Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Soọng cô - một thứ "men" của đồng bào Sán Dìu: Niềm tự hào của cộng đồng (Bài 1)

Văn Hoa - 09:32, 21/07/2022

Soọng cô là làn điệu dân ca đặc sắc, là niềm tự hào của cộng đồng dân tộc Sán Dìu, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hát soọng cô không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hoàn cảnh, cũng như môi trường diễn xướng, có thể hát một đêm hay nhiều đêm, hát trong nhà, bên bờ suối, khi đi làm nương, trong khi ru con và đi làng khác để hát giao lưu vào những lúc nông nhàn... Soọng cô được ví như một thứ “men say” khiến người Sán Dìu mê đắm, họ coi đó là báu vật, cố gắng gìn gữ cho thế hệ mai sau.

Người Sán Dìu thích hát, hay hát, họ hát mọi lúc, mọi nơi, hát trong các dịp lễ tết, lễ cưới, hát trong lao động sản xuất… Cũng từ câu hát, họ mến nhau, hiểu nhau, yêu nhau mà kết nên duyên vợ chồng. Do đó, người Sán Dìu rất tự hào và yêu quý tiếng hát Soọng cô.

Từ câu hát Soọng cô, họ hiểu nhau, mến nhau và nên duyên vợ chồng
Từ câu hát Soọng cô, họ hiểu nhau, mến nhau và nên duyên vợ chồng

Hát để gần nhau, hát để yêu nhau

Từ thủa nhỏ, những câu hát ru của mẹ đã đưa tôi vào giấc ngủ êm đềm. Những lúc nông nhàn, những ngày lễ tết, lễ cưới, hay cả khi gói bánh chưng… mẹ và mọi người đều hát. Lớn lên tôi mới biết, đó là hát Soọng cô.

Mẹ kể, trước kia nhà bà ngoại thường tập trung đám thanh niên làng khác đến hát, hát thâu đêm, suốt sáng, cũng nhờ đó mà mẹ học và biết được nhiều bài hát. Mẹ cười tươi, nhớ năm ấy, khi bố con cùng đám thanh niên làng vào nhà ngoại hát, từ câu hát mà bố mẹ tìm đến nhau và nên duyên vợ chồng. Mối tình của bố mẹ là thế. Do đó, mẹ yêu và tự hào về tiếng hát Soọng cô lắm.

Ngược về xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) dưới chân núi Tam Đảo, nơi tập trung đông người Sán Dìu sinh sống. Gặp Nghệ nhân ưu tú Lục Văn Bảy để nghe ông kể chuyện xưa. Ông Bảy nguyên là lãnh đạo xã nghỉ hưu, có nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm, truyền dạy các bài hát Soọng cô cho thế hệ trẻ. 

Khi được hỏi về điệu hát của dân tộc, ông Bảy say sưa kể: Lúc chỉ mới 16 - 17 tuổi, trong những lần đi xéo lúa (lúa thu hoạch về dải ra sân cho trâu bò xéo tách hạt thóc với rơm), ông đã nghe các anh hát Soọng cô và học theo, dần dần học được nhiều bài hát. Theo ông, mặc dù mình không thuộc, nhưng trong nhóm chỉ cần 1 người biết hát, biết đối đáp hát trước, mình hát theo sau, nhiều cuộc như thế là thuộc. Học hát mãi cũng mê, ông đã có nhiều cuộc cùng các anh đi các làng khác, thậm chí sang tận Bắc Thái (Thái Nguyên) để hát.

Vừa kể vừa nhìn sang người vợ ngồi bên cạnh, ông Bảy cười mỉm, trong một lần sang làng bên để hát, ông đã gặp một người con gái hát rất hay và đối đáp giỏi hơn mình (ông giải thích vì ông làm cán bộ Đoàn, tập trung hát các bài hát về Đoàn, Đảng nên không thuộc nhiều). Trong nhiều cuộc hát về sau, cả hai đã mến nhau vì câu hát, dần dần tìm hiểu và đến với nhau.

Vì thế mà, ông trân quý, tự hào và mê hát Soọng cô lắm, ông coi nó là một báu vật, là tài sản mà cha ông đã để lại nên cố gắng gìn giữ và trao truyền cho thế hệ sau. Năm 2004, ông đã tập hợp những người tâm huyết với văn hóa Sán Dìu làm những thước phim tư liệu về văn hóa dân tộc, như: “Hát giao duyên Soọng cô Sán Dìu”, “Khát vọng”… Đến năm 2008, ông thành lập câu lạc bộ (CLB) Soọng cô xã Ninh Lai, với 35 hội viên, là CLB đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay, CLB đã chia ra làm 3 cụm (Ninh Lai, Hoàng Lai, Hội Kế) với khoảng 130 hội viên.

Có thể nói, với thế hệ những người Sán Dìu như ông Lục Văn Bảy, như bố mẹ tôi, câu hát Soọng cô là một món ăn tinh thần rất giản dị, gần gũi, tự nhiên, nhưng là một thứ “men say” không thể thiếu được.

Soọng cô là một món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống của người Sán Dìu (Trong ảnh, CLB Soọng cô thôn Mỹ Khê (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) tổ chức hát giao lưu nhân dịp 5 năm thành lập)
Soọng cô là một món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống của người Sán Dìu (Trong ảnh, CLB Soọng cô thôn Mỹ Khê (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) tổ chức hát giao lưu nhân dịp 5 năm thành lập)

Niềm tự hào của cộng đồng

Được lưu giữ hàng trăm năm trong kho tàng văn hóa, Soọng cô là một tài sản vô giá đối với người Sán Dìu. Đặc biệt, năm 2015, hát Soọng cô của người Sán Dìu ở xã Sơn Nam, Thiện Kế, Ninh Lai (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Soọng cô của người Sán Dìu của huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) và đến năm 2019, Soọng Cô của người Sán Dìu ở các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một dấu mốc rất quan trọng trong việc công nhận giá trị của di sản Soọng cô và tiếp thêm niềm tự hào để người Sán Dìu nỗ lực gìn giữ tài sản quý báu mà cha ông họ để lại.

Một buổi hát giao lưu Soọng cô tại Vĩnh Phúc (Ảnh: Thái Sinh Trần)
Một buổi hát giao lưu Soọng cô tại Vĩnh Phúc (Ảnh: Thái Sinh Trần)

Kể từ những năm 2008 và đặc biệt từ khi Soọng cô được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng bào Sán Dìu đã lần lượt thành lập các CLB Soọng cô. Họ tổ chức các cuộc giao lưu, chia sẻ giữa các CLB với nhau, giữa tỉnh này với tỉnh khác.

Là thành viên Ban tổ chức Chương trình giao lưu Cộng đồng dân tộc Sán Dìu mỗi năm một lần (từ năm 2017 đến năm 2022) tôi thực sự ấn tượng và mến phục tình yêu Soọng cô của các nghệ nhân, các ông, các bà người Sán Dìu ở khắp các tỉnh.

Còn nhớ chương trình giao lưu năm 2017 tại thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ban Tổ chức dự kiến 150 đại biểu tham gia, tuy nhiên số lượng vượt dự kiến, có tới hơn 500 đại biểu, nhiều người đã hơn 80 tuổi, vượt hàng trăm cây số để đến giao lưu. Trong buổi hội diễn hát Soọng cô, đoàn nghệ nhân các tỉnh đăng kí quá nhiều, Ban Tổ chức đã phải kéo dài thời gian hơn dự kiến.

Sau hội diễn, mặc dù đã nửa đêm nhưng đoàn nghệ nhân các tỉnh vẫn giao lưu hát Soọng cô thâu đêm suốt sáng. Khi kết thúc chương trình giao lưu, họ bịn rịn hát chia tay và mong chờ buổi giao lưu vào năm tới.

Soọng cô là một thứ “men say” mang lại niềm vui và hăng say trong lao động sản xuất
Soọng cô là một thứ “men say” mang lại niềm vui và hăng say trong lao động sản xuất

Có thể khẳng định, Soọng cô là một thứ “men say” mang lại niềm vui và hăng say trong lao động sản xuất, tạo nên tình cảm gắn bó với quê hương, làng xóm và đồng bào người Sán Dìu. Dẫu vậy, vì nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, đã có những lúc Soọng cô bị lãng quên, nguy cơ bị mai một, thất truyền.

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 góp phần giữ vững, nâng chất tiêu chí NTM ở vùng biên giới biển tỉnh Sóc Trăng

Chương trình MTQG 1719 góp phần giữ vững, nâng chất tiêu chí NTM ở vùng biên giới biển tỉnh Sóc Trăng

Thị xã Vĩnh Châu nằm ở khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống (chiếm hơn 70% dân số), trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 53%. Những năm qua, triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), diện mạo vùng nông thôn của thị xã đã đổi thay đáng kể, cuộc sống của đồng bào đã ấm no và đang ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ lồng ghép từ Chương trình góp phần giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới.