Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cơ cấu lại nông nghiệp vùng trung du và miền núi phía Bắc: Từng bước thoát khỏi “lõi nghèo”

Hoàng Quý - 15:37, 21/10/2020

Trung du và miền núi (TD&MN) phía Bắc bao gồm 14 tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc. Đây là vùng chiến lược an ninh quốc phòng của đất nước, đồng thời là vùng có tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, con người, văn hóa… Việc tái cơ cấu lại nông nghiệp ở vùng này có ý nghĩa thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi, từng bước đưa vùng thoát khỏi “lõi nghèo”.

Đồng bào DTTS ở khu vực miền núi phía Bắc đã tiếp cận phương thức sản xuất hàng hóa. (Trong ảnh: Sản phẩm rau sạch của Hợp tác xã trồng rau an toàn Vân Hồ, Sơn La)
Đồng bào DTTS ở khu vực miền núi phía Bắc đã tiếp cận phương thức sản xuất hàng hóa. (Trong ảnh: Sản phẩm rau sạch của Hợp tác xã trồng rau an toàn Vân Hồ, Sơn La)

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau 7 năm (2013 - 2020) triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất Nông nghiệp vùng TD&MN phía Bắc đã có chuyển biến tích cực. Trong 7 năm qua, ước tính tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp của khu vực này đạt bình quân 3,68%/năm, cao hơn mức bình quân của cả nước (2,95%/năm). 

Hiện, toàn vùng đã chuyển đổi tới 250.000ha cây ăn quả, đứng thứ 2 trong 7 vùng kinh tế - xã hội toàn quốc. Vùng này có tới 53,5% hệ thống che phủ rừng, trong khi toàn quốc chỉ có 42%. Đây là vùng có rất nhiều sản phẩm OCOP như: Bí hương, hồng không hạt, gạo…

Trong lĩnh vực chăn nuôi đã có sự chuyển mạnh từ nhỏ lẻ, tự phát sang công nghiệp, bán công nghiệp quy mô lớn; chăn nuôi nông hộ an toàn dịch bệnh và bền vững. Toàn vùng hiện có 2.519 trang trại chăn nuôi, tăng 3 lần so với năm 2013; có nhiều công ty, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Những kết quả trong tái cơ cấu nông nghiệp đã cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các tỉnh thuộc vùng TD&MN phía Bắc. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hết tháng 8/2020, toàn vùng có 798 xã trong tổng số 2.422 xã đạt chuẩn NTM; có 16 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp các tỉnh vùng TD&MN phía Bắc còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Cơ cấu lại ngành và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp. Liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân chưa trở thành phổ biến. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, khó khăn trong hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch phần lớn ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp; làm cho giá trị, năng lực cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp vùng hạn chế.

Tại Hội nghị “Thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh TD&MN phía Bắc” được tổ chức tại Sơn La ngày 30/9/2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, 14 tỉnh TD&MN phía Bắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng của nước Việt Nam. Với diện tích khoảng 10 triệu ha, tập trung đông bà con DTTS, các tỉnh TD&MN phía Bắc là vùng quan trọng về an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước. 

Đây cũng là vùng có lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp với nhiều nông sản đặc trưng; tuy nhiên, đây vẫn là “lõi nghèo” của cả nước. Chính vì vậy, việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp ở vùng TD&MN phía Bắc là nhiệm vụ cấp thiết. 

Theo ông Cường, trong tái cơ cấu nông nghiệp ở vùng TD&MN phía Bắc, có 4 định hướng quan trọng là: Kinh tế đồi gò, phát triển sản phẩm OCOP, gắn nông nghiệp với du lịch và bản sắc dân tộc. Đây là những cơ sở để biến vùng vốn chưa giàu từng bước trở thành vùng kinh tế giàu có.