Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sóc Trăng: Nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường dân tộc nội trú

Phương Nghi - 04:59, 23/07/2024

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống. Những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực giáo dục ở vùng DTTS. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT). Nhờ vậy, công tác giáo dục ở vùng DTTS có những chuyển biến tích cực, chất lượng dạy và học được nâng lên.

Thầy và trò Trường DTNT Huỳnh Cương, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh tư liệu
Thầy và trò Trường DTNT Huỳnh Cương, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh tư liệu

Sóc Trăng hiện có 10 trường PTDTNT, năm học 2023 - 2024 có 102 lớp học và trên 3.300 học sinh vùng DTTS theo học. Với hệ thống các trường PTDTNT ngày càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh người DTTS có điều kiện được học tập, tạo nguồn đào tạo cán bộ phục vụ cho địa phương.

Thầy Đồ Văn Nôl, Hiệu trưởng Trường THCS DTNT huyện Châu Thành cho biết: Với sự quan tâm từ các cấp chính quyền, Trường THCS DTNT Châu Thành đạt chuẩn quốc gia vào năm 2016 và tái đạt chuẩn quốc gia vào năm 2021. Hằng năm, trường luôn được đầu tư sửa chữa, bổ sung trang thiết bị dạy và học, tạo các sân chơi phục vụ cho hoạt động ngoài giờ lên lớp của các em. Mới đây nhất trường được đầu tư xây dựng hồ bơi, trang bị bộ nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer cho các em học và tham gia biểu diễn… Riêng trong năm học 2023 - 2024, trường được cải tạo, sửa chữa khu nội trú, phòng máy vi tính và một số hạng mục khác với kinh phí gần 8 tỷ đồng. Từ sự quan tâm của địa phương, những nỗ lực của giáo viên, chất lượng học tập của các em được nâng lên rõ rệt. Trong năm học vừa qua, hơn 70% học sinh của trường đạt học lực khá, giỏi, 100% học sinh được lên lớp.

Trong những năm qua, Sóc Trăng có gần 150 trường học dạy tiếng Khmer với khoảng 42.000 học sinh, 5 trường dạy tiếng Hoa (trên 1.600 học sinh). Với sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của tỉnh, về cơ bản, hệ thống trường lớp ở Sóc Trăng đã bảo đảm kiên cố, không còn trường học, lớp học tạm”.

Ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng

“Hằng năm, trường luôn có những hoạt động giáo dục văn hoá dân tộc nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về vốn văn hoá truyền thống của các DTTS, giới thiệu về các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, trò chơi dân gian, dân ca...”, thầy Nôl chia sẻ.

Còn Trường PTDTNT THCS huyện Kế Sách hiện có 8 lớp với tổng số 270 học sinh, trong đó có 260 học sinh DTTS. Năm học 2023 - 2024, nhà trường được đầu tư 3 nhà công vụ, 2 phòng học, 1 nhà ăn và cải tạo sân, đường, hệ thống thoát nước, tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng. Nguồn hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).

Thầy Ngô Vân, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS huyện Kế Sách cho biết: “Những năm học vừa qua, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, việc dạy và học, sinh hoạt của học sinh DTTS nơi đây còn khó khăn, chất lượng giáo dục hạn chế. Năm học 2023 - 2024, được sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khang trang, thầy cô và các em học sinh rất phấn khởi. Việc thực hiện công tác giáo dục dân tộc đặc thù được đảm bảo”.

Học sinh các trường THPT DTNT nghỉ ngơi, học tập tại ký túc xá của nhà trường. Ảnh tư liệu
Học sinh các trường THPT DTNT nghỉ ngơi, học tập tại ký túc xá của nhà trường. Ảnh tư liệu

Sau hơn 3 năm thực hiện Dự án 5 về phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Chương trình MTQG 1719, với nguồn vốn được bố trí gần 194 tỷ đồng, góp phần bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy cho một số trường DTNT trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Hệ thống trường lớp bảo đảm kiên cố, không còn trường học, lớp học tạm, chất lượng giáo dục trong từng cấp học từng bước được nâng lên. Đến nay, 7 trường PTDTNT tại các huyện Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Xuyên, Long Phú và Thạnh Trị được đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy tốt, học tốt, với vốn đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 122 tỷ đồng.

Ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong những năm qua, Sóc Trăng có gần 150 trường học dạy tiếng Khmer với khoảng 42.000 học sinh, 5 trường dạy tiếng Hoa (trên 1.600 học sinh). Với sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của tỉnh, về cơ bản, hệ thống trường lớp ở Sóc Trăng đã bảo đảm kiên cố, không còn trường học, lớp học tạm. Chất lượng giáo dục trong các trường PTDTNT ngày càng nâng lên; tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS, THPT đạt từ 99 - 100%, trong đó, có từ 70 - 80% học sinh vào các trường đại học, cao đẳng; từ 10 - 15% học sinh vào học tại Trường dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh. Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành trong tỉnh vì sự nghiệp “trồng người”…

“Tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng DTTS, vùng nông thôn nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng trong tỉnh. Tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học tại các trường PTDTNT, các cơ sở giáo dục vùng DTTS. Định hướng đến năm 2025, toàn tỉnh có 100% trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia”, ông Hồng nói.