Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sức sống mới trên trận địa pháo năm xưa

Vũ Lợi - 18:24, 08/05/2020

Cứ điểm Him Lam được Quân đội Nhân dân Việt Nam lựa chọn để nã những loạt đạn pháo đầu tiên, khai màn tấn công thực dân Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. 66 năm đã đi qua, từ bãi chiến trường với đầy dấu tích bom đạn, dây thép gai, bãi mìn… giờ đây Him Lam đang nỗ lực vươn mình trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên).

Trình diễn một số sinh hoạt văn hóa của dân tộc Thái bản Him Lam 2
Trình diễn một số sinh hoạt văn hóa của dân tộc Thái bản Him Lam 2

Cứ điểm Him Lam xưa kia được quân Pháp tự hào mệnh danh là “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm. Tại đó, chúng đã cho xây dựng cụm cứ điểm quan trọng với hệ thống công sự vững chắc, bao quanh là hệ thống dây thép gai, chướng ngại vật, nhiều bãi mìn… Sau thời gian dài được chuẩn bị chu đáo, vào giờ khắc thiêng liêng - 17 giờ 5 phút, ngày 13/3/1954, hàng loạt lựu pháo và sơn pháo của quân đội ta đồng loạt dội lửa xuống cụm cứ điểm Him Lam, phân khu trung tâm, sân bay và trận địa pháo của địch, khiến toàn vùng Him Lam bị tê liệt. Đến 22 giờ 30 phút cùng ngày, toàn bộ trung tâm đề kháng Him Lam đã bị quân ta tiêu diệt. Trận đánh mở màn thành công ngoài sự mong đợi.

66 năm đi qua, Him Lam xưa bỏ lại những tàn phế của trận địa pháo để vươn mình đổi thay, trở thành mảnh đất thanh bình, đầy sức sống. Ngày nay, Him Lam nằm giữa trung tâm TP. Điện Biên Phủ, có trục đường chính là Quốc lộ 279 - con đường xuyên Á với Cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Lào chạy qua. Hai bên đường nhiều nhà cao tầng nằm san sát nhau, những phố bản sạch đẹp, nhịp sống sôi động…

Quần tụ và xen kẽ giữa những điểm di tích của chiến trường Điện Biên Phủ chính là bản văn hóa Him Lam 2. Những năm qua, dưới sự định hướng của chính quyền địa phương trong việc phát triển du lịch cộng đồng bền vững, bản không những trở thành điểm du lịch thu hút du khách, mà còn bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có nghề dệt. Những mái nhà sàn cổ hay nếp sinh hoạt truyền thống mang đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Thái.

Nhân dân trong bản cùng nhau đoàn kết, chung tay phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nếp sống mới. Nếu như trước đây, phụ nữ trong bản dệt thổ cẩm chỉ để cho gia đình dùng, thì nay còn phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch. Sản phẩm thổ cẩm của bản thường là những tấm vải, chiếc khăn piêu hay chiếc túi đeo chéo nhằm quảng bá nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái tới du khách…

Chứng kiến sự đổi thay từng ngày của Him Lam, ông Lường Văn Hịa, người dân bản Him Lam 2, kể: Hơn 66 năm năm trước, có rất ít người dân sống ở Him Lam, khắp nơi đều là cỏ lau, đường sá nhỏ hẹp chưa được rải nhựa, người dân đi lại khó khăn. Các ngôi nhà ở đây đa số là nhà đất lợp cỏ tranh, cuộc sống nghèo khổ. 

Năm 1992, Him Lam chính thức lên phường, tạo thuận lợi để chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn cùng nhau nỗ lực vượt khó, phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, mở mang cơ sở sản xuất dịch vụ. Dân số của Him Lam hiện lên tới 11.000 người, với 2.600 hộ, 14 dân tộc sinh sống, trong đó người Thái chiếm phần đa, song chỉ còn vài ba hộ thuộc diện nghèo!

Ông Lò Văn Diên, Chủ tịch UBND phường Him Lam cho biết: Trong những năm qua chính quyền đã triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng theo kế hoạch đề ra. Nhờ quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, đến nay đời sống người dân ngày càng được nâng lên với thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, ước đạt 35 triệu đồng/người vào năm 2020, tăng 6,5 triệu đồng so với năm 2015.