Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sử dụng thuốc lá gây ra trên 80 nghìn ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam

Hương Trà - 17:41, 04/11/2024

Chiều 4/11 tại Hà Nội, Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) phối hợp Liên minh Kiểm soát Thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát thuốc lá của các nước trong khu vực ASEAN.

Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát thuốc lá của các nước trong khu vực ASEAN

Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, đến nay đã có hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tại ASEAN, các nước Brunei, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan đã ban hành lệnh cấm thuốc lá mới, trong khi Indonesia, Malaysia và Philippines - những quốc gia đã cho phép bán và quảng cáo các sản phẩm này - đang gặp nhiều khó khăn trong việc ứng phó với tình trạng hút thuốc điện tử ở giới trẻ.

Trái ngược với tuyên bố của ngành công nghiệp thuốc lá, thuốc lá mới không an toàn. Chúng chứa nicotine cùng các chất độc hại và gây ung thư khác. Các trường hợp tổn thương phổi liên quan đến việc sử dụng sản phẩm thuốc lá điện tử (EVALI) đang gia tăng trên toàn cầu.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng không phải là phương pháp hỗ trợ cai thuốc lá hiệu quả. Những người hút thuốc cố gắng cai thuốc bằng cách sử dụng thuốc lá mới thường kết thúc bằng việc sử dụng cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Ngoài ra, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có khả năng bắt đầu hút thuốc lá thông thường cao gấp ba lần.

Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo, bằng cách điều chỉnh các chiến lược kiểm soát thuốc lá của mình phù hợp với Công ước Khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá, thực hiện chính sách cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và áp dụng thuế thuốc lá mạnh hơn, Việt Nam có thể giảm đáng kể số lượng người trẻ nghiện nicotine. Những biện pháp này rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe và lợi ích của các thế hệ tương lai.

Ngoài việc áp dụng thuế thuốc lá và cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Việt Nam cũng cần bảo vệ bộ máy và các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá.

TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đã giảm xuống dưới 10.000 ca/năm nhưng tỷ lệ tử vong do thuốc lá tăng gấp nhiều lần. Ước tính, sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong và hút thuốc thụ động gây ra 18.800 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Một nghiên cứu của Bệnh viện K cho thấy tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên đến 96,8%.

GS. TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, Việt Nam là một trong số các quốc gia thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua việc ký kết tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 11/11/ 2004 và thông qua Luật Phòng, chống tác hại (PCTH) vào ngày 18/6/2012.

Tuy nhiên, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, đặc biệt là nam giới trong khi đó các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện (Thuốc lá điện tử, Thuốc lá nung nóng, Thuốc lá hút Shisha) đang làm gia tăng trong tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này ở đối tượng thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ.

GS. TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo
GS. TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo

Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023. Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ đối với sản phẩm thuốc lá của Việt Nam chỉ chiếm 38,8%, thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là 70-75% giá bán lẻ. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá rất dễ dàng, thuốc lá được bán ở khắp mọi nơi làm cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam càng gặp khó khăn.

Theo GS. TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, để triển khai các giải pháp kiểm soát thuốc lá đạt hiệu quả, bên cạnh vai trò của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong nước thì sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng. 

Đặc biệt, trước những thách thức hiện nay trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và những ưu tiên về hoàn thiện các chính sách, tăng cường các giải pháp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại ASEAN nói chung và tại Việt Nam nói riêng, sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trong khu vực là vô cùng cần thiết.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.