Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thảo luận Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ DTTS

Thúy Hồng - 21:00, 06/10/2024

Chiều ngày 6/10, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 10 Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến Dự thảo báo cáo giám sát chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ DTTS, giai đoạn 2016-2023.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp

Tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry đã trình bày Dự thảo báo cáo giám sát chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ DTTS, giai đoạn 2016-2023.

Theo Dự thảo báo cáo, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ DTTS; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để bảo đảm tỉ lệ cán bộ DTTS trong cấp ủy và các cơ quan dân cử các cấp. Có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với DTTS rất ít người, nhóm DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người DTTS...

Qua giám sát, Hội đồng Dân tộc nhận thấy, các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cơ bản đã kịp thời cụ thể hóa văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ người DTTS; tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo, lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) người DTTS của bộ, ngành, địa phương.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry trình bày Báo cáo giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ DTTS
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry trình bày Báo cáo giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ DTTS

Theo đó, công tác quy hoạch, bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, giữ chức vụ, chức danh đối với cán bộ là người DTTS trong cơ quan nhà nước được thực hiện kịp thời, dân chủ, đúng nguyên tác, quy trình, quy định theo phân cấp quản lý cán bộ.

Theo thống kê, hiện nay có 13 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII, chiếm tỷ lệ 6,5%. Đại biểu Quốc hội là người DTTS chiếm tỷ lệ 17,84%, cán bộ DTTS là 54.032 người chiếm tỷ lệ 20,32%. Tổng số cán bộ công chức người DTTS ở 43 tỉnh là 75.064 người, trong đó giữ chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh là 10.988 người đạt tỷ lệ 14,64%, cấp huyện là 12.572 người, chiếm tỷ lệ 9,77% (không đạt tỷ lệ quy định tối thiểu là 20%). Số lượng công chức, viên chức, người DTTS giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của các bộ, ngành Trung ương chiếm tỷ lệ thấp 4,57%...

Qua số liệu kết quả cho thấy, mặc dù công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm và có một số chính sách đặc thù, nhưng định mức hỗ trợ chính sách còn thấp, chưa tạo ra cơ chế đột phá, rõ ràng. Công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ở một số nơi chưa đáp ứng nhu cầu của cơ quan đơn vị...

Công tác tuyển dụng công chức, viên chức là người DTTS ở các cơ quan Trung ương còn rất thấp. Cụ thể chỉ có 4/28 bộ, ngành có tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức là người DTTS so với tổng biên chế đạt từ 5-10%; 5/28 bộ, ban, ngành có tỷ lệ đạt dưới 1%; 17/28 bộ, ban, ngành đạt tỷ lệ từ 5-10%...

Đại biểu Bế Trung Anh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc phát biểu tại phiên họp
Đại biểu Bế Trung Anh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc phát biểu tại Phiên họp

Về chính sách tạo nguồn cán bộ DTTS thực hiện theo Nghị định 141/2020/NĐ-CP ngày 08/12/2020 của Chính phủ quy định chế độ cứ tuyển đối với học sinh, sinh viên DTTS.

Theo Báo cáo số 404/BC-CP ngày 04/9/2024 của Chính phủ và báo cáo bổ sung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay 53/53 DTTS đều có người được cử tuyển học ở các trình độ khác nhau. Có những DTTS trước đây khó khăn về nguồn tuyển sinh cử tuyển như Co, Mảng, Rơ Măm, Cờ Lao, Giẻ Triêng, Cống, Brâu, nay đã có người học cử tuyển. Giai đoạn 2017-2020: Số sinh viên cử tuyển mới là 221 sinh viên; số sinh viên cử tuyền tốt nghiệp là 2.096 sinh viên; số sinh viên cử tuyển tốt nghiệp đã được bố trí việc làm là 1.089 sinh viên (chiếm khoảng 52%).

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, chính sách cử tuyển còn nhiều bất cập, nhất là ngành, nghề đào tạo chưa phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chất lượng đào tạo cử tuyển còn thấp, khó khăn trong việc tuyển dụng, bố trí việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường trong bối cảnh đầy mạnh thực hiện chủ trương tỉnh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC  các địa phương ưu tiên sử dụng biên chế để bố trí cán bộ, công chức dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Theo báo cáo của Chính phủ và báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2017-2020, số sinh viên tốt nghiệp cử tuyển chưa bố trí được việc làm là 1.007 sinh viên (chiếm khoảng 48%).

Thực trạng trên dẫn đến nhiều tỉnh từ năm 2016 đến nay không còn thực hiện chế độ cử tuyển, số chỉ tiêu và số người học cử tuyển có xu hướng giảm nhanh: Năm 2020 có 24 người/50 chỉ tiêu/3 tỉnh (Điện Biên, Lào Cai, Trà Vinh); năm 2021 có 59 người/154 chỉ tiêu/3 tỉnh (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai); năm 2022, Bộ giao 268 chỉ tiêu cử tuyển cho 5 tỉnh nhưng chỉ có tỉnh Lào Cai cử 09 học sinh đi học. Điều bất cập ở đây là mặc dù số tỉnh đăng ký chỉ tiêu cử tuyển và số học sinh cử tuyển những năm gần đây giảm, nhưng lại tập trung vào các tỉnh còn tương đối nhiều người học cử tuyền trước đây chưa được tuyển dụng.

Phát biểu thảo luận tại Phiên họp, đại biểu Hoàng Thị Đôi, Đoàn Đại biểu tỉnh Sơn La cho biết: Chính sách về công tác cán bộ DTTS hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, một số chính sách không còn phù hợp. Tại các địa phương, việc tuyển dụng công tác cán bộ đối với sinh viên cử tuyển chưa được bố trí việc làm. Hiện nay, chưa có giải pháp bố trí, tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển.

Kiến nghị về giải pháp để thực chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ DTTS hiệu quả, đại biểu Chau Chắc, Đoàn đại biểu An Giang cho rằng: Hiện nay tỷ lệ sinh viên ra trường là DTTS chưa có việc làm còn cao, nhưng tỷ lệ CBCCVC ở một số địa phương lại thiếu. Cần đề nghị cấp có thẩm quyền phân bổ chỉ tiêu tuyển chọn cán bộ, công chức DTTS theo từng cơ quan, từng địa phương. Đối với công tác đào tạo bồi dưỡng cũng cần có chỉ tiêu phân bổ đào tạo bồi dưỡng cán bộ DTTS.

Phát biểu tại Phiên họp Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết: Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ DTTS, nhưng việc triển khai thực hiện các chính sách chưa nhất quán, chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế, bất cập.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Đại biểu tham gia thảo luận tại phiên họp
Đại biểu tham gia thảo luận tại Phiên họp

Theo đó cần tăng cường nguồn lực từ ngân sách Trung ương đối với các tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi để thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người DTTS. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư về mọi mặt để phát triển quy mô, và chất lượng các trường PTDTNT, bán trú, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo vùng đồng bào DTTS để tạo nguồn nhân lực người DTTS. Đặc biệt cần rà soát, đánh giá hiệu quả các chính sách cử tuyển, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC người DTTS...

Cũng trong Phiên họp, các đại biểu cũng đã thảo luận các Báo cáo tiến độ xây dựng Hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám sát Quốc hội và Hội đồng Nhân dân; Báo cáo việc thực hiện Đề án đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.