Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng nhanh ở nhiều nước châu Á

PV - 10:10, 20/05/2021

Châu Á trở thành khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (47.900.116 ca). Với 46.304.215 ca mắc, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 39.324.030 ca và Nam Mỹ với 27.164.981 ca. Châu Phi (4.757.201 ca) và châu Đại Dương (66.599 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Người dân Thái Lan đi tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh: Bangkok Post)
Người dân Thái Lan đi tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh: Bangkok Post)

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 20/5 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 165.517.863 ca, trong đó 3.430.586 ca tử vong và 145.781.003 ca đã được chữa khỏi.

Trong ngày hôm qua, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 - ghi nhận số ca nhiễm mới là 25.110 ca, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 33.797.270 ca, trong đó 601.896 ca tử vong.

Chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch là Ấn Độ. Trong ngày 19/5, Ấn Độ thông báo có thêm 276.261 ca nhiễm mới, 3.880 ca tử vong vì bệnh COVID-19. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới ở nước này giảm xuống ở dưới ngưỡng 300.000 ca. Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 vẫn còn ở mức cao, Ấn Độ tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh và oxy y tế để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Brazil trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 15.812.055 ca và số ca tử vong là 441.691. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 76.570 ca nhiễm mới, 2.312 ca tử vong.

Châu Á trở thành khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (47.900.116 ca). Với 46.304.215 ca mắc, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 39.324.030 ca và Nam Mỹ với 27.164.981 ca. Châu Phi (4.757.201 ca) và châu Đại Dương (66.599 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Tại Bắc Mỹ, Mexico là quốc gia có số ca mắc COVID-19 đứng thứ hai (sau Mỹ - quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca mắc và tử vong). Trong 24 giờ qua, nước này xác nhận thêm 2.767 ca mắc COVID-19 và 257 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 22.385.512 ca, trong đó 220.746 ca tử vong.

Tại Nam Mỹ, sau Brazil, Argentina là nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai bởi đại dịch với 3.411.160 ca nhiễm, trong đó 72.265 ca đã tử vong.

Tại châu Phi, chiến dịch tiêm phòng COVID-19 ở châu Phi đang bị chậm trễ và tụt hậu khá xa so với các khu vực khác do thiếu hụt nguồn cung vaccine và tài chính. Mục tiêu của lục địa này là tiêm chủng cho 30-35% dân số vào cuối năm nay và 60% dân số trong 2-3 năm tới. Nam Phi là nước ghi nhận số ca mắc cao nhất với 1.621.362 ca, trong đó 55.507 ca tử vong.

Châu Đại Dương là khu vực bị ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch. Trong đó, Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 29.992 ca, trong nhiều ngày qua, nước này không ghi nhận thêm trường hợp tử vong mới, vẫn dừng ở mức 910 ca, số ca nhiễm mới theo ngày cũng rất ít.

Tại châu Âu, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/5 đã nhất trí sẽ mở cửa trở lại biên giới của khối đối với cho những người đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19. Cùng ngày, người dân Pháp không thể giấu được sự vui mừng khi được lại được thực hiện những thói quen cũ như nhâm nhi tách cà phê ngoài hàng quán, chuẩn bị được đi xem phim ở rạp hay tham quan viện bảo tàng. Sau hơn 6 tháng áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, nước Pháp đã nới lỏng các hạn chế, theo đó các quán cà phê và nhà hàng có khoảng sân hoặc vườn trên sân thượng có thể phục vụ khách ăn, uống ngoài trời, trong khi các bảo tàng, rạp chiếu phim và rạp hát cũng sẽ mở cửa trở lại. Đây là một phần trong giai đoạn 2 của kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa. Sau đó, các nhà hàng sẽ được phép phục vụ trong nhà từ ngày 9/6 và nền kinh tế Pháp mở cửa trở lại hoàn toàn vào ngày 30/6 tới.

Tại châu Á, Thái Lan tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới và số người tử vong do COVID-19 ở mức cao, với 3.394 ca nhiễm mới, trong đó có 1.498 ca được phát hiện trong các nhà tù, và 29 ca tử vong. Như vậy, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 116.949 ca mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát đầu năm ngoái, trong đó có 678 người không qua khỏi. Chỉ riêng trong làn sóng COVID-19 thứ ba từ đầu tháng 4 vừa qua, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 88.086 ca mắc. Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) ngày 19/5 đã mở bệnh viện dã chiến thứ 6 tại chùa Wat Sri Sudaram với 200 giường cho các trường hợp mắc COVID-19 không triệu chứng và những người có triệu chứng nhẹ. Trước đó, chiều 18/5, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã khuyến cáo người dân tại 16 quận của thủ đô Bangkok thận trọng trong bối cảnh vẫn chưa kiểm soát được 21 ổ dịch tại các quận này. Tính đến ngày 18/5, Bangkok có 29 ổ dịch tại 19 quận.

Bộ Y tế Campuchia ngày 19/5 ra thông báo thêm 393 ca mắc COVID-19 ở nuớc này, gồm 392 ca lây nhiễm cộng đồng và một ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc tại Campuchia từ đầu mùa dịch đến nay vượt ngưỡng 23.000 người. Như vậy, đến nay Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 23.282 ca mắc COVID-19, trong đó 22.646 ca liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2” và 159 ca tử vong.

Lào thông báo ghi nhận 50 ca mắc mới, trong đó có 39 ca lây nhiễm cộng đồng và 11 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Huyện Ton Pheung, thuộc tỉnh Bokeo, Bắc Lào có số ca nhiễm cao nhất với 21 ca, tiếp đến là thủ đô Viêng Chăn với 16 ca. Đáng chú ý, trong ngày 18/5, huyện Ton Pheung lấy mẫu xét nghiệm 25 trường hợp thì có tới 21 ca dương tính với COVID-19, điều này cho thấy mức độ lây lan cao tại khu vực này, tập trung chủ yếu tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng do Trung Quốc đầu tư. Kể từ khi xuất hiện làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 tại Lào, đặc khu kinh tế Tam giác Vàng đã ghi nhận gần 500 trăm ca lây nhiễm trong cộng đồng - chỉ sau thủ đô Viêng Chăn - trong đó có nhiều người nước ngoài. Đến nay Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.737 ca mắc COVID-19, trong đó có trên 1.600 ca được phát hiện từ cuối tháng 4 đến nay và chỉ ghi nhận 2 trường hợp tử vong.

Malaysia ngày 19/5 thông báo ghi nhận 6.075 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 485.469, trong đó 1.994 ca tử vong. Hệ thống y tế nước này đang hoạt động tối đa công suất và có nhiều ý kiến trong giới y tế kêu gọi phong tỏa toàn diện để khống chế dịch bệnh. Hiện nay Malaysia đang thực hiện Lệnh hạn chế dịch chuyển lần thứ 3 kể từ khi đại dịch bùng phát. Đợt hạn chế này bắt đầu từ ngày 12/5 và dự kiến kéo dài tới ngày 7/6. Tuy nhiên, đợt hạn chế này nới lỏng hơn nhiều so với 2 đợt trước, theo đó hầu hết các lĩnh vực kinh tế được tiếp tục hoạt động trên cơ sở tuân thủ các quy định phòng dịch.

Tại các khu vực khác của châu Á, ngày 19/5, nhà chức trách Đài Loan (Trung Quốc) đã nâng mức cảnh báo về đại dịch COVID-19 trong bối cảnh vùng lãnh thổ này ghi nhận thêm 267 ca nhiễm mới. Như vậy, chỉ trong vòng 5 ngày, số bệnh nhân COVID-19 tại Đài Loan đã tăng thêm hơn 1.200 người. Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, chính quyền Đài Loan đã áp đặt mức cảnh báo cấp độ 3 đối với toàn bộ hòn đảo này. Theo đó, các địa điểm giải trí, thư viện, trung tâm thể dục thể thao và các cơ sở sinh hoạt cộng đồng phải đóng cửa, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, trong khi các cuộc tụ họp giới hạn số người tham gia ở mức không quá 5 người trong không gian kín và không quá 10 người khi ở ngoài trời. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở Đài Loan là 2.533 ca.

Hàn Quốc ghi nhận thêm 654 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 19/5, trong đó có 637 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 133.471 người. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 8 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 1.912 ca. Giới chức y tế Hàn Quốc vẫn đang cảnh giác trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới khi các ổ dịch mới liên tục được phát hiện và số ca nhiễm biến thể mới của virus ngày một tăng./.