Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ấm no trên vùng căn cứ cách mạng Pú Nhung

Vũ Lợi - 10:27, 06/05/2020

Đến thăm xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) hôm nay, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước không khí náo nhiệt, rộn rã của một xã miền núi. Xen giữa màu xanh ngút ngàn của nương lúa, nương ngô, còn nổi bật màu đỏ rực của những lá cờ Tổ quốc treo dọc hai bên đường nối từ trung tâm xã về các bản…

Từ Chương trình 135 của Chính phủ đã góp phần hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho người dân Pú Nhung xóa đói giảm nghèo hiệu quả. (Trong ảnh: Người dân Pú Nhung thu hoạch dứa)
Từ Chương trình 135 của Chính phủ đã góp phần hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho người dân Pú Nhung xóa đói giảm nghèo hiệu quả. (Trong ảnh: Người dân Pú Nhung thu hoạch dứa)

Vùng căn cứ cách mạng kiên cường

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Pú Nhung được chọn làm Căn cứ cách mạng của Ban cán sự Đảng tỉnh Lai Châu (cũ). Dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Lai Châu, cuối năm 1949, Ủy ban Kháng chiến của hai xã Pú Nhung và Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) được thành lập. Đầu năm 1950, đội du kích xã Pú Nhung ra đời, dưới sự chỉ huy của đội trưởng Sùng Phái Sinh kiên cường, mưu trí, ngăn chặn được nhiều cuộc càn quét của quân địch, gây cho chúng nhiều tổn thất, tạo tiếng vang cũng như niềm tin trong Nhân dân.

Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến này, người thiếu niên dân tộc Mông - Vừ A Dính xung phong làm liên lạc cho cách mạng, bị địch bắt, tra hỏi nhưng vẫn một lòng kiên trung không khai báo cơ sở cách mạng. Anh bị thực dân Pháp giam giữ trong rừng, cách vị trí trung tâm xã ngày nay gần 3 giờ đồng hồ đi bộ. Vừ A Dính đã hy sinh trong tư thế người chiến thắng vào buổi chiều ngày 15/6/1949.

Để tri ân những Anh hùng liệt sĩ, ngày nay, tại Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của xã Pú Nhung, Vừ A Dính và 6 người thân trong gia đình được khắc tên tưởng niệm. Đây là địa chỉ đỏ để thế hệ trẻ trên quê hương cách mạng Pú Nhung khắc ghi và tự hào noi gương anh hùng nhỏ tuổi đã làm rạng danh quê hương, rạng danh thế hệ trẻ Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp oanh liệt của dân tộc ta.

Vươn mình đổi thay…

Qua gần 7 thập kỷ, sau ngày giải phóng Điện Biên Phủ (7/5/1954), Pú Nhung hôm nay đã vươn mình đổi thay. Với hàng loạt chương trình hỗ trợ, đầu tư nhằm xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Ðảng, Nhà nước, của tỉnh cùng sự nỗ lực của cán bộ và người dân, Pú Nhung đã từng bước chuyển mình. Năm 2019, dân số Pú Nhung là 3.798 nhân khẩu thuộc 798 hộ, sinh sống tại 8 bản. Từ xã “trắng” tiêu chí trong xây dựng NTM, Pú Nhung đã phấn đấu đạt 13 tiêu chí, trở thành “xã điểm” trong số 130 đơn vị cấp xã trong tỉnh về đầu tư cơ sở hạ tầng… và trở thành địa chỉ học tập mô hình xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhung Vừ A Kỷ, điều khiến ông cũng như cấp ủy, chính quyền tâm đắc, phấn khởi là những năm gần đây, hàng chục dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế được đầu tư triển khai, giúp cho cuộc sống của người dân ngày một nâng cao. 

Bên cạnh các loại cây truyền thống như ngô, đậu tương, giờ đây người Pú Nhung còn chịu khó tìm hiểu, trồng thêm nhiều loại cây mới như mía xương đen, cây dứa, cây sắn… Đặc biệt, với cây sắn chi phí đầu tư thấp, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch đơn giản, đầu ra khá ổn định lại được giá nên bà con tích cực đưa vào trồng với diện tích ngày càng lớn. Hộ trồng ít cũng 2.000 - 3.000m2, hộ trồng nhiều 1 - 2ha, có hộ trồng tới 5 - 6ha, năng suất đạt 85 - 90 tạ/ha. Sau thu hoạch, trừ chi phí, mỗi ha cũng cho lãi trên 35 triệu đồng/năm. 

Không chỉ đưa nhiều loại cây vào gieo trồng, người nông dân Pú Nhung còn biết áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng. Cứ như thế, mùa nối mùa, năm tiếp năm, người Pú Nhung đã tìm thấy hạnh phúc, ấm no ngay trên đồng đất quê hương mình.