Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mưa lũ bất thường gây thiệt hại gần 74 tỷ đồng cho Quảng Ngãi

NA - 20:10, 05/04/2022

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, thời tiết bất thường trong những ngày qua đã làm nhiều địa phương bị thiệt hại về nhà cửa, nông nghiệp. Tính đến 17 giờ ngày 5/4, tổng thiệt hại ban đầu ước tính gần 74 tỷ đồng.


Lúa Đông - Xuân tại cánh đồng xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi bị ngã rạp, ngập úng. Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN
Lúa Đông - Xuân tại cánh đồng xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi bị ngã rạp, ngập úng. Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN

Theo đó, mưa lũ đã làm trên 2.045 ha lúa, 1.060 ha rau màu, hoa màu và trên 188 ha cây trồng hàng năm bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%). Trên 4.427 ha lúa, 1.128 ha rau màu, hoa màu và trên 413 ha cây trồng hằng năm bị thiệt hại nặng từ 30 - 70% và hàng trăm héc ta nông nghiệp bị thiệt hại một phần (dưới 30%). Tổng thiệt hại về nông nghiệp lên tới 70 tỷ đồng.

Mưa lũ cũng làm đập Ra Nhua và đập Mang Rĩa, huyện Sơn Tây bị hư hỏng; 6.210 m kênh mương nội đồng ở các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Sơn Hà và Sơn Tịnh bị sạt lở, hư hỏng. Ước thiệt hại về thủy lợi khoảng 3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, mưa lớn, gió to kèm sóng biển mạnh đã làm 1 chiếc tàu ở huyện Bình Sơn bị đứt neo, sóng đánh va đập vào đá gây hư hỏng; 6 ao nuôi trồng thủy sản ở Mộ Đức bị thiệt hại hoàn toàn.

Trước diễn biến thời tiết nguy hiểm, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành các công văn yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó mưa lớn trên đất liền, thời tiết nguy hiểm trên biển và khắc phục hậu quả mưa lớn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hướng dẫn các địa phương triển khai khắc phục diện tích cây trồng bị ngập úng và đổ ngã do mưa lớn gây ra trong vụ Đông Xuân 2021-2022.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi cũng đã thực hiện đóng các cống đầu kênh chính hệ thống Thạch Nham nhằm hỗ trợ tiêu úng, thoát nước trên các cánh đồng.

Các địa phương tổ chức huy động lực lượng tại chỗ, nhất là lực lượng xung kích ở cơ sở hỗ trợ người dân thu hoạch các diện tích lúa, hoa màu bị ngập, ngã đổ có thể thu hoạch được để hạn chế thiệt hại; chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách địa phương để hỗ trợ người dân sớm khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống, sản xuất.