Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện tín dụng chính sách tại vùng khó khăn: Chính sách cần"đuổi" theo sự biến động của thực tế (Bài 1)

Tùng Nguyên - 00:35, 30/07/2022

Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi một số quy định của Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn (QĐ31) và Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 8/7/2009 về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn (QĐ 92). Nếu được thông qua, những quy định mới được đánh giá là động lực để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tín dụng chính sách theo QĐ 31 và QĐ 92 được triển khai tại vùng khó khăn, bao gồm các xã khu vực II và xã khu vực III, nhưng địa bàn thụ hưởng lại thường xuyên biến động; trong khi chính sách chỉ triển khai đến đơn vị cấp xã, không có cấp thôn. Đây là vướng mắc cần được tháo gỡ để phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách này.

Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn được tiếp cận vốn vay ưu đãi để thu mua nông sản cho bà con nông dân. (Ảnh TL)
Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn được tiếp cận vốn vay ưu đãi để thu mua nông sản cho bà con nông dân. (Ảnh TL)

Gặp khó khi xã ra khỏi vùng khó khăn

Xã Thanh An, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) có khoảng 3.600 nhân khẩu, với 95% là đồng bào dân tộc H’rê. Giai đoạn 2017 – 2020, Thanh An là xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) nên người dân trên địa bàn được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo, trong đó có tín dụng chính sách theo QĐ 31 và QĐ 92.

Từ tháng 3/2021, Thanh An được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các chính sách hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) không còn được áp dụng trên địa bàn xã Thanh An. Tuy nhiên, theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, xã Thanh An có 6/14 thôn ĐBKK.

Do đó, người dân ở 6 thôn ĐBKK của xã vẫn tiếp tục được thụ hưởng các chính sách dành cho địa bàn khu vực III như trước thời điểm Thanh An “về đích” nông thôn mới. Chỉ riêng chính sách tín dụng ưu đãi theo QĐ 31 và QĐ 92 là người dân ở 6 thôn này không được thụ hưởng.

Nguyên nhân là, “vùng khó khăn” theo quy định tại Điều 2 của QĐ 31 và Điều 2 của QĐ 92 chỉ bao gồm các đơn vị hành chính cấp xã, không có cấp thôn. Do đó, khi Thanh An đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành xã khu vực I, thì tất cả hộ gia đình sản xuất, kinh doanh và thương nhân hoạt động thương mại ở trong xã không thể tiếp cận vốn chính sách ưu đãi theo QĐ 31 và QĐ 92; dù trên thực tế, nguồn vốn này là rất cần thiết đối với các hộ sản xuất, kinh doang, thương nhân hoạt động thương mại ở 6 thôn ĐBKK của xã.

Gia đình anh Đinh Văn Xe, ở thôn Đồng Vang, xã Thanh An có nguồn thu nhập từ trồng keo và làm thuê. Nhưng trong năm 2020 và 2021, do dịch Covid-19, anh không có việc làm. Không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã nên anh khó tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Qua tìm hiểu, anh Xe dự tính, vay vốn từ chính sách dành cho hộ sản xuất kinh doanh để chăn nuôi, theo hình thức “lấy ngắn nuôi dài” trong thời gian chờ diện tích trồng keo thu hoạch. Nhưng khi xã Thanh An đạt chuẩn nông thôn mới, thoát khỏi vùng khó khăn thì cơ hội để anh Xe tiếp cận vốn vay theo QĐ 31 cũng đã khép lại.

“Nới” địa bàn thụ hưởng QĐ 31 và QĐ 92 góp phần phát triển thương mại vùng khó khăn. (Ảnh minh họa)
“Nới” địa bàn thụ hưởng QĐ 31 và QĐ 92 góp phần phát triển thương mại vùng khó khăn. (Ảnh minh họa)

“Nới” địa bàn thụ hưởng

Không chỉ riêng 6 thôn của xã Thanh An mà hàng nghìn thôn ĐBKK thuộc các xã khu vực I giai đoạn 2021 - 2025 cũng không được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo QĐ 31 và QĐ 92. Theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc, toàn vùng có 1.184 thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 thuộc xã khu vực I.

Chiếu theo quy định, “vùng khó khăn” chỉ bao gồm các đơn vị hành chính cấp xã, không có cấp thôn thì 1.184 thôn này dù thuộc diện ĐBKK cũng không được thụ hưởng tín dụng chính sách đối với hộ sản xuất, kinh doanh, thương nhân hoạt động thương mại theo QĐ 31 và QĐ 92.

Trong Tờ trình số 6166/BTC-TCNH ngày 28/6/2022 về dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung QĐ 31 và QĐ 92, Bộ Tài chính đánh giá, việc xác định địa bàn “vùng khó khăn” chỉ bao gồm đơn vị hành chính cấp xã, không có cấp thôn theo QĐ 31 và QĐ 92 hiện hành còn bất cập. Cụ thể, theo Bộ Tài chính, có trường hợp một số thôn không thuộc danh mục các xã vùng khó khăn, nhưng lại thuộc danh sách các thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS và miền núi, được Ủy ban Dân tộc ban hành theo từng giai đoạn.

Trong Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Quốc hội đã chỉ đạo cần tiếp tục nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)
Trong Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Quốc hội đã chỉ đạo cần tiếp tục nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)

Dẫn trường hợp các thôn ĐBKK khu vực I theo Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 làm dẫn chứng, Bộ Tài chính khẳng định, việc quy định “vùng khó khăn” tại QĐ 31 và QĐ 92 hiện hành đã khiến nhiều thôn ĐBKK không được thụ hưởng chính sách. Điều này khiến nhiều hộ kinh doanh, thương nhân ở các thôn ĐBKK thuộc xã khu vực I không được tiếp cận vốn vay ưu đãi, rất dễ vướng vào “tín dụng đen” trong quá trình phát triển sản xuất.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến nay, tín dụng chính sách theo QĐ 31 và QĐ 92 đã giúp trên 3 triệu lượt hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, thương nhân vùng khó khăn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, hoạt động thương mại. Vốn cho vay ưu đãi đã được triển khai đến 100% xã thuộc vùng khó khăn, khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế của vùng, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên cả nước.

Theo Bộ Tài chính, trong Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (được phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/20291), Quốc hội đã chỉ đạo cần tiếp tục nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi trên cơ sở thực hiện giải pháp đổi mới, mở rộng chính sách tín dụng của NHCSXH. Đây là căn cứ để Bộ Tài chính đề xuất “nới” địa bàn thực hiện tín dụng chính sách tại QĐ 31 và QĐ 92.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Điều 2 của QĐ 31 và Điều 2 của QĐ 92 quy định về “vùng khó khăn”. Theo đó, “vùng khó khăn” thực hiện QĐ 31 và QĐ 92 trong thời gian tới ngoài các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) nằm trong danh sách các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo Quyết định cua Thủ tướng Chính phủ thì còn có các thôn không thuộc các xã vùng khó khăn, nhưng thuộc danh sách các thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS và miền núi theo quyết định phê duyệt của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành cho từng giai đoạn.

Bộ Tài chính đánh giá, việc “nới” địa bàn triển khai chính sách theo QĐ 31 và QĐ 92 sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Việc sửa đổi này cũng là hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Cùng với đề xuất sửa đổi nhằm “nới” địa bàn, Bộ Tài chính cũng dự thảo quy định về đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách theo QĐ 31 và QĐ 92 trong giai đoạn mới nhằm tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp với các chương trình, dự án khác. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo./.