Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tập trung ngăn ngừa dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò

PV - 13:04, 13/03/2021

Theo các cơ quan chuyên ngành thú y, từ giữa tháng 10 đến nay, dịch viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã xuất hiện ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn. Theo nhận định của các chuyên gia, dịch VDNC lần đầu xảy ra ở nước ta, có thể lây lan qua nhiều con đường khác nhau cho nên nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới là rất lớn. Các địa phương cần tập trung triển khai ngay biện pháp phòng, chống dịch, nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Chốt kiểm dịch ngăn chặn việc lây lan dịch ở xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn).
Chốt kiểm dịch ngăn chặn việc lây lan dịch ở xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn).

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) Lương Văn Bính cho biết, từ ngày phát hiện bệnh VDNC trên trâu, bò tại xã Quyết Thắng, đến nay dịch đã lây lan đến 38 thôn, bản ở 10 trong tổng số 24 xã, thị trấn, với 234 con trâu, bò bị nhiễm. Còn theo Sở NN và PTNT Lạng Sơn, hiện dịch đã có ở 8 trong số 11 huyện, thành phố của tỉnh, với tổng số trâu, bò bị nhiễm bệnh là 342 con, có 16 con chết, 53 con khỏi bệnh, còn lại đang hồi phục. Tại tỉnh Cao Bằng, từ ổ dịch VDNC đầu tiên phát hiện trong tháng 10 ở xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, đến nay đã lây lan trên đàn trâu, bò ở 21 xã, thị trấn tại sáu huyện với 374 con gia súc bị mắc, đã có 38 con chết. Chi cục trưởng Trồng trọt và Chăn nuôi Cao Bằng Hoàng Minh Ðạt chia sẻ, mùa màng đã thu hoạch xong, nhiều người dân vẫn có thói quen thả rông trâu, bò, dù đã tuyên truyền, vận động, khuyến cáo họ, trâu bò mắc bệnh cần cách ly, chữa trị nhưng có hộ chưa thực hiện.

Ở Bắc Kạn, ngày 8/11, tại xã Hiệp Lực (huyện Ngân Sơn), một hộ dân có hai con bò bị ốm, một con bị chết. Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương kết luận mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh VDNC trên trâu, bò. Ông Lý Văn Cừu (ở thôn Bó Lếch, xã Hiệp Lực) chia sẻ: Gia đình không biết đàn bò lây bệnh từ nguồn nào. Chỉ thấy một số con bò có biểu hiện lạ, nổi cục trên phần mềm, đối chiếu với thông tin trên các phương tiện về bệnh này thấy giống mới báo cơ quan thú y. Ðến ngày 11/11, dịch đã lan ra đàn bò của hai hộ tại các thôn Nà Lạn, Bó Lếch (xã Hiệp Lực). Tiếp đó, ngày 28/11, hộ ông Triệu Chòi Phin, thôn Khuổi Khít và hộ ông Hoàng Văn Tương, thôn Nà Vài, xã Bằng Thành (Pác Nặm) có bò biểu hiện triệu chứng nghi nhiễm bệnh VDNC, báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xét nghiệm. Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương có kết quả xét nghiệm cả hai mẫu bệnh phẩm trên đều dương tính với vi-rút gây bệnh…

Theo Phó Cục trưởng Thú y Nguyễn Văn Long, VDNC còn gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại vi-rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Ðường truyền lây là côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh; sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa…Trao đổi thêm về vấn đề này, theo ông P. Pa-dung-tốt, đại diện của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam, bệnh VDNC không truyền lây từ động vật sang người. Mặc dù tỷ lệ chết thấp, nhưng dịch bệnh gây suy nhược kéo dài ở động vật mắc bệnh nặng; giảm tăng trọng, ngừng sản xuất sữa tạm thời hoặc vĩnh viễn, viêm vú, sảy thai; thời gian hồi phục gia súc kéo dài. Hiện nguy cơ lây lan dịch VDNC là rất lớn bởi người dân vẫn chăn thả trâu, bò tự do, khó kiểm soát; chuồng trại nuôi nhốt của các hộ vẫn chưa bảo đảm vệ sinh, chưa được tiêu độc, khử trùng triệt để. Ðơn cử như tại Cao Bằng và Bắc Kạn còn có những chợ trâu, bò rất lớn với quy mô hàng nghìn con mỗi phiên, khiến dịch bệnh có thể lây nhiễm rộng. Chợ trâu, bò Nghiên Loan (huyện Pác Nặm, Bắc Kạn) là một thí dụ, bởi mỗi phiên chợ này giao dịch tới khoảng 1.000 con trâu, bò. Cùng với đó, dịch VDNC xâm nhiễm vào nước ta còn do việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trâu, bò và sản phẩm của trâu, bò nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía bắc vẫn xảy ra nhiều. Mặt khác, không loại trừ khả năng dịch bệnh cũng có thể đã xuất hiện ở các địa phương khác nhưng chưa được phát hiện (do đã có tình trạng người dân bán chạy bò bị bệnh, nghi bị bệnh).

Để phòng, chống dịch VDNC, ngăn chặn lây lan trên diện rộng, hiện tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường kiểm dịch, giám sát chặt chẽ tại chợ Nghiên Loan; đồng thời xem xét kỹ tình hình thực tế, nếu cần thiết sẽ tạm dừng hoạt động của chợ. Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh và chăn nuôi (Chi cục Thú y Bắc Kạn) Nông Quang Hải cho biết, Chi cục đã xin Cục Thú y hỗ trợ 10 tấn hóa chất phun tiêu độc, khử trùng và tiến hành cấp phát cho tất cả các huyện, thành phố, trong đó ưu tiên cho hai huyện Ngân Sơn và Pác Nặm (đã quyết định công bố dịch); riêng Pác Nặm thành lập thêm các trạm, chốt tại xã Bằng Thành, cửa ngõ giáp ranh với Cao Bằng và thêm một tổ liên ngành tại khu vực chợ Nghiên Loan. Ðồng thời, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ra công văn chỉ đạo các địa phương chưa có dịch cấp bách triển khai thống kê lại toàn bộ đàn đại gia súc; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động bám sát diễn biến dịch bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo cơ quan chức năng gia súc có biểu hiện nhiễm bệnh. Khi có dịch, khẩn trương triển khai các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn, xem xét công bố dịch theo quy định. Ở Lạng Sơn, theo Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Lý Việt Hưng, Sở đã chỉ đạo cán bộ thú y bám sát địa bàn, chủ động theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện các trường hợp trâu, bò mắc bệnh, từ đó kịp thời khoanh vùng, khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng.

UBND tỉnh Cao Bằng đã cấp bổ sung 570 triệu đồng cho ngành nông nghiệp mua hóa chất phun diệt ve, muỗi, mòng cấp cho các địa phương. Cục Thú y đã cấp 15 tấn hóa chất phun tiêu độc, khử trùng cho Cao Bằng. Chủ tịch UBND huyện Quảng Hòa Nguyễn Thành Hải cho biết, huyện đã công bố dịch, xác định vùng ổ dịch, vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; yêu cầu các địa phương vận động người dân, nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng chống, ngăn chặn dịch, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi… Các tỉnh cũng đề nghị Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng 2 tiếp tục quan tâm, hướng dẫn các biện pháp điều trị, khống chế dịch bệnh; đề xuất Bộ NN và PTNT sớm xem xét, quyết định việc nhập vắc-xin để chủ động tiêm phòng cho đàn trâu, bò…/.