Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sinh kế của người dân Tương Dương được đảm bảo tốt hơn

An Yên - 4 giờ trước

Những mô hình, dự án sinh kế hỗ trợ cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN huyện Tương Dương đang phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân nơi đây. Sinh kế được đảm bảo tốt, cũng chính là giải pháp hữu hiệu để ổn định chính trị, xã hội ở vùng đất giáp biên này.

Mô hình trồng mét, tạo sinh kế bền vững với 687 hộ, hơn 1.800 người dân ở 12 thôn, bản trên địa bàn huyện Tương Dương tham gia
Mô hình trồng mét, tạo sinh kế bền vững với 687 hộ, hơn 1.800 người dân ở 12 thôn, bản trên địa bàn huyện Tương Dương tham gia

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế vùng đất, thông qua Quỹ Môi trường toàn cầu, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã đưa Dự án Mô hình sinh kế bền vững từ phát triển cây mét theo chuỗi giá trị để giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái rừng.

Với nguồn tài trợ hơn 3 tỷ đồng của Quỹ GEF, cùng với lồng ghép các nguồn kinh phí đối ứng, huyện Tương Dương đã phục tráng, nhân rộng mô hình trồng mét, tạo sinh kế bền vững với 687 hộ, hơn 1.800 người dân tại 12 thôn, bản của 5 xã thuộc huyện Tương Dương tham gia.

Điểm nhấn quan trọng, là dự án này đã giúp thành lập 12 tổ hợp tác - hợp tác xã, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tham gia dự thi sản phẩm OCOP từ cây mét. Xây dựng thành công mô hình phát triển sinh kế thông qua trồng mới 38,3ha với 63 hộ tham gia, phục tráng 944 ha rừng mét đã suy thoái với 578 hộ tham gia. 

Dự án cũng đã thành lập quỹ vay vốn quay vòng phát triển sinh kế cho 5 hội nông dân cấp xã với số tiền là 839 triệu đồng, giá trị thu nhập của các hộ tham gia mô hình phục tráng cây mét tăng thêm 25,1% so với trước khi thực hiện dự án. Quan trọng hơn, người dân các xã được thụ hưởng dự án rất phấn khởi đã đề nghị, nhân rộng mô hình và duy trì quỹ vốn xoay vòng do dự án tài trợ.

Người dân xã Yên Hòa vui mừng đón sản phẩm OCOP đầu tiên của địa phương - ảnh HT
Người dân xã Yên Hòa vui mừng đón sản phẩm OCOP đầu tiên của địa phương - ảnh HT

Hiện nay, diện tích trồng mét toàn huyện Tương Dương khoảng 1.634ha, phần lớn nằm trên đất rừng sản xuất, tập trung nhiều ở các xã Yên Thắng, Nhôn Mai, Thạch Giám, Tam Đình, Tam Thái, Tam Quang. Nếu chăm sóc tốt, áp dụng đúng cách, chỉ sau 3 - 4 năm cây mét cho năng suất khá cao, dao động từ 10 - 12 tấn/ha, mỗi ha cho thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/năm.

Một dự án cũng mang tính sinh kế cho bà con huyện Tương Dương, chính là Dự án “Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An” được triển khai tại 2 xã Yên Hoà và Nga My.

Quá trình thực hiện dự án, các mục tiêu đề ra ban đầu đều đạt. Đó là dự án đã ban hành được 6 quy chế quản lý 5.495ha rừng bền vững; có 285 người, hơn 600 hộ gia đình được nâng cao năng lực về phát triển dược liệu; Quỹ quay vòng với 612 triệu đồng được vận hành, bàn giao cho Hội LHPN các xã Nga My và Yên Hòa quản lý và phát triển; ươm giống 5 loại cây dược liệu quý như: 15.000 cây ba kích tím, 2.200 cây hoài sơn, 3.500 cây khôi nhung tía, 300 cây trà hoa vàng, giảo cổ lam.

Mô hình nuôi bò vỗ béo của hộ bà Nguyễn Thị Phương ở làng Bãi Sở, xã Tam Quang - ảnh CTV
Hộ bà Nguyễn Thị Phương ở làng Bãi Sở, xã Tam Quang đã thực hiện hiệu quả mô hình nuôi bò vỗ béo - ảnh CTV

Điều đáng lưu ý, từ phát triển mạnh cây dược liệu, Tương Dương đã có sản phẩm OCOP đầu tiên từ trồng dược liệu dưới tán rừng, là trà khôi nhung tía xã Yên Hòa. Ông Mộng Văn Viện, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết, bà con nông dân rất phấn khởi vì lần đầu tiên có nông sản do mình làm ra đạt chuẩn OCOP, vừa là nguồn động viên khích lệ bà con tăng gia sản xuất, vừa mở ra hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. 

Các vườn khôi nhung tía ở xã Yên Hòa đều thực hiện trồng dưới tán rừng tự nhiên, thông qua sự hỗ trợ của 2 nguồn. Đó là nguồn tài trợ từ Quỹ Môi trường toàn cầu và nguồn vốn đầu tư công Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025. 

Các mô hình được tài trợ từ năm 2022 cho thấy hiệu quả cao, có khả năng nhân rộng, theo đó UBND huyện Tương Dương đã hướng dẫn xã Yên Hòa triển khai thêm 3ha khôi nhung tía từ nguồn đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi khác… từ phát huy lợi thế địa bàn miền núi cũng đã và đang được Tương Dương triển khai hiệu quả đến tận người dân. Như tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi hình thức chăn nuôi trâu, bò từ chăn thả tự do sang bán chăn thả hoặc nuôi nhốt, vỗ béo cho phù hợp với điều kiện sản xuất. Đóng lồng, bè chăn thả cá trên lòng hồ thủy điện bản Vẽ, khe Bố…

Tại địa bàn xã Tam Quang, hiện có khá nhiều người dân nuôi trâu, bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập ổn định cho người dân. Gặp anh Nguyễn Ngọc ở bản Bãi Sở, xã Tam Quang đang cho bò ăn cỏ, anh cho biết: Mỗi năm gia đình bán 2-3 lứa, mỗi lứa 6-7 con, trâu, bò vỗ béo, thu lãi từ 120-150 triệu đồng/năm.

Những mô hình sinh kế được hỗ trợ, phát triển ở huyện miền núi Tương Dương đã cho quả ngọt, càng khẳng định thêm cho những quyết tâm xóa đói, giảm nghèo của cả hệ thống chính trị nơi đây.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện bản Vẽ (Ảnh: Đình Tuân)
Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện bản Vẽ (Ảnh: Đình Tuân)

Cùng với hỗ trợ mô hình sinh kế, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo rất được huyện coi trọng. Năm 2024, trên địa bàn huyện cũng đã triển khai nhiều giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động. Như phối hợp với đơn vị, doanh nghiệp tổ chức 16 phiên giới thiệu việc làm lưu động tại các xã, thu hút được hơn 3.500 lao động tham gia tư vấn về việc làm, học nghề. Hiện, số lao động qua đào tạo nghề đạt 2.978 người; giải quyết việc làm cho 3.449 lao động. Có 290 lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc...

Nhờ vậy, tổng giá trị sản xuất năm 2024 trên địa bàn huyện Tương Dương đạt gần 6.200 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng đạt 7,7%; thu nhập bình quân trên đầu người ước đạt 38,4 triệu đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Đây chính là đòn bẩy quan trọng để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao ở địa phương. Kết thúc năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Tương Dương đã giảm 4%, còn 25,3%. Tình hình quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Đinh Hồng Vinh chia sẻ: Tiếp nối những kết quả đã đạt được, năm 2025, huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 5-6%, trong đó phần huyện quản lý 6-7%; Thu nhập bình quân đầu người: 41 triệu đồng/năm. 

"Tương Dương cũng xác định sẽ tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp. Phát huy lợi thế, đổi mới và sử dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất để đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo bước đột phá theo hướng sản xuất tạo thành hàng hóa có giá trị, thương hiệu sản phẩm và bền vững; Tạo môi trường thông thoáng để tăng cường thu hút đầu tư kinh doanh từ các doanh nghiệp để phát triển kinh tế", Chủ tịch huyện Đinh Hồng Vinh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.