trạm y tế để tiêm phòng dại.

Hay như trường hợp sản phụ ở buôn Dur Kmăl 7 lần mang thai nhưng lần nào sinh con ra, em bé cũng bị mất vài ngày sau đó. Mỗi lần như vậy, gia đình lại mời thầy cúng về bắt con ma rừng. Đến khi mang thai lần thứ 8, nhân viên y tế trạm vào tận nhà thăm khám sức khỏe cả mẹ lẫn con, động viên thai phụ đến trạm xá để sinh con. Đến ngày chuyển dạ, gia đình đưa sản phụ đến trạm, vừa bước đến phòng sinh thì em bé đã chui ra ngoài. Rất may, y, bác sĩ ở trạm đã kịp thời hoàn tất các công đoạn khi sinh, giúp cho cả hai mẹ con an toàn, khỏe mạnh.

Cũng tại xã Dur Kmăl, y sĩ Võ Hương đã có 30 năm gắn bó với Trạm Y tế xã Dur Kmăl, trong đó có 25 năm làm Trạm trưởng. Ông đã góp công lớn trong việc thay đổi nhận thức người dân trong công tác khám chữa bệnh, đẩy lùi hủ tục, mê tín dị đoan ở xã vùng sâu này. 

Y sĩ Võ Hương chia sẻ, nơi đây rừng thiêng nước độc, bệnh dịch, nhất là sốt rét và dịch hạch xảy ra thường xuyên. Nhưng người dân tin thầy cúng hơn cán bộ y tế, thay vì bệnh nhân tìm đến bác sĩ, chúng tôi phải chủ động đi tìm người bệnh để chữa. Do bất đồng ngôn ngữ nên muốn chữa bệnh cho dân phải nhờ một người đi theo làm phiên dịch. Cán bộ y tế kiên trì nhiều năm cùng ăn, cùng ở, cùng giúp đỡ người dân lúc khó khăn để tạo lòng tin. Từ những ca bệnh được chữa khỏi, người dân bắt đầu có thiện cảm với cán bộ y tế. 

Nhờ sự tận tình, miệt mài của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở đã băng rừng, vượt suối đến cùng ăn, cùng ở giúp đỡ người dân, tạo lòng tin cho bà con, qua đó, hàng trăm ca bệnh đã được chữa khỏi, người dân bắt đầu có thiện cảm với cán bộ y tế. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, bà con xã Dur Kmăl đã đến trạm y tế mỗi khi đau ốm, không còn tình trạng sinh con tại nhà; trẻ nhỏ được tiêm phòng các bệnh theo chương trình tiêm chủng mở rộng của Nhà nước. Các hủ tục cúng chữa bệnh tại nhà đã dần được xóa bỏ…

Người dân tin thầy cúng hơn cán bộ y tế, thay vì bệnh nhân tìm đến bác sĩ, chúng tôi phải chủ động đi tìm người bệnh để chữa. Cán bộ y tế kiên trì nhiều năm cùng ăn, cùng ở, cùng giúp đỡ người dân lúc khó khăn để tạo lòng tin. Từ những ca bệnh được chữa khỏi, người dân bắt đầu có thiện cảm với cán bộ y tế”.

Y sĩ Võ Hương, Trạm y tế Dur Kmăl