Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sửa đổi Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu đáp ứng yêu cầu đổi mới

PV - 15:16, 16/02/2022

Sáng 16/02, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 575/NQ-UBTVQH12 ngày 31/01/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc.

Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp

Sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định của pháp luật, yêu cầu của thực tiễn

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, trải qua hơn 18 năm hoạt động, đến nay, Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Công tác đại biểu cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Dự thảo Nghị quyết gồm 6 điều, trong đó giữ nguyên 3 điều (Điều 3, Điều 4 và Điều 5); sửa đổi, bổ sung nội dung ở 2 điều (điều 1, 2), chỉnh lý 1 điều (Điều 6) về mặt kỹ thuật cho phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, về vị trí, chức năng của Ban Công tác đại biểu đã bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua, cụ thể: “Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu Quốc hội, tổ chức bộ máy và nhân sự, công tác Hội đồng nhân dân, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân công.”

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu, Trưởng Ban công tác đại biểu cho biết, nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, quyền hạn (Điều 2), tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ, cụ thể là: Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Đối với đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; Đối với chế độ, chính sách của đại biểu Quốc hội và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Đối với công tác tổ chức bộ máy và nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân; Bổ sung thêm 2 nhiệm vụ trong lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu về xây dựng pháp luật và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ mối liên hệ công tác với các cơ quan, tổ chức;…

Trưởng Ban công tác đại biểu nhấn mạnh, những nội dung sửa đổi, bổ sung được thể hiện chi tiết trong dự thảo Nghị quyết nhằm đồng bộ hóa các quy định của pháp luật liên quan đến nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu, được thể hiện chi tiết tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.

Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu để thay thế Nghị quyết số 575/UBTVQH12 ngày 31/01/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được trong tổ chức và hoạt động của Ban Công tác đại biểu trong thời gian qua thì việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 575/UBTVQH12 cần bảo đảm các nguyên tắc cơ bản như: Đánh giá, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, toàn diện về tổ chức và hoạt động của Ban Công tác đại biểu thời gian qua; Rà soát kỹ các quy định của Đảng và pháp luật có liên quan về những nội dung thuộc phạm vi phụ trách của Ban Công tác đại biểu;…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được Ban Công tác đại biểu chuẩn bị công phu, nghiêm túc theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong hồ sơ còn kèm theo Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Ban Công tác đại biểu. Tuy nhiên, đề nghị Ban Công tác đại biểu cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm, làm sâu sắc hơn các nội dung về phương hướng đổi mới, phát triển của Ban trong bối cảnh, tình hình mới.

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ quan điểm của Ủy ban Pháp luật đối với những vấn đề Ban Công tác đại biểu xin ý kiến như: Việc Ban Công tác đại biểu phối hợp với Ủy ban Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc cho ý kiến đối với việc bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở, nơi làm việc của đại biểu Quốc hội (điểm d khoản 2 Điều 2); Về việc phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong việc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (điểm d khoản 5 Điều 2); Về thời điểm ban hành dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu.

Về một số nội dung cụ thể trong dự thảo Nghị quyết, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung chức năng của Ban Công tác đại biểu về công tác Hội đồng nhân dân, công tác bầu cử thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm cụ thể hóa hơn chức năng của Ban Công tác đại biểu nhưng đề nghị bỏ cụm từ “thuộc thẩm quyền của Quốc hội” cho phù hợp với quy định tại Điều 100 của Luật Tổ chức Quốc hội. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, thuyết minh cụ thể hơn đối với một số nhiệm vụ nhằm bảo đảm phù hợp, thống nhất với các quy định hiện hành;…

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ các điều khoản trong dự thảo Nghị quyết với các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan để bảo đảm tính chính xác trong cách sử dụng từ ngữ và tính thống nhất trong cách thể hiện các quy định.

Xem xét thông qua Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu vào phiên họp tháng 3/2022

Gợi mở một số nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của Ban Công tác đại biểu; rà soát kỹ lưỡng chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu (lưu ý có bao gồm việc bảo vệ chính trị nội bộ hay không). Đồng thời, cần xác định cụ thể nội hàm vấn đề công tác hội đồng nhân dân, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội; phân biệt nhân sự của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khi mới vào kỳ đầu tiên với việc hoạt động thường xuyên hay theo như dự thảo của Ban Công tác đại biểu;...

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu để thay thế Nghị quyết số 575/UBTVQH12 ngày 31/01/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một số ý kiến cho rằng, trước những yêu cầu đổi mới về phương thức tổ chức, hoạt động, lề lối làm việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giai đoạn mới theo tinh thần Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng; khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khác trong việc triển khai cùng một nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Công tác đại biểu nói riêng và của Quốc hội nói chung, việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu trong thời điểm này là hoàn toàn phù hợp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc

Tán thành với nhiều nội dung thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Thúy Anh cho rằng, việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 575/UBTVQH12 phải đánh giá, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, toàn diện về tổ chức và hoạt động của Ban Công tác đại biểu thời gian qua, tiếp tục kế thừa những quy định còn phù hợp, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định có bất cập, chưa rõ, chưa phù hợp, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động của Ban trong tình hình mới. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu phải đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức, hoạt động của Ban trong tình hình mới, đặt trong tổng thể đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của Ban Công tác đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cơ bản đồng tình với nhiều nội dung tại dự thảo Nghị quyết. Bày tỏ băn khoăn về quy định tại điểm d, khoản 2, về việc Ban Công tác đại biểu tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc cho ý kiến đối với việc bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở, nơi làm việc của đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, vấn đề này liên quan đến Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì vậy cân nhắc xác định rõ vai trò của Ban Công tác đại biểu trong nội dung nhiệm vụ này và sửa đổi quy định tại Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vu quốc hội đảm bảo thống nhất trong triển khai.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết hồ sơ, tài liệu do Ban Công tác trình được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, Phó Chủ tịch Thường trực trực tiếp phụ trách Ban đã có nhiều buổi họp, có chỉ đạo rất cụ thể và có kết luận, bộ phận soạn thảo cũng triển khai biên tập rất chi tiết qua nhiều vòng.

Đánh giá cao dự thảo trình tại phiên Thường vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự thảo Nghị quyết cần thể hiện khái quát, cô đọng hơn các nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu; rà soát và sắp xếp thứ tự các nội dung cho phù hợp, đảm bảo logic của Nghị quyết khi ban hành.

Liên quan đến các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban Công tác đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần làm rõ hơn các nội dung đối với từng mảng công việc cụ thể. Trong đó, đối với nội dung bầu cử, xác định rõ đầu việc do Ban Công tác đại biểu thực hiện, công việc do cơ quan khác thực hiện, nội dung công việc tham mưu cho Thường vụ, tham mưu cho Hội đồng Bầu cử quốc gia,… Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần biên tập để làm rõ hơn, hạn chế tối đa sự trùng lặp sang cơ quan khác.

Đối với mảng việc liên quan đến Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao Ban Công tác đại biểu là chủ trì về tăng cường mối quan hệ giữa Thường vụ Quốc hội trong việc lãnh đạo, rồi hướng dẫn giám sát Hội đồng nhân dân, tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan Quốc hội với Hội đồng nhân dân. Vấn đề này, các cơ quan đều tham gia nhưng phải xác định rõ đầu mối. Do đó, cần làm rõ những việc Ban Công tác làm đầu mối, những việc Ban trực tiếp tham mưu,…Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất quy định Phó trưởng Ban Công tác đại biểu tương đương cấp Thứ trưởng.

Đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu. Đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần quy định rõ vị trí, chức năng của Ban Công tác đại biểu; quy định về 8 nhóm nhiệm vụ, đề nghị gộp 1 nhóm là nhóm thứ 5 và thứ 6;…

Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần xác định mối quan hệ giữa Ban Công tác đại biểu với các cơ quan khác để có căn cứ xác định rõ chức năng, nhiệm vụ. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, không nên giao cho Ban Công tác đại biểu nhiều nhiệm vụ liên quan đến nhân sự của Văn phòng Quốc hội mà Văn phòng Quốc hội phải chịu trách nhiệm. Chẳng hạn như cán bộ quy hoạch đến cấp đại biểu Quốc hội và các chức danh thuộc Thường vụ quản lý thì Văn phòng Quốc hội và Đảng ủy Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm làm việc với Ban Công tác đại biểu để chuẩn bị quy hoạch, còn quản lý những việc khác thì không nên giao, việc đó giao cho Văn phòng Quốc hội và Đảng ủy cơ quan.

Liên quan đến một số các điều, khoản cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị xem lại điểm 8 tại dự thảo (giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ mối liên hệ công tác với Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hữu quan theo chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu). Theo Phó Chủ tịch, phải quy định theo chức năng là làm gì, nhưng điều này bao trùm rộng quá. Do đó, đối với nội dụng này nên gom lại những vấn đề cụ thể liên quan trực tiếp đến Ban Công tác đại biểu, không để quy định bao trùm quá rộng như dự thảo.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là nội dung nằm trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị rất công phu, Ủy ban Pháp luật là cơ quan thẩm tra, nhiều cơ quan của Quốc hội cũng tham gia trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trên nền dự thảo trình và tiếp thu ý kiến tối đa của các đồng chí Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời tiến hành đối soát với Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đảm bảo được sự thống nhất, đồng bộ.

Về vị trí, chức năng của Ban Công tác đại biểu, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nghiên cứu để bổ sung thêm: Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập;…; Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cần rà soát lại và xác định nhiệm vụ nào do Ban Công tác đại biểu chủ trì, nhiệm vụ nào là phối hợp;…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị rà soát lại nhiều nội dung tại dự thảo như: Các nội dung liên quan đến quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo; Tổ chức của Ban Công tác đại biểu,…Đồng thời, về công tác cán bộ, đối với 1 số chức danh tương đương với Tổng Cục trưởng thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nên có ý kiến của Ban Công tác đại biểu. Tương tự như vậy, tất cả các cấp phó của các đơn vị, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cần phải có ý kiến của Ban Công tác đại biểu;...

Phát biểu kết thúc nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, về cơ bản các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 575/UBTVQH12. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận và đánh giá cao sự cầu thị tiếp thu của Ban Công tác đại biểu và sự chủ động phối hợp của Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Về vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu, đây là nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm cho ý kiến, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan tổ chức hữu quan tiếp tục rà soát, tiếp thu chỉnh lý theo nguyên tắc đúng vị trí, chức năng của Ban Công tác đại biểu tại Điều 1 của Nghị quyết.

Về phân định rõ nhiệm vụ do Ban Công tác đại biểu chủ trì, làm đầu mối tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện; những nhiệm vụ là phối hợp, tham gia; những nhiệm vụ mà Ban Công tác đại biểu chủ động thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức liên quan.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu rõ, tiếp tục rà soát thật kỹ các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu để bảo đảm phù hợp, thống nhất với các quy định hiện hành; không trùng lấn với thẩm quyền của các cơ quan khác.

Về cách thức thể hiện, dự thảo Nghị quyết cần thể hiện khái quát, cô đọng hơn các nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu, săp xếp thứ tự đảm bảo logic của Nghị quyết. Các nội dung về trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện nhiệm vụ này sẽ được cụ thể trong Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, hướng dẫn về các nội dung cụ thể.

Tán thành với nội dung chỉnh lý về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của Ban Công tác đại biểu và nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban, Phó trưởng ban. Tuy nhiên, đối với một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, đề nghị Ban Công tác đại biểu chủ động làm việc với Ban Tổ chức Trung ương để xin ý kiến, nếu được chấp thuận sẽ bổ sung vào Nghị quyết này trong thời gian tới.

Về sự phối hợp giữa Ban Công tác đại biểu là đầu mối thẩm tra với các cơ quan của Quốc hội trong việc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên, phê chuẩn các chức danh và cho thôi làm thành viên của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là nội dung quan trọng, bảo đảm quyền của đại biểu Quốc hội trong việc tham gia làm thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; quyền đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội; bảo đảm vai trò của Ban Công tác đại biểu trong việc tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân đối, điều hòa về số lượng, thành phần thành viên của từng cơ quan.

Về vai trò của Ban Công tác đại biểu trong việc tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với việc bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở, nơi làm việc của đại biểu Quốc hội (điểm d khoản 2 Điều 2): Để bảo đảm phù hợp với thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu. Theo đó, Ban Công tác đại biểu là đầu mối, phối hợp với Thường trực Ủy ban Tư pháp có ý kiến đối với các nội dung có liên quan đến quy trình, thủ tục tố tụng, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Đề nghị Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội và Thường trực Ủy ban Tư pháp lưu ý vấn đề này khi đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan trong Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về thời điểm ban hành Nghị quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu cần bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, đề nghị Ban Công tác đại biểu phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, xác định rõ phạm vi, nguyên tắc, các nội dung cần thể hiện trong từng văn bản để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh trùng lặp hoặc mâu thuẫn. Văn bản nào có sự chuẩn bị tốt, bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện thì trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua trước, không nhất thiết phải chờ đợi thông qua trong cùng một thời điểm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với Ban Công tác đại biểu tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại phiên họp tháng 3 đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện./.