Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tạo điều kiện chăm lo tốt hơn đối với Người có công

Vân Khánh - 10:10, 05/08/2022

75 năm qua (từ năm 1947 đến năm 2022), Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chăm lo cho người có công với cách mạnh, gia đình thương binh, liệt sĩ. Theo đó, các chế độ, chính sách ưu đãi cho Người có công được triển khai sâu rộng ở cơ sở và từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với Người có công

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu Trung ương trao kinh phí xây dựng 20 ngôi nhà tình nghĩa cho 20 gia đình người có công, thân nhân liệt sĩ tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thương binh - liệt sĩ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu Trung ương trao kinh phí xây dựng 20 ngôi nhà tình nghĩa cho 20 gia đình người có công, thân nhân liệt sĩ tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thương binh - liệt sĩ.

Không ngừng hoàn thiện chính sách

Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy ngày 27/7 là ngày Thương binh - Liệt sĩ, 75 năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được triển khai toàn diện, không chỉ thể hiện sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người có công mà còn góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước.

Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (Pháp lệnh), được ban hành lần đầu tiên năm 1994 và ngày càng được bổ sung, hoàn thiện qua 7 lần sửa đổi vào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và gần đây nhất là ngày 9/12/2020, tại Phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.

Pháp lệnh sửa đổi năm 2020 bao gồm 7 chương và 58 Điều. So với Pháp lệnh hiện hành, Pháp lệnh năm 2020 đã bổ sung 02 Chương, 10 Điều và sửa đổi 41 Điều. Lần sửa đổi này, Pháp lệnh được thiết kế theo hướng quy định cụ thể điều kiện quy định từng diện đối tượng theo các chế độ chính sách; phạm vi điều chỉnh tập trung quy định về đối tượng, điều chỉnh một số chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Hơn nữa, Pháp lệnh nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công. Thực hiện những cơ chế, chính sách tốt hơn với mục tiêu cao cả, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội chung tay cùng Nhà nước làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Điều đó vừa thể hiện tình cảm tri ân, trách nhiệm cộng đồng, vừa bảo đảm ý nghĩa thực tiễn của chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này.

Ngày 30/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (gọi tắt là Nghị định 131) và có hiệu từ ngày 15/2/2022. Để Người có công sớm được hưởng các quyền lợi theo đúng Pháp lệnh Người có công với cách mạng và Nghị định 131, chính quyền các địa phương cần nghiên cứu kỹ quy định, mức ưu đãi, rà soát đối tượng, tránh bỏ sót; đồng thời, tuyên truyền quy định mới cho các gia đình người có công, đảm bảo giúp người có công hưởng đúng, đủ các chế độ, chính sách theo quy định.

Tại buổi Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 được tổ chức ngày 16/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung khẳng định, 75 năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước triển khai, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật, chính sách về người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được mở rộng, nâng cao để cuộc sống của các thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các thân nhân liệt sĩ tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thương binh - liệt sĩ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các thân nhân liệt sĩ tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thương binh - liệt sĩ.

Tri ân sâu sắc bằng tất cả tấm lòng

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ, do chiến tranh đã lùi xa, hầu hết các đơn vị, cá nhân không còn lưu giữ hồ sơ, giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và người làm chứng không còn... Nhiều trường hợp hy sinh đã mấy chục năm, gia đình và người thân vẫn thầm mong, khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh.

Xuất phát từ tấm lòng tri ân sâu sắc, từ những trăn trở và day dứt của các thế hệ sau đối với anh linh các anh hùng liệt sĩ, với trách nhiệm, lòng biết ơn và phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của Nhân dân”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, trong đó yêu cầu tập trung giải quyết các hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng. 

Ngày 20/3/2017, Bộ trưởng LĐTB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH với quy trình thực hiện từ quá trình phân loại hồ sơ tới các bước công việc cụ thể từ cơ quan công an, quân đội, cấp xã, huyện, tỉnh và Trung ương. Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch thực hiện, Tổ công tác Trung ương cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát thẩm định hồ sơ đồng thời công khai thông tin hồ sơ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sau 5 năm triển khai Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH bước đầu đã được đền đáp bởi những kết quả vô cùng quan trọng và thiêng liêng. Chúng ta đã rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ, trên 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đối với những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích cho đối tượng, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.

Trong số các liệt sĩ được xác nhận phần lớn là sau khi đất nước đã hoà bình được gần 50 năm, có những trường hợp đã hy sinh 70, 80 năm về trước… Sự xúc động là không thể nào tả xiết khi người cha, người chồng, người con mình, hầu hết đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ là những đội viên du kích, dân quân, địch vận, là người DTTS, là những tín đồ tôn giáo, là những thanh niên xung phong cảm tử… chính thức được Tổ quốc vinh danh sau mấy chục năm dài.

“Kết quả hôm nay chính là hành động thiết thực, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, nén tâm nhang của thế hệ đi sau, của chúng tôi - những người làm công tác thương binh liệt sĩ đối với 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời cũng là nghĩa cử, là hành động xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm sâu nặng của những người đang được thụ hưởng nền hoà bình, độc lập, tự do ngày hôm nay với anh linh các liệt sĩ và gia đình, thân nhân các liệt sĩ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.