Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tây Nam bộ: Tuyên truyền pháp luật để ngư dân “vươn ra biển, làm giàu từ biển”

PV - 14:25, 11/12/2018

Nhiều năm qua, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trên biển, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đóng quân trên khu vực Tây Nam bộ còn tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân. Từ đó, người dân yên tâm vươn khơi bám biển, chung tay bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Cà Mau, phát tờ rơi cho từng phương tiện đánh bắt hải sản. Lực lượng Bộ đội Biên phòng Cà Mau, phát tờ rơi cho từng phương tiện đánh bắt hải sản.

Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kiên Giang có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 40km bờ biển, 2 xã và 1 thị trấn, gồm xã Dương Tơ, xã đảo Hòn Thơm, thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc, với 3 cảng gồm: Cảng quốc tế An Thới, cảng cá An Thới và cảng bốc xếp hàng hóa Bình Đầm.

Phụ trách địa bàn rộng, nhiều cảng biển với nhiều tàu thuyền ra vào và neo đậu, những năm qua, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc tuyên truyền, phổ biến một số nội dung cơ bản của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam; Luật Biên giới quốc gia; Nghị định 161 của Chính phủ về quản lý khu vực biên giới biển...

Ông Lê Minh, Thuyền trưởng tàu KG 4556 TS, trú tại ấp 1, thị trấn An Thới, chia sẻ: Tôi luôn coi cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK An Thới như người thân. Những chuyến đi biển kéo dài hơn một tuần, thậm chí một tháng, ông đều mang theo các văn bản pháp luật mà BĐBP cung cấp, nhắc nhở mọi người khi phát hiện những tàu nước ngoài đánh bắt trái phép, cũng như các tàu có biểu hiện nghi vấn phải báo ngay cho BĐBP biết, xử lý.

Theo Trung tá Lưu Quang Mười, Chính trị viên Đồn BPCK cảng An Thới, trong năm 2018, đơn vị đã tổ chức hơn 100 đợt, với khoảng 300 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tuyên truyền tới từng hộ dân, các chủ tàu thuyền ra vào và neo đậu trên bến cảng; phát hàng trăm tờ rơi cấm đánh bắt thủy, hải sản với hình thức tận diệt và không xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh cá trái phép.

Còn xã An Sơn, huyện Kiên Hải, còn gọi là đảo Nam Du, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác, nuôi trồng thủy hải sản. Thiếu tá Danh Hiếu, Chính trị viên phó, Đồn BP Nam Du, cho biết: Thời gian qua, đơn vị cũng đã hướng dẫn, phối hợp với ngư dân xây dựng được nhiều cách làm hay, mô hình quản lý về biên giới biển hiệu quả như khu dân cư văn hóa, tổ tàu thuyền đoàn kết, bến bãi an toàn, an ninh trật tự thôn xóm…

Đối với Cà Mau, là tỉnh tận cùng của Tổ quốc, ngay từ đầu năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn ven biển phối hợp cùng với đồn Biên phòng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, các cơ quan chức năng cấp trên mở nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân nắm chắc Luật Biển Việt Nam, Nghị định số 71/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển; Nghị định 103 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản và các Hiệp định liên quan về biển Việt Nam đã ký kết với các nước trong khu vực. Thông qua các lớp tập huấn này, đã giúp cho các ngư dân nắm bắt kịp thời các văn bản pháp luật mới ban hành và có ý thức chấp hành tốt hơn.

Theo Thượng tá Phạm Minh Giang, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, với các hình thức tuyên truyền như: Mở các lớp tập huấn, các buổi tuyên truyền tập trung, tuyên truyền nhỏ lẻ đến ngư dân trên các phương tiện, qua công tác kiểm tra, kiểm soát tại các trạm kiểm soát Biên phòng; tuyên truyền trên các trạm truyền thanh địa phương, phát tờ rơi cho ngư dân...đã góp phần nâng cao nhận thức, cung cấp cho ngư dân nhiều thông tin, kiến thức đảm bảo an toàn trên biển.

Từ sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa lực lượng Biên phòng với ngư dân và các ngành chức năng, đã giúp cho ngành khai thác biển của Tây Nam bộ không ngừng tăng nhanh về số lượng phương tiện và sản lượng đánh bắt, để biến ước mơ “vươn ra biển, làm giàu từ biển” dần trở thành hiện thực.

N.TÂM