Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thanh niên và nghịch lý thất nghiệp

Hiếu Anh - 17:15, 21/12/2019

Thanh niên vốn được coi là đối tượng nòng cốt của lực lượng lao động. Thế nhưng ở Việt Nam, có một thực tế là, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao gấp 3 lần so với mặt bằng chung và thanh niên học càng cao tỷ lệ thất nghiệp càng lớn.

Cần tăng cường tuyên truyền hướng nghiệp cho thanh niên.
Cần tăng cường tuyên truyền hướng nghiệp cho thanh niên

Nhiều nghịch lý

Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng 13 triệu lao động là thanh niên, chiếm khoảng 24% lực lượng lao động toàn quốc. Thế nhưng, thời kỳ cơ cấu dân số vàng sắp qua, chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Trong khi đó, lực lượng lao động thanh niên chẳng những chưa phát huy được hết hiệu quả, mà còn phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp cao hơn cả mặt bằng chung.

Theo ông Tào Bằng Huy, năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (nhóm tuổi 15 - 24) là 6,43%, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Hiện nay, trong cả nước có 13,3% thanh niên trong độ tuổi 15 - 24 tuổi không có việc làm, hoặc không tham gia học tập, đào tạo. Trong nhóm thanh niên có việc làm, thì chất lượng cũng rất thấp. Trên 50% thanh niên làm công hưởng lương không có hợp đồng lao động chính thức, 39,5% thanh niên làm những công việc dễ vị tổn thương như lao động tự làm, lao động trong hộ gia đình không hưởng lương…

Một thực tế khác, thanh niên càng học cao thì tỷ lệ thất nghiệp càng lớn. Tình trạng thanh niên tốt nghiệp ra trường gặp khó khăn trong tìm việc làm hoặc làm trái ngành, trái nghề vẫn rất cao. Hiện nay, có tới gần 80% thanh niên thất nghiệp có trình độ từ cao đẳng trở lên.

Tháo “nút thắt”

Lý giải về thực trạng này, ông Đỗ Văn Giang, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết, một trong những nguyên nhân là do công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông còn rất hạn chế.

Hiện nay, nhiều phụ huynh và học sinh vẫn giữ định kiến phải học xong THPT rồi vào đại học, coi đây là con đường duy nhất bảo đảm tương lai mà chưa quan tâm tới việc học nghề. Cho đến nay, tỷ lệ học sinh sau THCS vào THPT vẫn chiếm khoảng trên 85%.

Ông Giang nhận định, định kiến này là rào cản lớn nhất cho việc phân luồng sớm học sinh vào các trường nghề. Từ đó tác động tới tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên.

Để tháo gỡ nút thắt này, ông Giang đề nghị, cần tăng cường các giải pháp hướng tới mục tiêu chiến lược là đưa 30% (khoảng 330 nghìn học sinh) các trường THCS vào các trường giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong năm 2020.

Để làm được việc này, trước hết cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phá vỡ rào cản định kiến của xã hội về vai trò của GDNN đối với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển con người. Đồng thời, hệ thống giáo dục cần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp. Theo đó, các trường cần có đội ngũ cán bộ, giáo viên chuyên nghiệp triển khai các hoạt động tư vấn học đường cho học sinh THCS, xây dựng chương trình và tổ chức dạy học theo hướng tự chọn.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần nâng cao chất lượng đào tạo trong GDNN, gắn đào tạo với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, để qua đó tăng sự hấp dẫn của các trường học nhằm thu hút học sinh vào học trong các cơ sở GDNN. Về phía các cơ quan chuyên môn, cũng cần tăng cường công tác dự báo nguồn nhân lực nhằm giải quyết việc làm cho thanh niên đang thất nghiệp. Qua đó, họ chọn được ngành nghề phù hợp tránh lãng phí thời kỳ dân số vàng.