Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tăng cường tuyên truyền phòng, chống thiên tai: Nâng cao nhận thức và hành động

Hoàng Thanh - 17:10, 25/05/2020

Từ nay đến cuối năm, thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, nhiều hiện tượng thiên tại cực đoan sẽ xuất hiện. Để phòng, chống thiên tai (PCTT), việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động cho mọi tầng lớp Nhân dân phải được quan tâm thực hiện.

Mưa đá xảy ra ở nhiều địa phương những tháng đầu năm 2020, gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân
Mưa đá xảy ra ở nhiều địa phương những tháng đầu năm 2020, gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân

Gia tăng thiệt hại

Theo báo cáo của Tổng cục PCTT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai liên tục diễn biến cực đoan, bất thường. Trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)…

Đặc biệt, tính đến hết tháng 4/2020, cả nước đã xảy ra 11 trận động đất. Ở ĐBSCL, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp. Thiên tai cũng đã làm 11 người chết, mất tích; trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng; tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT, tình hình thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường trái quy luật, cực đoan, do tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, năng lực của cơ quan dự báo và cơ quan PCTT các cấp còn nhiều bất cập kể cả về trang thiết bị và con người; sức chống chịu của cơ sở hạ tầng, của người dân nhiều khu vực còn thấp;… Đây là những thách thức không nhỏ trong công tác PCTT thời gian tới. 

Thời tiết cực đoan khiến nhiều bản làng vùng cao thuộc huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. (Ảnh Minh Thứ)
Thời tiết cực đoan khiến nhiều bản làng vùng cao thuộc huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. (Ảnh Minh Thứ)

Chủ động ứng phó

Tổng Cục trưởng Tổng Cục PCTT Trần Quang Hoài cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực của các tầng lớp Nhân dân, công tác PCTT thời gian qua đã được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Minh chứng rõ nét nhất là thiệt hại về người và tài sản đã giảm dần qua từng năm. 

Cụ thể, năm 2017, thiên tai đã làm 386 người chết, mất tích, gây thiệt hại về kinh tế 60 nghìn tỷ đồng; năm 2018 là 224 người chết, mất tích, thiệt hại 20 nghìn tỷ đồng. Năm 2019, số người chết và mất tích giảm xuống còn 133 người; thiệt hại về kinh tế ước tính gần 7 nghìn tỷ đồng. 

Theo ông Hoài, những thiệt hại do thiên tai được giảm xuống rõ rệt một phần lớn là do nhận thức và hành động PCTT của Nhân dân, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở được nâng lên. Thời gian qua, Tổng Cục PCTT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng, bằng nhiều hình thức khác nhau.

“Chỉ riêng các báo Trung ương trong năm 2019 đã có 3.505 tin, bài về PCTT. Ngoài ra, cơ quan PCTT các cấp đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho gần 3.000 cán bộ chủ chốt làm công tác PCTT; các địa phương đào tạo, tập huấn trên 158.420 người. Nhờ đó nhận thức về PCTT được nâng lên rõ rệt”, ông Hoài cho biết.

Trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 4.375 tỷ đồng, 2.880 tấn gạo; 1.057 tấn giống các loại; 350.000 liều vắc xin, 27.000 lít và 105 tấn hoá chất khử trùng phòng, chống dịch bệnh,... để các địa phương khắc phục thiên tai. Năm 2020, 530 tỷ đồng đã được phân bổ cho 8 địa phương ĐBSCL phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.