Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tên anh hòa sóng biển khơi

Mai Thắng - 09:42, 28/07/2023

Trong 11 liệt sĩ của nhà giàn DK1, có 1 liệt sĩ đã mãi mãi hòa vào lòng biển xanh. Hành trang mang theo xuống ngàn sâu biển cả là ước mơ hoài bão của người thanh niên xứ Nghệ và chiếc áo quân nhân chuyển chế độ chuyên nghiệp chưa một lần mặc. Liệt sĩ, Chuẩn úy Lê Đức Hồng, tên anh đã hòa vào sóng gió, thành hoa sóng biển khơi.

Thắp hương tưởng niệm liệt sĩ hy sinh ở nhà giàn DK1.
Thắp hương tưởng niệm liệt sĩ hy sinh ở nhà giàn DK1

"Có những phút hóa thành bất tử"

Chiều cuối một ngày tháng Bảy lịch sử, chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Cháu, mẹ của liệt sĩ Lê Đức Hồng, 1 trong 11 liệt sĩ của Nhà giàn DK1 hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Căn nhà nhỏ nằm gần cuối hẻm 888 đường 30/4, Tp. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Bà Cháu bật khóc khi chúng tôi xin phép thắp cho liệt sĩ Hồng nén hương. Trên hố mắt của bà cụ tuổi ngoài 80, bà Cháu nén lòng: “Nó là đứa con hiếu thảo lắm. Hơn 20 năm rồi, tôi vẫn chẳng nguôi ngoai được”.

Câu chuyện về liệt sĩ Lê Đức Hồng hy sinh 25 năm trước vẫn vẹn nguyên trong ký ức đồng đội và người thân, song có một chi tiết mỗi lần nhắc tới chúng tôi không cầm được nước mắt. Đó là những dòng tâm sự của liệt sĩ viết chưa kịp gửi về đất liền thì đã vĩnh viễn nằm lại biển xanh.

Bà Nguyễn Thị Cháu, mẹ liệt sĩ Lê Đức Hồng kể chuyện con trai mình.
Bà Nguyễn Thị Cháu, mẹ liệt sĩ Lê Đức Hồng kể chuyện con trai mình

Thư có đoạn: “Thêm một năm nữa con không về đón Tết cùng gia đình. Tết năm nay mẹ đừng buồn nhé. Con chuyển quân nhân chuyên nghiệp rồi. Ở quê lạnh lắm, mẹ giữ gìn sức khỏe. Con đi chuyến biển này về, sẽ đưa mẹ vào Vũng Tàu sống cho bớt lạnh”.

“Đó là lá thư Hồng viết 3 ngày trước khi hy sinh. Nó còn cho em xem, rồi bảo: “Tao muốn đưa mẹ tao vào Vũng Tàu sinh sống. Ngoài quê mùa này rét lắm. Tao thương bà già quá mà chưa làm được gì. Ai ngờ sau đó nó hy sinh. Lá thư cũng chẳng còn”, Đại úy chuyên nghiệp Trương Công Định, người đồng đội thân thiết của liệt sĩ Hồng kể lại.

Ngoài thư viết gửi về đất liền cho người thân, gia đình, bạn bè, có 2 lá thư viết cho bạn gái mới quen nhờ kết bạn. “Nó còn bảo, nếu thành công sẽ khao cả nhà giàn một thùng bia. Ở nhà giàn viết thư chung, có thư đến từ đất liền là đọc chung. Có khi mấy thằng “thiết kế” thư cho một thằng. Thằng Hồng “xấu tướng” mà lãng mạn lắm. Lúc đi biển nó chẳng có người yêu. Lần nào tàu về đất liền nó cũng viết thư gửi báo Tiền Phong kết bạn. Bạn gái nó cũng người Hà Tĩnh. Em hay “thiết kế” thư cho nó. Trong nhiều thư kết bạn, em nhớ trong một lá thư nó viết thế này: “Lính nhà giàn bọn anh không có đất, dưới là sóng, trên là trời. Trước biển rộng lớn mới thấy mình cô đơn. Ngày đêm nhớ đất liền lắm. Mình hy vọng nhận được hồi âm nơi ấy nhé. Lúc hy sinh, tàu không tìm thấy xác nó mà vớt được thư tình.”, Định kể tiếp.

Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở nhà giàn DK1.
Huấn luyện sẵn sàng chiến đâu ở nhà giàn DK1

Ngay sau khi nhà giàn Phúc Nguyên 2A đổ, Đại tá, nhà văn Nhữ Mai Sinh lúc đó là Chính ủy Lữ đoàn 125 Hải quân, nguyên là chiến sĩ Đoàn tàu không số đã sáng tác bài thơ “Những cánh thư màu tím”, khi được nghe câu chuyện kể về sự hy sinh quên mình của các liệt sĩ. Đến bây giờ những vần thơ: “Tàu đi đảo thư vẫn nhiều hơn cả/ Những cánh thư mực tím tựa hoa đào/ Các anh sống gần mây hơn gần đất/ Thơm góc trời anh ở đến xôn xao/ Gia tài các anh duy nhất là thư/ Hẹn với xa xôi yêu qua đài báo/ Nhà giàn đâu rồi chỉ một trời gió biển/ Đâu hải âu liệng xuống chỗ anh nằm” vẫn được các chiến sĩ nhà giàn chép trong nhật ký, chuyền tay nhau đọc và coi đó là “gia tài đặc biệt” của mình.

Mới đây nhất, Thượng tá chuyên nghiệp Nguyễn Hồng Sơn - Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Vùng 2 Hải quân đã phổ nhạc những vần thơ ấy thành bài hát cùng tên “Những cánh thư màu tím” sau một chuyến đi ra nhà giàn DK1. “Sự hy sinh của các chiến sĩ nhà giàn không thể nói hết bằng lời. Tôi muốn ca ngợi các anh bằng những ca từ sâu thẳm của đức hy sinh kiên cường. Thân xác các anh nằm lại ngàn khơi, nhưng tên các anh sẽ mãi mãi là bài tình ca sáng mãi trong thế hệ các chiến sĩ DK1. "Có những phút hóa thành bất tử, có những người hơn mọi bài ca". Những lá thư của liệt sĩ Lê Đức Hồng là những lời được hóa thân thành âm nhạc”, Thượng tá Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Đêm nào nó cũng hiện về

Bà Nguyễn Thị Cháu, mẹ của liệt sĩ Lê Đức Hồng hiện đang sống cùng con gái và con rể ở phường 11, Tp. Vũng Tàu. Thấy tôi mặc quân phục, chưa kịp giới thiệu, bà Cháu nước mắt đã rưng rưng. “Cháu là đồng đội của liệt sĩ Hồng, cùng đơn vị đến thăm gia đình. “Vâng”, bà Cháu chỉ kịp nói vậy rồi nghẹn lại. Bà nhìn lên tấm ảnh Hồng trên bàn thờ. Giọt nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt.

Mời tôi ly nước chè xanh, bà Cháu bảo “Hơn 20 năm rồi, tui chẳng quên được nó. Nó hiếu thảo lắm các chú à. Gia đình tui nghèo lại neo đơn. Nó mất đi, gia đình tui mất đi điểm tựa”. Đặt lên bàn thờ liệt sĩ Lê Đức Hồng đĩa trái cây, thắp nén hương tưởng niệm, hình ảnh liệt sĩ Lê Đức Hồng ngập tràn trong ký ức tôi.

Nhà giàn Phúc Nguyên, nơi 25 năm trước Chuẩn úy Lê Đức Hồng đã vĩnh viễn nằm lại nơi này.
Nhà giàn Phúc Nguyên, nơi 25 năm trước Chuẩn úy Lê Đức Hồng đã vĩnh viễn nằm lại nơi này

Liệt sĩ, chuẩn úy Lê Đức Hồng quê ở Thạch Mỹ, Thạch Hà, Hà Tĩnh, một miền quê nghèo bán sơn cước Trung du. Nhà nghèo, neo đơn, song ông Lê Đức Tư và bà Nguyễn Thị Cháu luôn mong những đứa con của mình vào bộ đội, phần vì nối nghiệp truyền thống gia đình, phần vì đóng góp nghĩa vụ cho Tổ quốc. Ngày tiễn Hồng lên đường nhập ngũ, bà Cháu dặn con trai: “Dòng họ ta có truyền thống đi bộ đội, con phải phấn đấu noi gương những người đi trước cho hợp lẽ phải”. Hồng khoác ba lô lên đường trong niềm tự hào ấy.

Sau 3 tháng “lăn, lê, bò, trườn” ở Lữ đoàn Hải quân, Hồng được học lớp trung cấp chuyên ngành Radarsona Hải quân tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh), rồi được điều về Tiểu đoàn DK1 nhận nhiệm vụ.

Những ngày học tập, rèn luyện ở Tiểu đoàn DK1 khối bờ, Hồng luôn là chiến sĩ ưu tú. Trong một lần huấn luyện bơi ở sông Dinh (phường 11, Tp. Vũng Tàu), anh đã dũng cảm lao xuống dòng nước đang chảy xiết cứu sống đồng đội bị chuột rút khi bơi. Dìu được đồng đội vào bờ, leo thang dây lên cầu cảng thì bất ngờ thang đứt. Cú rơi ấy đã khiến Hồng dập đùi trái. Sau thời gian điều trị ở Quân y viện 1-5 Hải quân, Hồng tiếp tục lao vào huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Nhà giàn Phúc Nguyên 2A- nơi liệt sĩ Hồng đã từng huấn luyện, công tác lúc còn sống.
Nhà giàn Phúc Nguyên 2A- nơi liệt sĩ Hồng đã từng huấn luyện, công tác lúc còn sống

Một lần khác, Toàn tiểu đoàn đang huấn luyện bắn mục tiêu trên không bằng súng máy cao xạ 12,7 li, bỗng dây ròng rọc chạy mục tiêu đứt. Mô hình bay bằng thép nặng ở độ cao 40m lao thẳng vào đội hình bộ đội chờ tập. Đang ngắm mục tiêu, nhanh như cắt, Hồng chạy đến hô “dây ròng rọc đứt, mọi người chạy ra xa đi”. Hành động dũng cảm ấy, đã tránh được tai nạn cho đồng đội.

Xét thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và tinh thần dũng cảm, Đảng ủy Tiểu đoàn DK1 kết nạp Lê Đức Hồng vào Đảng Cộng sản Việt Nam trước ngày đi ra nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/6). Ngày anh mang trong tim mình niềm tự hào của người đảng viên cộng sản, cũng là ngày đón nhận quyết định chuyển chế độ từ chiến sĩ sang quân nhân chuyên nghiệp với cấp hàm chuẩn úy chuyên nghiệp, chức vụ trắc thủ radar. Anh tự hào chia sẻ với đồng đội: “Danh hiệu đảng viên là lẽ sống, còn chiếc áo chuyên nghiệp này là cả đời phấn đấu của mình. Mình tự hào, cha mẹ ở quê cũng rất vui. Trên vai mình đã mang trọng trách Đảng giao, để sau chuyến đi biển này về, mình mặc áo mới luôn thể”.

Đại úy Trương Công Định, đồng đội thân nhất của Hồng bùi ngùi: “Trước ngày Hồng đi nhà giàn, em bảo, sao mày không mặc áo mới, Hồng nói “Để tao đi chuyến biển này về mặc luôn thể. Ra nhà giàn nước ngọt hiếm hoi, phải giặt tốn nước”. Ngờ đâu chiếc áo chuyên nghiệp chưa mặc lần nào, cậu ấy đã hy sinh”.

Hơn 25 năm qua kể từ ngày liệt sĩ Hồng hy sinh, bà Cháu luôn đau đáu một phép nhiệm màu, biết đâu anh Hồng trở về, dẫu điều ấy chẳng thể xảy ra. Tiễn tôi ra tận đầu ngõ, bà Cháu nắm chặt tay tôi bảo: “Từ ngày nó hy sinh, đêm nào nó cũng hiện về”.