Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tăng cường liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

Trọng Bảo - 17:51, 16/11/2021

Sáng 16/11, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Lào Cai phối hợp tổ chức Hội thảo “Định hướng liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Lào Cai, với sự tham dự của đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; cùng đại diện các Ban, Bộ ngành Trung ương, địa phương. Ngoài ra, còn có các đại biểu tham dự trực tuyến tại 15 điểm cầu trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

Về phía UBDT có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải.

Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phục vụ cho việc tổng kết Nghị quyết số 37 năm 2004 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 26 năm 2012 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020; cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng định hướng chiến lược phát triển vùng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

Đánh giá tại Hội thảo cho thấy, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là 1 trong 6 vùng KT-XH của Việt Nam, gồm 14 tỉnh trực thuộc Trung ương và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An; có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về KT-XH, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước và đóng vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái cho khu vực Bắc bộ. Đây cũng là vùng có tiềm năng và lợi thế phát triển nhiều mặt cả về nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Là địa bàn có nhiều đồng bào các dân tộc anh em cùng sinh sống với bản sắc văn hóa riêng, độc đáo, đa dạng; nhiều di tích lịch sử, văn hóa.

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 37, với sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt và tập trung nguồn lực đầu tư của Trung ương cùng với sự chủ động, nỗ lực cố gắng vươn lên của các địa phương trong vùng; phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ấn tượng. Có thể nói, Nghị quyết 37 đã đi vào cuộc sống và tạo ra một diện mạo mới cho các địa phương trong vùng, nhiều tiềm năng, lợi thế từng bước được khai thác hiệu quả; hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết và Kết luận 26 đã cơ bản đã được hoàn thành.

Tuy nhiên, đến nay, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ vẫn là “vùng trũng”, vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước; quy mô kinh tế còn nhỏ, trình độ phát triển thấp, không đồng đều, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hết.

Hội thảo cũng thẳng thắn nhìn nhận việc liên kết phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc bộ không phải là một vấn đề mới và bây giờ mới đặt ra. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về vấn đề này, song trải qua một thời gian tương đối dài, cho đến nay liên kết của vùng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, hiệu quả thấp.

Quang cảnh buổi Hội thảo
Quang cảnh buổi Hội thảo

Bên cạnh phân tích, đánh giá tiềm năng, lợi thế, thuận lợi, khó khăn, các tham luận đưa ra tại Hội thảo cũng đề xuất nhiều định hướng lớn về vai trò, chức năng và nhiệm vụ chính của địa phương trong tổng thể vùng, của vùng trong tổng thể quốc gia; đề xuất các định hướng liên kết chính về các ngành, lĩnh vực và các trục liên kết chính của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng trong thời gian gần đây. Đặc biệt là Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời, làm rõ hơn tính khách quan và xu hướng tất yếu liên kết phát triển vùng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là trong bối cảnh nhiều xu thế kinh tế mới, nhiều thách thức mới xuất hiện như dịch bệnh Covid-19, chính sách bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu…

Hội thảo cũng phân tích, đánh giá các kinh nghiệm, mô hình quốc tế về liên kết phát triển vùng, để đề xuất vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp vào phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, đặc biệt là về thể chế, chính sách và mô hình quản lý, bộ máy.

Ngoài ra, Hội nghị cũng tập trung làm rõ về thuận lợi, khó khăn, các vấn đề đặt ra về cơ chế, chính sách và phối hợp giữa các địa phương đối với các mô hình liên kết điển hình đã có của vùng thời gian qua và các mô hình manh nha xuất hiện trong thời gian tới nhất là liên kết phát triển hạ tầng KT-XH gắn với các trục giao thông nội vùng; phát triển du lịch gắn với các sản phẩm du lịch đặc thù; phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng gắn với mở rộng vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến; phát triển các khu công nghiệp gắn với các hành lang kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô đào tạo…

Những ý kiến tại Hội thảo, sẽ là căn cứ quan trọng để Đảng, Nhà nước có những quyết sách, định hướng phù hợp hơn đối với việc phát triển KT-XH cho vùng Trung du và miền núi Bắc bộ trong thời gian tới.