Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thanh Hóa: Tạo động lực cho đồng bào DTTS thoát nghèo nhanh và bền vững

Quỳnh Trâm - 17:46, 11/03/2022

Thanh Hóa là 1 trong 8 tỉnh được Chính phủ chọn để thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về Định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020. Với mục tiêu thoát nghèo nhanh và bền vững, công tác giảm nghèo đã được cả hệ thống chính trị ở tỉnh đặc biệt quan tâm vào cuộc, tạo điều kiện cho các hộ đồng bào DTTS có động lực vươn lên thoát nghèo.

Mô hình trồng cam an toàn của hộ anh Lương Văn Tưởng, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc mỗi năm thu về 500 triệu đồng
Mô hình trồng cam an toàn của hộ anh Lương Văn Tưởng, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc mỗi năm thu về 500 triệu đồng

Tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên

Nhiều năm qua, công tác giảm nghèo ở tỉnh Thanh Hóa luôn có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Bằng những giải pháp cụ thể, từ công tác tuyên truyền vận động người dân; định hướng, hướng dẫn phát triển kinh tế; tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi; tăng cường tập huấn khoa học - kỹ thuật... đã tạo động lực và khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo trong vùng đồng bào DTTS miền núi, nhờ đó công tác giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Là hộ nghèo, nhiều năm liền gia đình anh Phạm Văn Quý, thôn Lương Thiện, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc cứ loay hoay với câu hỏi làm gì để thoát nghèo. Năm 2016, khi gia đình anh Quý được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản, được vay vốn hỗ trợ sinh kế, vợ chồng anh đã đầu tư nuôi thêm ngan, gà.

Sau 5 năm, hiện gia đình anh Quý phát triển lên được 3 con bò; đàn ngan, gà gần 200 con đã đến kỳ xuất bán. Mới đây, vợ chồng anh cũng đã có căn nhà mới sau nhiều năm sống trong ngôi nhà lụp xụp. Hiện gia đình anh Quý đã được ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Anh Quý phấn khởi cho biết: "Tôi vẫn nhớ cảm giác vui sướng khi lần đầu tiên, gia đình tôi có một tài sản lớn, đó là con bò trị giá hơn 10 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ. Sự hỗ trợ đó là động lực to lớn để gia đình tôi phấn đấu thoát nghèo”.

Do phương thức gieo trồng lạc hậu, nên bao năm năng suất, chất lượng cây sắn, cây mía của gia đình anh Lương Văn Tưởng, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc đạt thấp. Thu nhập ít ỏi không đủ chi phí, khiến gia đình anh Tưởng bao năm quanh quẩn với cái nghèo.

Năm 2019, anh được chính quyền hỗ trợ kinh phí để tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và thực hiện mô hình trồng gần 1.000 gốc cam canh, tới nay sau gần 4 năm, mô hình này đã phát huy hiệu quả. Hiện, mỗi năm gia đình anh Tưởng xuất bán khoảng 20 - 30 tấn cam, thu về từ 500 - 600 triệu đồng. Anh Tưởng được đánh giá là một trong các hộ tiên phong trồng cam, thoát nghèo ở Kiên Thọ.

Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2020, từ các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, và hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đến nay, huyện có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc còn 4.159 hộ nghèo và cận nghèo. Huyện đang phấn đấu, mỗi năm sẽ giảm bình quân 2,3% số hộ nghèo trở lên; Đồng thời, phấn đấu năm 2025, hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới.

Nhiều hộ dân ở miền núi Thanh Hóa vươn lên thoát nghèo nhờ được hỗ trợ con giống
Nhiều hộ dân ở miền núi Thanh Hóa vươn lên thoát nghèo nhờ được hỗ trợ con giống

“Trao cần câu không trao con cá”

Trước năm 2020, huyện Bá Thước còn 8 xã đặc biệt khó khăn, thì đến nay nhờ sự triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo, huyện chỉ còn 1 xã đặc biệt khó khăn.

Với phương châm, muốn giảm nghèo phải tập trung giải quyết những vấn đề đang gây trở ngại trong đồng bào, như: Thiếu vốn, thiếu kỹ thuật sản xuất, thiếu việc làm. Theo đó, UBND huyện Bá Thước đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ trên địa bàn, mạnh dạn cho bà con vay vốn phát triển sản xuất theo hình thức tín chấp.

Nhờ nguồn vốn vay từ chương trình giảm nghèo, chị Hà Thị Dự, thôn La Ca, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước đã thực hiện thành công mô hình bảo tồn, phát triển vịt Cổ Lũng.

Chị Dự cho biết: "Ngoài nuôi vịt lấy thịt, trong 1 năm gia đình tôi còn hỗ trợ vịt giống cho bà con tham gia mô hình. Mấy năm gần đây, du lịch ở Pù Luông phát triển mạnh mẽ, nhờ đó, vịt nuôi đến đâu bán hết đến đó, thương lái đến tận nhà thu mua. Giá vịt thịt bán ra thị trường tương đối ổn định, từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi 50 - 60%".

Theo ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước: Những năm qua, với quan điểm "trao cần câu không trao con cá", địa phương đã căn cứ vào nhu cầu thực tế, khả năng phát triển kinh tế của các hộ gia đình để tạo điều kiện, hỗ trợ cho các hộ cho phù hợp... do vậy được bà con đồng thuận, phấn khởi sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư giống cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học - kỹ thuật được tập huấn trong sản xuất. Nhờ đó, sản lượng,chất lượng cây trồng vật nuôi tăng cao, thu nhập cũng từ đó tăng lên.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Bá Thước giảm nhanh, từ 25,31% xuống 2,26% năm 2020, bình quân mỗi năm giảm 4,61%. Bá Thước đang phấn đấu thoát khỏi danh sách huyện nghèo trong một vài năm tới đây.

Chia sẻ về kết quả công tác giảm nghèo đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, ông Tạ Hồng Hải, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đến cuối năm 2021, các mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa về cơ bản đã hoàn thành. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm giảm 4,62%; trong đó đối với 100 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã giảm được 6,84%/năm; hộ nghèo DTTS giảm 5,82%/năm.

Giai đoạn 2021 - 2025, Thanh Hóa đang thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, với mục tiêu thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi gấp 2 lần trở lên so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2,67%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 3%/năm trở lên.

Theo đó, tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn này là 20.120 tỷ đồng (ngân sách Trung ương là 15.718 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 4.305 tỷ đồng; ngân sách huyện và các nguồn hợp pháp khác 97 tỷ đồng). Trong đó, địa phương sẽ tập trung vào nhiều hạng mục quan trọng như: tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp ổn định dân cư, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tạo sinh kế bền vững...