Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tạo động lực để vùng biên Bù Gia Mập phát triển

Minh Thu - 06:29, 23/12/2023

Bù Gia Mập là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Bình Phước. Đồng bào DTTS ở huyện Bù Gia Mập chiếm gần 37% dân số toàn huyện, trình độ dân trí còn thấp so với mặt bằng chung của toàn tỉnh. Nhưng với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước bằng các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phá triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), vùng biên Bù Gia Mập đã có nhiều khởi sắc.

Dự án xây dựng đường giao thông tại xã Bù Gia Mập với 07 tuyến đường; 01 cầu bê tông, hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt, hệ thống lưới điện trung, hạ thế và trạm biến áp công suất 50hVA
Dự án xây dựng đường giao thông tại xã Bù Gia Mập với 07 tuyến đường; 01 cầu bê tông, hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt, hệ thống lưới điện trung, hạ thế và trạm biến áp công suất 50hVA

Huyện Bù Gia Mập là địa phương có phần lớn các hộ đồng bào DTTS sinh sống ở những nơi đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, diện tích đất sản xuất hạn chế, hơn nữa còn tồn tại một số phong tục tập quán lạc hậu. Bên cạnh đó, người dân nơi đây có xuất phát điểm thấp, nhận thức còn hạn chế nên việc tập huấn các kiến thức khoa học kỹ thuật để chuyển đổi mô hình sản xuất còn gặp khó khăn.

Như ở xã Bù Gia Mập có 1.351 hộ dân, trong đó đồng bào DTTS chiếm tới 73%, chủ yếu là đồng bào S’tiêng. Trước đây, người dân có cuộc sống khó khăn, lương thực không đủ dùng cho cả năm. Nhằm ổn định và nâng cao chất lượng đời sống cho bà con vùng đồng bào DTDTS cũng như hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh du cư, giải quyết sinh kế, giảm nghèo, củng cố an ninh quốc phòng, tháng 7/2023, huyện Bù Gia Mập đã khởi công xây dựng đường giao thông trên địa bàn xã Bù Gia Mập. Đây là công trình thuộc Dự án 2, Chương trình MTQG 1719. Dự án xây dựng đường giao thông tại xã Bù Gia Mập với 7 tuyến đường; 1 cầu bê tông; hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt; hệ thống lưới điện trung, hạ thế và trạm biến áp công suất 50hVA.

Với sự quan tâm, đầu tư của địa phương, đồng bào DTTS không chỉ được hỗ trợ nhà ở, mà nhiều hộ nghèo còn được hỗ trợ bò, dê sinh sản để phát triển kinh tế gia đình. Do đó, đời sống người dân từng bước ổn định, không còn khó khăn như trước kia.

Gia đình ông Điểu Đek, xã Phước Minh từng là hộ nghèo nhiều năm của thôn Bình Giai thiếu đất sản xuất, thu nhập bấp bênh. Nắm được hoàn cảnh của ông, chính quyền địa phương đã huy động nguồn lực để giúp gia đình ông sửa sang nhà ở và hỗ trợ nguồn vốn để thay đổi mô hình sản xuất, nuôi bò sinh sản. Nhờ quyết tâm của gia đình và sự hỗ trợ của địa phương, nay gia đình ông Điểu Đek đã thoát nghèo, thu nhập ổn định. Hiện tại gia đình có trang trại lợn 60 con heo, 8 con bò và sắp tới còn dự định mở thêm dịch vụ sửa nông cụ để tăng thêm thu nhập.

Xã Đắk Ơ nằm ở biên giới thuộc huyện Bù Gia Mập nơi đây tập trung đông đồng bào DTTS chiếm hơn 34% dân số toàn xã, trong đó chủ yếu là dân tộc S’tiêng. Những năm trước, đời sống người dân ở Đắk Ơ còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nay người dân được chính quyền địa phương hướng dẫn thay đổi mô hình sản xuất, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu.

Nhiều hộ đồng bào DTTS ở Bù Gia Mập được hỗ trợ gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững.
Nhiều hộ đồng bào DTTS ở Bù Gia Mập được hỗ trợ gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững.

Hiện toàn xã Đắk Ơ có 4.282 hộ dân với 210/286 hộ nghèo là đồng bào DTTS (chiếm 73,4%). Chính quyền địa phương đã tư vấn, hỗ trợ người dân chuyển đổi mô hình trồng cây ăn trái để tăng thu nhập. Cây tiêu được xem là cây nữ hoàng với nhiều người dân ở xã Đắk Ơ, tuy nhiên đây là loại cây cần chăm bón đúng cách mới đạt năng suất cao. Thế nhưng việc giá tiêu lên xuống thất thường trong nhiều năm nay đã khiến nhiều gia đình lao đao. Như gia đình anh Điểu Lõm nhiều năm bấp bênh vì thị trường tiêu, anh đã được địa phương tư vấn chuyển qua trồng cà phê xen điều ghép nhằm chuyển đổi mô hình sinh kế.

Việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cũng là một trong những biện pháp giúp người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, các hộ dân trồng cây ăn trái vẫn còn mang tính cá thể, nhỏ lẻ hơn nữa chưa có sự liên kết để cùng sản xuất ra sản phẩm an toàn, chất lượng. Từ khi có các HTX ra đời, việc trồng trọt của người dân tập trung hơn, nâng cao hiệu quả và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Ở HTX Bù Gia Mập, nhờ nhìn thấy lợi thế từ việc trồng điều oraganic, HTX đã kêu gọi các thành viên chuyển đổi phương pháp nuôi trồng, phát triển sinh kế bền vững. Như gia đình ông Điểu Hồng Mớt từng sở hữu 7ha điều 20 năm tuổi, sau khi được tư vấn và nhờ nắm vững các kỹ thuật canh tác, vườn điều oragnic của ông đạt năng suất lên tới 3 tấn/ha. Trong khi đó, nếu trồng điều theo phương pháp truyền thống chỉ đạt từ 800 kg cho đến 1,5 tấn/ha. Mặc dù giá điều có thay đổi lên xuống theo từng vụ nhưng mỗi năm gia đình ông Mớt vẫn thu về khoảng 300 triệu đồng.

Mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản, hỗ trợ 38 con bò cái giống, máy móc vật tư cho 19 hộ dân tại xã Bù Gia Mập
Mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản, hỗ trợ 38 con bò cái giống, máy móc vật tư cho 19 hộ dân tại xã Bù Gia Mập

Bà Trần Thị Yến, Giám đốc HTX Bù Gia Mập chia sẻ, thời gian đầu khi mới chuyển đổi mô hình, bà con gặp khá nhiều khó khăn. Bởi 90% thành viên trong HTX là đồng bào DTTS với quy trình chăm sóc vườn điều theo tiêu chuẩn khác với lối chăm sóc truyền thống, nhưng nay bà con đã quen việc ứng dụng các kỹ thuật chăm sóc cây trồng nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, UBND huyện Bù Gia Mập đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền việc thực hiện 10 tiểu dự án. Trong đó, địa phương ưu tiên nguồn lực đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi với 1.210 hộ được thụ hưởng chương trình. Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, Chương trình MTQG 1719 đã và đang đi vào cuộc sống, góp phần thay đổi cơ bản diện mạo vùng biên giới Bù Gia Mập.