Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tân An một thời tằm tơ

PV - 16:15, 31/10/2021

Chiều cuối thu, ngồi lai rai cùng mấy ông bạn già hàng xóm với đĩa mồi nhộng tằm xào hành mỡ mà vợ mới mua ở siêu thị khi sáng, chợt bao nhiêu ký ức ùa về: “Giá như bây giờ nghề nuôi tằm ở Tân An sống lại! Nghĩ mà tiếc thật, thời ấy nuôi tằm, ươm tơ ở làng mình vui quá, cứ y như cổ tích vậy”.

Nuôi tằm là nghề giải quyết được rất nhiều việc làm. (Ảnh minh họa)
Nuôi tằm là nghề giải quyết được rất nhiều việc làm. (Ảnh minh họa)

Tôi thẩn thờ lan man về quá khứ: “Có cái gì trong nỗi nhớ đêm đêm/ Mẹ chong lửa canh tằm cơn bấc trở/ Thương cây dâu cha trồng trên đất lở/ Để có cơm có áo và học hành”... “Có cái gì trong nỗi nhớ xôn xao/ Trong tiếng gió động bờ dâu rào rạt/ Tân An ơi bao tháng ngày khao khát/ Thương sông Dinh mùa nước cạn nước đầy…”. Những câu thơ của một thời xa xưa, một thời đã hằn sâu vào nỗi nhớ La Gi (Bình Thuận), một thời của chuyện dâu tằm trên đất biển, cứ y như thước phim chầm chậm quay về.

Khởi đầu

Đầu những năm 1980, thời điểm cả nước gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Nông nghiệp phát triển chậm, cây trồng, vật nuôi không ổn định, làm ăn theo lối “gõ kiểng”, bình công chấm điểm, không kích thích được sản xuất, đời sống người dân gặp vô vàn khó khăn. Do vậy việc tìm ra hướng đi để phát triển kinh tế gia đình là sự đòi hỏi tất yếu.

Với xã Tân An, nơi có rất nhiều bà con ở Quảng Nam vào lập nghiệp, nghề trồng dâu nuôi tằm với họ vốn đã quen thuộc từ lâu. Nay nghe xã chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế gia đình, vậy là họ mạnh dạn lấy nghề trồng dâu nuôi tằm để thử vận mệnh ngay trên vùng đất đầy nắng và gió này.

Cái thuận tiện duy nhất của họ là dâu rào, dâu bụi ở Tân An có khá nhiều (người miền Trung có thói quen đến đâu cũng trồng dâu dọc bờ rào để trừ tà ma), nên thức ăn cho tằm trong giai đoạn nuôi thử không khó. Những cái tên đã làm nên kỳ tích nuôi tằm trên đất biển hồi ấy bác Sáu Ớt tức Phan Văn Đầu, bác Lý Thân, chú Sáu Thìn, chú Năm Mẹo, anh Hai Tiến… Từ những né kén đầu tiên do các bác, các chú nuôi thành đã dấy lên phong trào trồng dâu nuôi tằm tại Tân An.

Thực nghiệm

Phấn khích trước việc làm hiệu quả của dân, anh Võ Gia Chí lúc ấy là Chủ tịch xã và tôi, đã tức tốc lên Xí nghiệp Dâu tằm tơ Bảo Lộc gặp Tổng Giám đốc Nguyễn Văn nhờ có hướng giúp đỡ. Mọi việc đều hết sức thuận lợi, Tổng Giám đốc cử ngay người đến địa phương để giúp về mặt kỹ thuật, cấp giống tằm sạch, thuốc khử trùng, và giúp tiêu thụ sản phẩm của bà con.

Hơn 1 năm phát triển dâu tằm theo hướng tự phát, tiếng lành đồn xa, Tỉnh ủy Thuận Hải đã cử ông Ba Đăng lúc bấy giờ là Trưởng ban Kinh tế Tỉnh ủy, cùng với các chuyên viên bên Ủy ban Khoa học kỹ thuật xuống địa phương để có chỉ đạo cụ thể. Sau thời gian bám cơ sở, Tỉnh ủy đề nghị Tân An phải lập đề tài khoa học “Nuôi thực nghiệm tằm lưỡng hệ trên đất biển” để Hội đồng Khoa học tỉnh đánh giá xem xét hỗ trợ kinh phí. Và tôi là người được phân công viết đề tài này. Gần cả tháng trời đọc tài liệu, nắm thông số kỹ thuật… cuối cùng cái đề tài ấy cũng được thông qua và gởi đi.

Có được kinh phí rồi, xã Tân An (thị xã La Gi) bắt tay ngay vào thực hiện, đầu tiên là liên hệ Linh mục Giáo xứ Đồng Tiến mượn phòng ốc. Vì chỉ có nơi đây mới đủ mặt bằng để nuôi tằm, hơn nữa vị trí lại thoáng mát, cách xa dân cư nên ít ngại tằm nhiễm bệnh. Việc tiếp theo là khảo sát khoanh vùng vùng dâu để đủ thức ăn cho tằm, rồi mua nong nia, né cho tằm làm kén…

Phần Xí nghiệp Dâu tằm tơ Bảo Lộc, Tổng Giám đốc phân công cho Phó Tiến sĩ Tô Thị Tường Vân trực tiếp theo dõi đề tài, kỹ sư Nguyễn Thị Rạng và một công nhân có tay nghề giỏi trực tiếp đứng nuôi tằm. Giống tằm nuôi thực nghiệm là giống tằm lai lưỡng hệ, năng suất cao gấp đôi, gấp ba tằm địa phương. Thời gian thực hiện từ tháng 5 đến tháng 7, tức là thời điểm ở Tân An có nhiệt độ và độ ẩm cao nhất trong năm.

Hơn 1 tháng nuôi thực nghiệm, kết quả đã đạt được ngoài mong đợi. Báo cáo của kỹ sư Rạng ghi nhận, nhiệt độ, ẩm độ tại Tân An, Hàm Tân dù có cao nhưng vẫn thích nghi với sự phát triển của giống tằm lưỡng hệ do biên độ dao động không lớn. Độ dài của tơ trên 900m, tơ không bị guốc, đứt, đáp ứng tốt cho việc ươm tơ bằng máy (giống tằm địa phương độ dài của tơ trên một cái kén chỉ tên dưới 300m nên không thể ươm bằng máy).

Chỉ vậy thôi! Cán bộ và nhân dân Tân An đã vỡ òa theo niềm vui của lứa tằm thực nghiệm. Với kết quả này năm 1983, Hội nghị Dâu tằm tơ Việt Nam được tổ chức tại Tân An. Cục Dâu Tằm trực thuộc Bộ Nông nghiệp cùng với nhiều cơ quan, xí nghiệp ở các nơi đã đến dự. Báo cáo tham luận về trồng dâu, nuôi tằm trên đất biển của Tân An được đánh giá rất cao. Và Tân An trở thành một địa chỉ mới trên bản đồ dâu tằm Việt Nam.

Giống tằm lai lưỡng hệ cho năng suất cao gấp đôi, gấp ba tằm địa phương. (Ảnh minh họa)
Giống tằm lai lưỡng hệ cho năng suất cao gấp đôi, gấp ba tằm địa phương. (Ảnh minh họa)

Vui, buồn và hy vọng

Sau hội nghị này, Tân An tiếp tục gởi hàng chục chị em lên Bảo Lộc để học nghề ươm tơ. Hàng trăm gia đình trong xã lấy nghề nuôi tằm, ươm tơ làm chính. Nhiều loại dâu giống mới như Bầu Đen, Bầu Trắng, Tam Bội… được trồng trên đất Tân An cho năng suất rất cao. Những sản phẩm tơ làm ra được xuất bán cho Công ty Tơ tằm TP. Hồ Chí Minh và Xí nghiệp Dâu tằm tơ Bảo Lộc. Sự thành công của Tân An đã lan tỏa đến nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, trong đó có huyện Đức Linh, một trong những huyện mạnh về trồng dâu nuôi tằm sau này.

Và cũng chính trong giai đoạn này, sự nghiệp dâu tằm tơ của Tân An đã chuyển sang bước ngoặt mới. Tân An chấm dứt vai trò thực nghiệm và chỉ đạo sản xuất. Một công ty liên doanh dâu tằm giữa Hàm Tân và Bảo Lộc ra đời, nhà máy ươm tơ được xây dựng.

Có điều sau cuộc “kết hôn” vội vàng ấy là những rạn nứt không thể hàn gắn, là thị trường chi phối giá cả, là sự thua lỗ trong sản xuất của người dân… Nghề dâu tằm tơ từ đó bị lãng quên dần, chỉ còn một số ít người theo đuổi.

Nhưng với nhiều người vẫn còn hy vọng, biết đâu một ngày nào đó, nghề dâu tằm sẽ sống lại trên đất Tân An.

Sự quay về với nghề truyền thống, với những sản phẩm có từ thiên nhiên, đặc biệt với nguyên liệu của ngành công nghiệp dệt, thì tơ tằm luôn giữ vị trí độc đáo vì đây là loại sợi quý có giá trị cao. Lụa dệt từ tơ tằm nó đáp ứng đầy đủ các điều kiện về địa lý (nhẹ, hút ẩm tốt…), về văn hóa (vừa thời trang, vừa truyền thống dân tộc lẫn tôn giáo) và cả yếu tố xã hội (người tiêu dùng). Và thêm một vấn đề hết sức cơ bản, nếu giá cả sản phẩm đầu ra ổn định, có lợi cho người nuôi. Thì đây là nghề giải quyết được rất nhiều việc làm, nhất là đối với lao động nữ, lao động trẻ em./.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.