Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thái Nguyên: Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng tảo hôn?

T.Nguyên - 07:50, 28/08/2023

Hiện nay, tại một số địa bàn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Thái Nguyên vẫn còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mặc dù, số lượng đã giảm dần theo từng năm, song hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn đeo bám, ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Giải pháp nào để giải bài toán “không mới mà vẫn nóng” này?

Công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn được chú trọng
Công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn được chú trọng triển khai

Quen nhau qua Facebook thành “vợ chồng”

Theo thống kê, năm 2022, toàn tỉnh Thái Nguyên có 74 trường hợp tảo hôn, tăng 13 vụ so với năm 2021. 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 15 trường hợp tảo hôn (tập trung chủ yếu ở huyện Võ Nhai).

Khu Đồng Ươm, Tân Tiến, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai đa số các trường hợp tảo hôn đều là học sinh nghỉ học sớm, kiến thức về hôn nhân và gia đình còn hạn chế, chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng làm cha mẹ…

Cô bé L.T.H, sinh năm 2006, dân tộc Mông, ở bản Khuôn Ngục, xã La Hiên, huyện Võ Nhai và cậu trai Đ.Q. C, sinh năm 2004, ở khu Đồng Ươm, Tân Tiến, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai quen nhau qua Facebook và tự dọn về ở chung với nhau năm 2022. Nghỉ học từ năm lớp 8, khi chưa lấy chồng, H. đi làm công nhân cho các công ty trong, ngoài tỉnh. Từ ngày về đây, ở quanh quẩn “xó” nhà, H. buồn chán và cảm thấy hối hận khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân quá sớm…

Thông tin từ Chi cục Dân số, KHHGĐ tỉnh Thái Nguyên, Võ Nhai luôn là địa phương có số trường hợp tảo hôn nhiều nhất tỉnh. Năm 2022, địa phương này có 50 cặp tảo hôn.

Tương tự, tại Đồng Hỷ, nhiều cặp đôi ở các bản người Dao, người Mông cũng sống đời chồng vợ khi chưa đủ tuổi kết hôn. Năm 2022, lực lượng y tế thống kê có 20 trường hợp tảo hôn và Hợp Tiến là địa phương “dẫn đầu” với 6 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp sinh năm 2007 là L.T.P, xóm Đèo Bụt và T.T.H, xóm Cao Phong.

Nạn tảo hôn khiến nhiều phụ nữ người DTTS phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi
Nạn tảo hôn khiến nhiều phụ nữ người DTTS phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi

Sự ngây ngô của những đứa trẻ làm chồng, làm vợ ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng sẽ lấy đâu ra tiền để nuôi con, cô bé L.T. H nhìn xa xăm và lắc đầu. Cô bé còn quá nhỏ để cảm nhận được trách nhiệm của người làm cha, mẹ. H. cũng không thể trả lời được câu hỏi ấy khi không có việc làm, cả ngày chỉ quanh quẩn ở nhà…

Theo anh Hoàng Thế Nhân, Cán bộ văn hóa - xã hội xã Dân Tiến (huyện Võ Nhai): Xây dựng gia đình khi chưa đủ tuổi trưởng thành, thể chất chưa phát triển toàn diện, nhận thức còn hạn chế, điều kiện kinh tế lại khó khăn nên cuộc sống hôn nhân của lũ trẻ khó bền vững...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp…

Không thể phủ nhận, so với hơn 10 năm trước, vấn nạn tảo hôn ở Thái Nguyên đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa chấm dứt. Trước tình trạng trên, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng trong tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu, ngăn chặn vấn nạn tảo hôn xảy ra trên địa bàn.

Một trong những giải pháp của tỉnh Thái Nguyên trong công tác tuyên truyền, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông trong đồng bào DTTS là công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các ngành, đoàn thể đã được chú trọng.

Đơn cử, mới đây, Phòng Dân tộc huyện phối hợp với Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh huyện Đồng Hỷ tổ chức Hội nghị tuyên truyền Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi cho 80 đại biểu là Phó Bí thư Đoàn xã, Bí thư, Phó Bí thư các Chi đoàn trên địa bàn huyện.

Tại hội nghị, các học viên được thông tin cơ bản về Luật hôn nhân và gia đình, tác hại của Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đến sức khỏe và đời sống của con người, các căn bệnh thường gặp khi kết hôn cận huyết thống, giải pháp nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện…

Thông qua hội nghị giúp các đại biểu củng cố và nâng cao kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành vi trong hôn nhân, đặc biệt là tạo sự đồng thuận trong nhân dân nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số, sức khoẻ sinh sản và nguồn nhân lực trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Tuyên truyền để người dân hiểu về tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Tuyên truyền để người dân hiểu về tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Theo ông Trần Lê Dũng, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến: Tăng cường công tác tuyên truyền vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn vấn nạn tảo hôn. Tuy nhiên, công tác truyền thông về pháp luật dân số, hôn nhân gia đình đòi hỏi phải có các hình thức đa dạng, linh hoạt, giúp người dân dễ tiếp cận. Cán bộ làm công tác tuyên truyền cũng phải có năng lực, trình độ, có phương pháp tiếp cận địa bàn hiệu quả. Cụ thể đối với xã Dân Tiến, địa bàn có hơn 140 hộ người dân tộc Mông sinh sống, chúng tôi đã tạo điều kiện cho một số cán bộ của xã đi học tiếng Mông để việc tuyên truyền về pháp luật dân số, Luật Hôn nhân và Gia đình cho đồng bào thuận lợi, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về giới, kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình cho đồng bào, các cấp, các ngành tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới, nhất là với đối tượng học sinh vùng DTTS và miền núi, nêu cao vai trò của cán bộ cơ sở trong công tác vận động, đồng thời đưa vào quy ước, hương ước của khu dân cư...

Tin cùng chuyên mục