Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tân sinh viên K’Thư với tình yêu văn hóa Mạ

Minh Đạo - 10:49, 04/10/2024

Ngày 18/9, K’Thư - người con của đồng bào dân tộc Mạ ở xã vùng sâu Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng chính thức trở thành tân sinh viên khoa Văn khóa 48, Trường Đại học Đà Lạt sau hành trình nỗ lực vượt qua vô cùng gian khó.

K’Thư hướng dẫn học sinh lớp dưới cách trình diễn kèn bầu (m’buat)
K’Thư hướng dẫn học sinh lớp dưới cách trình diễn kèn bầu (m’buat)

Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường THCS&THPT Lộc Bắc - Đặng Tài Tuệ nhận xét, K’Thư là học sinh dân tộc thiểu số có thành tích học tập tốt, tham gia tích cực các hoạt động của Đoàn và nhà trường, đặc biệt về lĩnh vực khoa học kỹ thuật. “Ý thức học tập và sự rèn luyện, K’Thư trở thành thủ lĩnh của tổ chức Đoàn trong nhà trường”. Thành tích học tập, quá trình rèn luyện và hoạt động tích cực trong phong trào của K’Thư là tiền đề để em được kết nạp Đảng vào tháng 7/2024 và trở thành sinh viên đại học.

Cô giáo Trần Thị Lộc, nguyên Bí thư Đoàn trường, nhiều năm gần gũi với các em học sinh trong hoạt động sưu tầm, nghiên cứu và phát huy âm nhạc dân tộc Mạ hiểu rất rõ về học sinh K’Thư. Cô và đồng nghiệp là những người hướng dẫn, truyền lửa, còn K’Thư là nhóm trưởng của học sinh. Cô Lộc nhận xét về K’Thư: Có những bạn từ chối nhưng em tình nguyện ứng cử vào Ban Chấp hành Đoàn, có tinh thần cầu tiến và nỗ lực cống hiến. Từ lớp 10, em đã tham gia cùng cô sưu tầm bảo tồn văn hóa dân tộc Mạ, dần dần càng nhận thấy giá trị và yêu văn hóa Mạ. Thư rất giỏi trong vận động các bạn, về sau em động viên và chủ động đi sưu tầm, học trình diễn văn hóa dân tộc Mạ…

K’Thư và nhóm học sinh được nghệ nhân hướng dẫn tấu chiêng.
K’Thư và nhóm học sinh được nghệ nhân hướng dẫn tấu chiêng

Văn hóa người Mạ rất phong phú, có nhiều nhạc cụ truyền thống đặc sắc như đàn đá, kèn bầu, cồng chiêng, đàn tre, sáo, kèn môi và kèn tù. Tuy nhiên, một số loại đã mai một, rất cần được khôi phục để bảo tồn. Đây là động lực để cô trò bắt tay miệt mài sưu tầm, nghiên cứu suốt hơn 3 năm qua. “Với đam mê, trách nhiệm và ý thức cao về giá trị văn hóa của đồng bào mình, K’Thư trở thành hạt nhân lan tỏa đến nhiều học sinh trong nhà trường, từ học sinh người Mạ đến học sinh người Kinh, học sinh người Tày. Kết quả rất vui và khích lệ là đề tài “Giải pháp bảo tồn và phát huy nhạc cụ dân tộc Mạ tại xã Lộc Bắc, xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng” đoạt giải Nhì, năm học 2021 – 2022 và đề tài “Giải pháp bảo tồn và phát huy kèn bầu của người Mạ tại xã Lộc Bắc” đoạt giải Nhất năm học 2023-2024”, cô Lộc cho biết.

K’Thư nhận quyết định kết nạp Đảng từ Bí thư Chi bộ Trường THCS&THPT Lộc Bắc - Đặng Tài Tuệ.
K’Thư nhận quyết định kết nạp Đảng từ Bí thư Chi bộ Trường THCS&THPT Lộc Bắc - Đặng Tài Tuệ

K’Thư nói về lý do tham gia đề tài: “Em tham gia nhóm nghiên cứu là vì em yêu văn hóa của chúng em, nếu không nghiên cứu thì sẽ nhiều người không biết đến. Bản thân em vừa mở mang hiểu biết các nhạc cụ của dân tộc mình, vừa để các bạn người dân tộc thiểu số khác cùng biết được và tham gia”. K’Thư xuất hiện nhiều trong những không gian của văn hóa người Mạ, ở trường và ở các nẻo thôn trong xã Lộc Bắc. Đó là những khoảnh khắc em được thỏa niềm đam mê để học hỏi từ các nghệ nhân, rồi chế tác, hướng dẫn lại cho các bạn học sinh khác. Và hơn thế, em còn biểu diễn trên sân khấu của nhà trường và của xã trong các sự kiện trọng đại. Từ sự truyền dạy của các nghệ nhân như K’Trời, K’Tía…, ngoài tấu cồng chiêng, K’Thư đã có Chứng nhận của ngành Văn hóa, em còn biết thể hiện và chế tác các nhạc cụ như kèn bầu, kèn môi, sáo, đàn tre của người Mạ.

K’Thư làm thủ tục nhập học vào Trường Đại học Đà Lạt
K’Thư làm thủ tục nhập học vào Trường Đại học Đà Lạt

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn với 8 anh chị em, K’Thư là con thứ 7 nhưng mọi người đều ghi nhận ở em sự chăm chỉ học tập, rèn luyện bản thân, có trách nhiệm rất cao việc giữ gìn văn hóa truyền thống. Kết quả học tập của K’Thư từ lớp 6 đến lớp 8 đạt loại khá, tốt nghiệp lớp 9 loại giỏi, lớp 10 và 11 xếp loại khá, lớp 12 loại giỏi và tốt nghiệp THPT đạt 22.75 điểm/3 môn thi để vào đại học. Em chia sẻ và cũng là sự nhắn gửi tới các bạn học sinh khác ở lớp sau: “Mỗi người có một cách tiếp thu khác nhau nhưng với em, đi học luôn lắng nghe thầy cô giảng bài và không hiểu thì hỏi để thầy cô giảng lại. Về nhà, ngoài việc giúp bố mẹ, buổi tối tự giác học bài và tìm kiếm thêm các dạng đề khác để giải. Em nhớ mãi lời cô giáo Vật lý lớp 9 nói “muốn thoát khỏi lũy tre làng thì phải cố gắng học”.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lộc Bắc Ka Hương cũng nhận xét về K’Thư: “Qua làm việc mấy lần với K’Thư, mình cảm nhận em là một học sinh có tinh thần làm việc rất tích cực đối với các phong trào nhà trường và địa phương, rất nhiệt tình, có khả năng về lĩnh vực văn hóa xã hội. Trường hợp học sinh Mạ đầu tiên của địa phương được kết nạp vào Đảng như K’Thư là nhân tố tích cực, không chỉ trong trường học mà còn ở địa phương, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số, lan tỏa về tâm huyết và tư tưởng rất vững vàng…”. 

Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.