Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tăng cường bác sĩ lên miền núi: Nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe Nhân dân

PV - 14:10, 22/07/2019

Là bệnh viện hạng II của tỉnh, nhưng Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) chỉ có vẻn vẹn 36 bác sĩ (kể cả cán bộ quản lý). Những năm qua, công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức gần 200%. Thực tế này cho thấy, vai trò của y tế tuyến huyện là rất quan trọng trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Nhiều kỹ thuật cao đã được triển khai thuần thục tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà. Nhiều kỹ thuật cao đã được triển khai thuần thục tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà.

Tăng cường bác sĩ giỏi cho vùng cao

Do đặc thù địa phương là huyện vùng cao, miền núi nên công tác đào tạo bác sĩ ở Bắc Hà gặp rất nhiều khó khăn. Đơn vị cũng khó thu hút bác sĩ bởi điều kiện cơ sở vật chất còn cách một khoảng khá xa so với vùng xuôi. Bác sĩ Trương Hùng Thanh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ-Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà cho biết: “Mãi đến tháng 6/2017, Bệnh viện mới tiếp nhận một bác sĩ chính quy tình nguyện về công tác theo Dự án 585 của Bộ Y tế, đó là bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết (30 tuổi), quê ở Hưng Yên, một trong 10 bác sĩ trẻ tiêu biểu toàn quốc được vinh danh năm 2018.”

Đến nay, bác sĩ trẻ Nguyễn Chiến Quyết đã gắn bó, công tác và đồng hành cùng Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà được hơn 2 năm. Nhận xét về bác sĩ Quyết, Giám đốc Bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Kim Phương cho biết: “Ở bệnh viện vùng cao, các bác sĩ đều phải thực hiện nhiều công việc khác nhau từ chuyên môn đến ca trực. Công việc nhiều song bác sĩ Quyết đã thích ứng nhanh và thể hiện là một bác sĩ trẻ nhiệt tình, có chuyên môn cao, có tinh thần cầu tiến trong công việc. Từ ngày có thêm bác sĩ Quyết về làm việc, Ban Lãnh đạo Bệnh viện cũng an tâm hơn”.

Cũng theo bác sĩ Phương thông tin, từ tháng 7/2017 đến nay, bác sĩ Quyết đã tham gia hơn 800 ca mổ về chấn thương, tiêu hóa, sản khoa, ngoại nhi... trong đó có các ca mổ cấp cứu nặng như chấn thương bụng, vỡ tạng, đa chấn thương, tiền sản giật, rau bong non, cấp cứu bé sơ sinh, có trường hợp chỉ nặng vẻn vẹn 900g. Cùng với đó là trực cấp cứu và hỗ trợ các bác sĩ chuyên khoa về hồi sức cấp cứu, sản khoa và nhi khoa.

Đáng chú ý là trường hợp cứu chữa thành công một bệnh nhân bị vỡ đa phủ tạng, không có máu, Bệnh viện đã huy động nhân viên y tế hiến máu và cứu sống bệnh nhân. Đây thực sự là những thành tích rất đáng tự hào. Vốn ngôn ngữ tiếng địa phương của Quyết (tiếng Mông, tiếng Tày) cũng được trau dồi, tiến bộ rất nhiều từ thực tế công tác. Đến nay, bác sĩ Quyết có thể giao tiếp với đồng bào đạt trên 70%, được đồng bào rất quý mến, tin tưởng trong quá trình thăm khám, điều trị bệnh.

Bệnh viện hưởng lợi nhiều từ Dự án

Với Dự án 585 của Bộ Y tế tăng cường bác sĩ về các bệnh viện tuyến dưới, bác sĩ Phương nhận định: “Bệnh viện đã triển khai thành công được nhiều kỹ thuật cao, phức tạp. Đơn cử, về ngoại khoa có thể kể đến phẫu thuật mổ cấp cứu đa chấn thương, vỡ tạng, gẫy xương lớn...; Sản khoa có các trường hợp như cấp cứu tiền sản giật; rau bong non, suy thai, thậm chí phẫu thuật cắt tử cung… Qua đó, hàng trăm bệnh nhân là đồng bào nghèo đã được tiếp cận những kỹ thuật điều trị mới mà không phải đi xa, giảm thiểu chi phí điều trị, nhờ đó bệnh nhân rất phấn khởi, yên tâm điều trị”.

Không chỉ trực tiếp làm công việc chuyên môn, đội ngũ bác sĩ tăng cường theo Dự án 585 còn hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn; chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ y, bác sĩ cơ sở, từ đó nâng cao tay nghề bác sĩ.

Thực hiện Dự án, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã hỗ trợ, giúp đỡ Bệnh viện Bắc Hà rất nhiều về máy móc trang thiết bị y tế hiện đại. Cũng nhờ chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên, cùng sự nỗ lực của các bác sĩ, Bệnh viện đã thực hiện khá thuần thục một số kỹ thuật vượt tuyến.

Từ năm 2017 đến nay, đã có 5 bác sĩ được đơn vị cử đi đào tạo trình độ chuyên môn sâu theo Dự án 585. Đến nay đã có 1 bác sĩ hoàn thành chương trình đào tạo trở về địa phương công tác, 1 bác sĩ sắp ra trường. Mới đây nhất (tháng 5/2019), Bệnh viện vừa mới tiếp nhận thêm một nữ bác sĩ trẻ từ Dự án 585 của Bộ Y tế: đó là bác sĩ Đinh Thị Thu (sinh năm 1992), bác sĩ chuyên khoa 1-chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh đến từ Bệnh viện Việt Đức. “Tuy thời gian công tác chưa dài, nhưng đơn vị đánh giá đây là một bác sĩ trẻ có chuyên môn vững, sống hòa đồng và có tinh thần trách nhiệm cao với công việc”, bác sĩ Phương nhận xét.

Bác sĩ Nguyễn Kim Phương đề xuất: “Chúng tôi mong muốn Bộ Y tế sẽ tăng thêm số lượng bác sĩ trẻ tình nguyện để tăng cường sức lan tỏa và tác động rộng lớn hơn nữa đối với tuyến cơ sở; Đồng thời nên kéo dài thời gian đi cơ sở của các bác sĩ trẻ từ 3-5 năm thay vì chỉ từ 2-3 năm như hiện nay để tạo điều kiện cho các thầy thuốc trẻ có cơ hội được cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng và phát huy tinh thần “xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ” góp phần xây dựng và phát triển đất nước”.

KHUẤT LINH