Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện tín dụng chính sách tại vùng khó khăn: “Siết” điều kiện, giảm lãi suất vay vốn (Bài 4)

Tùng Nguyên - 20:19, 08/08/2022

Bộ Tài chính đề xuất giảm lãi suất và sửa đổi điều kiện bảo đảm vốn vay. Những sửa đổi này là nhằm đưa chính sách về đúng bản chất “tín dụng ưu đãi”, đồng thời tạo hành lang pháp lý để bảo toàn dòng vốn.

 Đa số hộ sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn vay vốn là để trồng trọt, chăn nuôi. (Ảnh minh họa)
Đa số hộ sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn vay vốn là để trồng trọt, chăn nuôi. (Ảnh minh họa)

Quy định “thoáng” nhưng nhiều rủi ro

Theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn (QĐ 31) thì, người vay vốn đến 30 triệu đồng (từ năm 2016 trở đi là 50 triệu đồng) không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Trong trường hợp vay từ 30 triệu đồng trở lên, thì người vay vốn phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm (Điều 10).

Đây cũng là quy định đối với người vay vốn theo Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn (QĐ 92). Như vậy, so với các chương trình tín dụng khác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thì quy định bảo đảm tiền vay ở QĐ 31 và QĐ 92 được xem là khá “thoáng”, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng khó khăn được tiếp cận vốn để phát triển sản xuất.

Năm 2016, gia đình anh Phùng Văn Cường, thôn Chùa, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) vay 50 triệu đồng từ QĐ 31 để đầu tư trồng gần 4ha nhãn và ổi. Đến năm 2019, gia đình anh vẫn chưa có thu nhập từ vườn, do đó anh xin gia hạn thời gian trả nợ gốc.

Bước sang năm 2020, vườn nhãn, ổi của gia đình anh bắt đầu cho thu nhập, năng suất đạt 8 tấn, anh thu về 90 triệu đồng. Năm 2021, năng suất của vườn tăng lên gần 10 tấn, từ nguồn thu này, giúp gia đình anh trả hết lãi và nợ gốc. Anh Cường chia sẻ, sau này muốn đầu tư thêm thì anh sẽ vay tiếp từ NHCSXH; thủ tục vay cũng đơn giản.

Gia đình anh Cường là một trong rất nhiều khách hàng vay vốn từ 50 triệu đồng trở lên từ QĐ 31, phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Nhưng xét đến cùng, tài sản đảm bảo tiền vay của gia đình anh Cường cũng chưa chắc đã “đảm bảo”; bởi tài sản đó được hình thành từ vốn vay - là 4ha nhãn và ổi, không tính đất.

Đặt một giả thiết, 4ha trồng nhãn, ổi của gia đình anh Cường chẳng may mất mùa, hoặc bị thiên tai, dịch bệnh, gia đình anh chẳng có nguồn thu. Như vậy, tài sản bảo đảm khoản vay 50 triệu đồng tại NHCSXH huyện Hữu Lũng của gia đình anh Cường, không thể hình thành; việc thu hồi nợ của ngân hàng chẳng khác nào “thả gà ra đuổi”.

Trong văn bản số 6166/BTC-TCNH ngày 21/6/2022, dẫn báo cáo của NHCSXH Việt Nam, Bộ Tài chính khẳng định, trong thực tế, đa hộ sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi hoặc kinh doanh hàng hóa nhỏ lẻ. Nhu cầu sử dụng vốn vay chủ yếu đầu tư vào vốn lưu động để mua nguyên liệu, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón,… dẫn đến việc kiểm soát tài sản hình thành bằng vốn vay gặp nhiều khó khăn.

Vì thế, Bộ Tài chính đề xuất, việc bảo đảm tiền vay theo QĐ 31 và QĐ 92 không bằng tài sản hình thành từ vốn vay mà thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, được quy định tại Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ. Theo đó, tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai; nhưng điều kiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay được “siết chặt” hơn.

 Thương nhân vùng khó khăn vay vốn cũng chủ yếu kinh doanh hàng hóa nhỏ lẻ
Thương nhân vùng khó khăn vay vốn cũng chủ yếu kinh doanh hàng hóa nhỏ lẻ

Giảm lãi suất cho vay chưa tương xứng

Một đề xuất đáng chú ý của Bộ Tài chính, là giảm lãi suất cho vay theo QĐ 31 và QĐ 92. Trong văn bản số 6166/BTC-TCNH ngày 21/6/2022, Bộ Tài chính cho biết, lãi suất cho vay theo QĐ 31 và QĐ 92 hiện là 0,9%/tháng (tương ứng 10,8%/năm).

Bộ Tài chính đề xuất giảm lãi suất cho vay từ 02 chương trình tín dụng này xuống còn 0,75%/tháng (tương ứng 9,0%/năm). Trong văn bản số 6166/BTC-TCNH, Bộ Tài chính không đánh giá đề nghị giảm lại suất này xuống là do lãi suất hiện hành cao, mà là để “đảm bảo đồng bộ, thống nhất với lãi suất được quy định tại Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 1/6/2015 về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH”.

Giảm lãi suất cho vay theo QĐ 31 và QĐ 92 là rất cần thiết để người dân vùng khó khăn có thêm điều kiện phát triển kinh tế, đặc biệt là với phụ nữ DTTS, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới. (Trong ảnh: Một góc chợ phiên San Thàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu)
Giảm lãi suất cho vay theo QĐ 31 và QĐ 92 là rất cần thiết để người dân vùng khó khăn có thêm điều kiện phát triển kinh tế, đặc biệt là với phụ nữ DTTS, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới. (Trong ảnh: Một góc chợ phiên San Thàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu)

Trong khi đó, theo đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (đoàn đại biểu Quốc hội Tuyên Quang), lãi suất cho vay theo QĐ 31 và QĐ 92, chưa có nhiều ưu đãi so với lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại. Hiện lãi suất cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh của các ngân hàng thương mại từ 8,5 đến 9,5%/năm, trung và dài hạn từ 10% đến 11,6%/năm; trong khi vay theo QĐ 31 và QĐ 92 hiện ở mức 10,8%/năm.

Để bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay, Điều 15 - Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định rõ, ngoài việc có tín nhiệm với tổ chức tín dụng thì khách hàng vay vốn phải có khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ trả nợ; có dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi, có khả năng hoàn trả nợ; hoặc có dự án, phương án phục vụ đời sống khả thi phù hợp với quy định của pháp luật; có mức vốn tự có tham gia vào dự án và giá trị tài sản bảo đảm tiền vay bằng các biện pháp cầm cố, thế chấp tối thiểu bằng 50% vốn đầu tư của dự án.

Ngay cả khi giảm lãi suất cho vay theo QĐ 31 và QĐ 92 xuống mức 0,75%/tháng (9,0%/năm) như đề xuất của Bộ Tài chính thì mức lãi suất này vẫn cao hơn so với nhiều chương trình tín dụng khác mà NHCSXH đang triển khai. Ví dụ như, cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 lãi suất là 0%/năm; Cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở lãi suất 3%/năm; Cho vay nhà ở xã hội lãi suất là 4,8%/năm; Cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lãi suất là 6,6%/năm; Cho vay hộ cận nghèo lãi suất là 7,92%/năm; Cho vay hộ mới thoát nghèo lãi suất là 8,25%/năm…

Trả lời chất vấn của đại biểu trên nghị trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận thực tế, mức lãi suất cho vay theo QĐ 31 và QĐ 92 cao hơn các nhóm đối tượng còn lại của NHCSXH. Nhưng bà Hồng khẳng đinh, 02 chính sách tín dụng này đã có sự ưu đãi về lãi suất so với lãi suất trung, dài hạn đang áp dụng tại các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, quy trình, thủ tục cho vay tại NHCSXH khá đơn giản; việc giải ngân, thu nợ được thực hiện tại điểm giao dịch xã, sẽ giảm được tối đa chi phí đi lại cho người dân, đặc biệt người dân tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, QĐ 31 và QĐ 92 do Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Hiện Bộ Tài chính đang chủ trì nghiên cứu sửa đổi 2 chương trình tín dụng chính sách này.

“NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính khi có yêu cầu trong việc nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh lãi suất đối với chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, phù hợp với diễn biến lãi suất thị trường và khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất của ngân sách nhà nước cho NHCSXH”, bà Hồng khẳng định.

Như NHCSXH Việt Nam đã nhận định, đa hộ sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn vay vốn là để trồng trọt, chăn nuôi hoặc kinh doanh hàng hóa nhỏ lẻ. Do đó, việc giảm lãi suất cho vay theo QĐ 31 và QĐ 92 là rất cần thiết, để người dân vùng khó khăn có thêm điều kiện phát triển kinh tế, đặc biệt là với phụ nữ DTTS, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới. 

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.