Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tăng cường biện pháp ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá

BĐT - 21:45, 16/04/2022

Ngày 16/4, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 208/VPTT gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá.

Tăng cường biện pháp ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá. (Ảnh minh họa)
Tăng cường biện pháp ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá. (Ảnh minh họa)

Nhằm chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền, Nhân dân chủ động phòng tránh các hiện tượng thời tiết xấu như mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá có thể xảy ra trong những ngày tới. 

Các tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương; chủ động chuẩn bị phương tiện, vật tư nhất là vải bạt, tấm lợp các loại và lực lượng xung kích tại cơ sở để sẵn sàng huy động giúp dân ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình cấp tỉnh, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn Nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh. 

Trong đó tập trung vào các nội dung: Biện pháp trú, tránh bảo đảm an toàn khi xảy ra dông, sét; gia cố, che chắn, bảo vệ tài sản, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại.

Đối với khu vực miền núi, mưa lớn nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, do vậy, các tỉnh thuộc khu vực trên cần tổ chức kiểm tra, rà soát nhà ở an toàn; sẵn sàng phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.

Các địa phương tổ chức thường trực, theo dõi tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại, tổng hợp báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.