Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sơn La: Làm thay đổi nếp nghĩ để không ai bị bỏ lại phía sau

V. Hoa - 15:38, 21/12/2022

Là tỉnh có địa bàn đặc biệt khó khăn lớn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên Sơn La là một trong những địa phương có nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Để các chương trình, dự án phát huy hiệu quả tối đa, một trong những giải pháp được tỉnh quan tâm thực hiện là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nếp nghĩ của cán bộ và Nhân dân.

Cây sơn tra giúp đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu
Cây sơn tra giúp đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu

Đổi thay nhờ “5 có – 5 không”

Dân số toàn tỉnh hiện có khoảng 1,267 triệu người, gồm 12 dân tộc anh em cùng sinh sống; 83,51% dân số là đồng bào DTTS, trong đó 15,79% là đồng bào dân tộc Mông. Đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La chủ yếu cư trú tập trung ở vùng sâu, vùng cao, biên giới thuộc các xã đặc biệt khó khăn, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân tán. Trước đây, trong vùng đồng bào Mông của tỉnh tồn tại nhiều hủ tục, tình trạng du canh du cư, vượt biên trái phép diễn biến phức tạp… Vì vậy, dù có rất nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ nhưng đời sống của bà con vẫn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Từ năm 2007, tỉnh Sơn La đã cụ thể hóa Thông báo Kết luận số 64-TB/TW ngày 9/3/2007 của Ban Bí thư khóa X về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư khóa VII “Về một số công tác vùng đồng bào dân tộc Mông”, bằng việc triển khai thực hiện bản cam kết nội dung “5 có - 5 không”. Bản cam kết có nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, giúp đồng bào hiểu, tin tưởng, từ đó áp dụng với thực tế cuộc sống.

Bản cam kết “5 có - 5 không” gồm những nội dung thiết thực, gắn với cuộc sống hằng ngày của đồng bào Mông như: Đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; có tinh thần đoàn kết giữa các dòng họ, các dân tộc và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc; có ý thức xây dựng bản làng phát triển toàn diện, ấm no hạnh phúc; có nhiều người hiếu học, biết chữ.

Từ đó đến nay, các sở ngành, địa phương trong tỉnh đã quán triệt nội dung bản cam kết, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành chương trình, hành động phù hợp với điều kiện thực tiễn. Bằng việc phát huy vai trò của đội ngũ Bí thư Chi bộ, trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ, Người có uy tín trong đồng bào DTTS, những nội dung “5 có – 5 không” được tuyên tuyền, phổ biến tới từng bản để bà con thực hiện.

Phát huy vai trò của hộ gia đình đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững tiếp tục là một trong những giải pháp để Sơn La thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án. (Ảnh minh họa)
Phát huy vai trò của hộ gia đình đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững tiếp tục là một trong những giải pháp để Sơn La thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án. (Ảnh minh họa)

Sự tích cực hưởng ứng thực hiện cam kết “5 có – 5 không” của đồng bào đã phát huy hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, góp phần làm cho diện mạo vùng cao biên giới, vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bản tỉnh Sơn La khởi sắc rõ nét. Đời sống Nhân dân vùng đồng bào dân tộc Mông của tỉnh, đã được nâng lên một bước, tập quán sản xuất của đồng bào đã có chuyển biến tích cực; các dòng họ tăng cường đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Đơn cử như ở bản Cáo A, xã Làng Chếu (huyện Bắc Yên), trước kia đồng bào Mông chỉ biết phát cỏ trồng lúa, ngô, sắn, năm nào được mùa thì tạm đủ ăn, năm nào mất mùa là đói, nên cái nghèo cứ bám lấy các hộ gia đình. Được cán bộ huyện, xã về tuyền truyền, vận động, người dân biết chuyển đổi cây trồng và ươm giống để trồng sơn tra. Hiện nhiều gia đình đồng bào Mông ở bản Cáo A đã vươn lên làm giàu. Tiêu biểu như gia đình anh Sồng A Mang, với 6 ha sơn tra và trồng, chế biến dong riềng, trung bình mỗi năm thu nhập trên 1,5 tỷ đồng.

Phát huy vai trò hộ gia đình

Nhờ thực hiện hiệu quả bản cam kết “5 có - 5 không” mà từ năm 2007 đến nay, ở các địa bàn có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm đã giảm từ 4 - 5%. Nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, đã được đồng bào Mông ở Sơn La nhân rộng như: Mô hình chuyển đổi từ cây lúa nương sang trồng cây cà phê ở bản Hua Lỷ, xã Chiềng Khoang (huyện Quỳnh Nhai); mô hình trồng cây sơn tra của bản Nặm Lộng, xã Hang Chú (huyện Bắc Yên) cho thu nhập từ 80 triệu đến 100 triệu đồng/năm, mô hình trồng rừng phòng hộ ở bản Noong Vai, xã Co Mạ (huyện Thuận Châu) đang mang lại thu nhập cho đồng bào cải thiện cuộc sống...

Hay như bản Tà Số 2,  xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu,có 142 nhân khẩu là đồng bào, nhờ chương trình chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, sự động viên, khuyến khích của các cấp chính quyền, cán bộ địa phương, bà con nơi đây đã  chịu khó học, khai thác tiềm năng lợi thế bản sắc văn hóa dân tộc xây dựng thành công mô hình homestay  giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Mời độc giả đón xem video tại đây...


Sự phát triển vượt bậc của vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn, là kết quả đầy nỗ lực của tỉnh Sơn La trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đóng góp vào thành tựu phát triển chung của tỉnh.Theo Báo cáo số 221/BC-BDT ngày 7/9/2022 của Ban Dân tộc tỉnh, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tăng từ 15,472 triệu đồng/người/năm vào năm 2016 lên 22,008 triệu đồng/người/năm vào năm 2021. Số hộ nghèo toàn tỉnh năm 2021 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 (Nghị định số 07/2021/NĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Chính phủ) là 63.509 hộ, chiếm tỷ lệ 21,66% tăng 10.122 hộ so với năm 2020, tương ứng 3,28%.

Đặc biệt, cùng với thực hiện bản cam kết “5 có – 5 không”, tỉnh Sơn La đã chú trọng triển khai có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2021” theo Quyết định 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt người dân tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiều năm qua.

Ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ban thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống và kết quả thực hiện các chương trình, chính sách tại vùng đồng bào DTTS. Từ đó, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương tháo gỡ những khó khăn, giải quyết những vướng mắc trên địa bàn.

Diện mạo nông thôn mới ở Sơn La
Diện mạo nông thôn mới ở những bản làng vùng sâu, vùng xa ở Sơn La đang có nhiều thay đổi

Theo ông Toán, để các chính sách phát huy hiệu quả trong thực tiễn, thì việc chủ động, tích cực tham gia của từng cá nhân, từng hộ DTTS có vai trò rất quan trọng. Bởi vậy, thời gian qua, để tăng hiệu quả tuyên truyền, vận động, tỉnh đã triển khai chuyên đề “Phát huy vai trò của hộ gia đình đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững”.

Người dân nhận thức được vai trò của mình nên việc thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian tới, Ban Dan tộc tiếp tục đẩy mạnh công tác công tác tuyên truyền, vận động các hộ nâng cao hiệu quả kinh doanh của kinh tế hộ gia đình theo hướng bền vững.

Việc phát huy vai trò của hộ gia đình đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững, tiếp tục là một trong những giải pháp để Sơn La thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án trong giai đoạn 2021 – 2025, nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

 Giai đoạn này, tỉnh Sơn La có 126 xã khu vực III (chiếm 8,17% xã vùng III trong cả nước) và 1.449 bản đặc biệt khó khăn (chiếm 11% số thôn đặc biệt khó khăn của cả nước). Phạm vi, đối tượng thuộc Chương trình MTQG rất lớn, để thực hiện hiệu quả chương trình thì, bên cạnh nỗ lực của cả hệ thống chính trị cần sự tích cực, chủ động tham gia của người dân.

Tỉnh Sơn La hiện còn 2 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo còn trên 37%; một số xã, bản có tỷ lệ hộ nghèo trên 70%. Cùng với đó, tình hành an ninh trật tự vẫn còn diễn biến phức tạp; vẫn còn một bộ phận đồng bào dân tộc Mông cư trú ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Phù Yên, khu vực biên giới của huyện Sông Mã, Sốp Cộp tiếp tục di cư và có ý định di cư… Để giải quyết những vấn đề này, một trong những giải pháp của tỉnh là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới; xác định công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc.