Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thái Nguyên: Tích cực ứng dụng chuyển đổi số hướng đến phát triển toàn diện

Cam Phúc - 10:35, 01/09/2023

“Đề án Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025” tại Thái Nguyên đặt mục tiêu hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng dân tộc thiểu số với các địa bàn trong tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bác sĩ của Trạm Y tế xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ và Trung tâm Y tế huyện thực hiện ca chẩn đoán và xử trí ban đầu cho bệnh nhân được kết nối qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa. Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên
Trạm y tế và hàng trăm hộ dân có thể tiếp cận những công cụ, dịch vụ tiện ích do chuyển đổi số mang lại.

Theo báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số chuyển đổi số (DTI). Cụ thể, Thái Nguyên xếp vị trí thứ 7 về Chính quyền số, thứ 15 về Kinh tế số và thứ 9 về Xã hội số. Thái Nguyên là một trong những tỉnh sớm triển khai các nền tảng số phục vụ quản lý Nhà nước, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn. Tỉnh cũng nằm trong top 10 tỉnh của cả nước dẫn đầu về hạ tầng số.

Thời gian qua, nhằm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ nguồn vốn của tỉnh, Ban Dân tộc đã tổ chức 16 hội nghị phổ biến nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho trên 1.000 lượt người tham gia. Thông qua các lớp tập huấn, học viên là các bí thư, trưởng xóm, người có uy tín, thành viên tổ công nghệ số cộng động sẽ được hướng dẫn sử dụng thiết bị công nghệ cơ bản, cài đặt, sử dụng ứng dụng công dân số C-ThaiNguyen, ThaiNguyen-ID, đăng ký tài khoản, tìm kiếm dịch vụ công và sử dụng các dịch vụ công mức độ 2-3-4 của tỉnh, huyện, xã....

Một trong những địa phương ứng dụng chuyển đổi số tại Thái Nguyên là xã Cúc Đường- một xã khó khăn của huyện miền núi Võ Nhai. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xã vùng cao Cúc Đường đã có nhiều thay đổi tích cực. Cáp quang đã đến tận xóm, giờ đây người dân có thể ngồi ở nhà để thực hiện những thủ tục hành chính, qua môi trường số hoặc được chăm sóc sức khỏe qua nền tảng khám bệnh từ xa. Trường học, Trạm y tế và hàng trăm hộ dân có thể tiếp cận những công cụ, dịch vụ tiện ích do chuyển đổi số mang lại.

Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xóm Ba Nhất (xã Phú Thượng, Võ Nhai) hướng dẫn người dân sử dụng mã QR.
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xóm Ba Nhất (xã Phú Thượng, Võ Nhai) hướng dẫn người dân sử dụng mã QR.

Hiện, xã Cúc Đường đã áp dụng hệ thống phần mềm một cửa điện tử vào tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Phần mềm kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Để đảm bảo hạ tầng thực hiện chuyển đổi số, đường truyền cáp quang đã được triển khai lắp đặt. Toàn xã Cúc Đường hiện có 5/5 xóm được phủ sóng mạng 4G; cùng với đó, hệ thống loa truyền thanh được lắp đặt tại trụ sở UBND xã và tại các nhà văn hóa xóm.

Thái Nguyên đặt một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như:100% các cơ quan quản lý, thực hiện CT MTQG 1719 từ tỉnh đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá; 100% việc báo cáo định kỳ, báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp, hệ thống chỉ tiêu Chương trình được thực hiện trên môi trường số đồng bộ từ trung ương tới địa phương, hướng tới thay thế các báo cáo truyền thông. 100% các cơ quan, tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được thông tin tự động về các nội dung, nhiệm vụ và kết quả triển khai; ngoài ra, thiết lập và công bố các bộ dữ liệu mở về kết quả triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình để công khai cho các tổ chức, người dân;….

Ông Hoàng Phong, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phổ biến kiến thức về công nghệ thông tin cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; khai thác hiệu quả việc chuyển đổi số thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Trong đó, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc trong năm 2023 để đưa vào ứng dụng thực tế. Đồng thời, phối hợp với sở Thông tin và Truyền thông xây dựng 37 điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại các xóm, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.”

Quá trình chuyển đổi số của Thái Nguyên sẽ đưa địa phương tiến lên, là nền tảng, động lực quan trọng, góp phần xây dựng tỉnh trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Với mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực.