Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thanh Hóa: Bước chuyển mình ấn tượng của một huyện nghèo nhất tỉnh

Quỳnh Trâm - 19:24, 10/03/2025

Huyện Mường Lát nằm ở vùng biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa, từng là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng những chính sách phát triển phù hợp, đời sống người dân nơi đây đang từng bước được cải thiện, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho nhiều hộ gia đình.

Cây sắn là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả về kinh tế cho người dân Mường Lát.
Cây sắn là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả về kinh tế cho người dân Mường Lát

Thay đổi tư duy sản xuất 

Ngay sau khi Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về "Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" được ban hành, huyện Mường Lát đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Một trong những bước đột phá là chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa có liên kết bao tiêu sản phẩm.

Trên địa bàn huyện Mường Lát đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Điển hình là mô hình trồng sắn gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm tại xã Mường Lý. Được sự hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, người dân đã chuyển đổi từ trồng cây xoan không hiệu quả sang trồng sắn trên các vùng đất đồi dốc. Đến nay, xã Mường Lý có trên 500ha sắn, sản lượng trung bình đạt 18 - 20 tấn/ha, cho thu nhập gần 50 triệu đồng/ha.

Gia đình anh Thào A Pao, bản Xa Lung, xã Mường Lý, trước đây trồng cây xoan nhưng không hiệu quả. Năm 2023, anh chuyển sang trồng sắn và chỉ sau hơn một năm, cây sắn đã mang lại thu nhập ổn định, giúp gia đình anh dần vươn lên thoát nghèo.

 Xã Mường Chanh đã trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Mường Lát
Xã Mường Chanh đã trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Mường Lát

Bên cạnh cây sắn, xã Mường Lý còn triển khai mô hình trồng tre Bát độ lấy măng. Ông Quách Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý, cho biết: "Đến thời điểm này, đã có hơn 100 hộ dân ở các bản Nàng 1, Muống 2 và Tài Chánh đăng ký trồng tre Bát độ với diện tích khoảng 80ha. Chúng tôi kỳ vọng mô hình này sẽ giúp bà con có thu nhập ổn định, là cơ hội để người dân Mường Lý thoát nghèo".

Ngoài ra, huyện còn phát triển các tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản, nuôi ếch thương phẩm, vịt siêu trứng và trồng cây dược liệu như cây sả để chiết xuất tinh dầu, cây lá giang xuất khẩu.

Đầu tư cơ sở hạ tầng

Song song với việc phát triển sản xuất, huyện Mường Lát còn tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Năm 2024, huyện huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 968,5 tỷ đồng, trong đó ưu tiên xây dựng đường giao thông, trường học, công trình thủy lợi và các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân. Việc hoàn thiện hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Khu tái định cư Nà Ón được đầu tư hơn 26 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước giúp người dân an cư lập nghiệp.
Khu tái định cư Nà Ón được đầu tư hơn 26 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước giúp người dân an cư lập nghiệp

Nhờ những nỗ lực không ngừng, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 28,9 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,85%. Đặc biệt, tháng 1/2025 xã Mường Chanh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đưa Mường Lát “xóa trắng” xã nông thôn mới và tỉnh Thanh Hóa không còn huyện “trắng” xã nông thôn mới.

Bí thư Huyện ủy Triệu Minh Xiết khẳng định: "Nghị quyết 11-NQ/TU như một luồng gió mới, tạo cú huých tinh thần rất lớn để địa phương phát huy hết tiềm năng, lợi thế, quyết tâm đưa Mường Lát thoát nghèo vào năm 2030. Trong đó huy động nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia. Điều quan trọng nhất là người dân đã dần thay đổi tư duy, nếp nghĩ và cách làm, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chủ động tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế".

Với những kết quả đạt được cùng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, Mường Lát đang từng bước chuyển mình, thu hẹp khoảng cách với các huyện miền xuôi của tỉnh. Mục tiêu đến năm 2045 thu nhập bình quân đầu người của huyện sẽ đạt mức bình quân các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện biên giới.

Tin cùng chuyên mục
Đánh thức Bằng Cả

Đánh thức Bằng Cả

Nằm giữa vùng rừng núi thuộc thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), xã vùng cao Bằng Cả - nơi có tới 97% dân số là đồng bào Dao sinh sống, từng là một địa bàn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng qua từng bước đi bền bỉ, với quyết tâm không lùi bước, Bằng Cả đã viết nên câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình "thay da đổi thịt" nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới.