Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Hoàng Su Phì (Hà Giang): Tạo sinh kế thoát nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc Cờ Lao

Vũ Mừng - 10:24, 20/12/2024

Được hỗ trợ kinh phí mua con giống, hướng dẫn cách làm chuồng, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, nhiều hộ đồng bào dân tộc Cờ Lao trên địa bàn xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang có thêm sinh kế từng bước vươn lên thoát nghèo.

Những con giống khỏe mạnh được anh Cáo Diu Páo mua từ nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước
Những con giống khỏe mạnh được anh Cáo Diu Páo mua từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước

Thuộc diện hộ nghèo nhiều năm của Thôn 2 - Phìn Sư, xã Túng Sán, tháng 11 năm 2024, gia đình anh Cáo Diu Páo được hỗ trợ kinh phí mua 3 con trâu từ nguồn vốn của Tiểu Dự án 1 – Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) để phát triển kinh tế.

Anh Páo cho biết: Gia đình tôi có 5 người, nguồn thu nhập chính là làm nương, cháu út của gia đình thường xuyên đau ốm, phải điều trị hằng tháng tại bệnh viện nên hoàn cảnh của gia đình rất khó khăn. Được Nhà nước hỗ trợ trâu để chăn nuôi phát triển kinh tế, gia đình tôi rất mừng. Tôi hy vọng khi chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, trâu sẽ phát triển thành đàn tạo cho gia đình nguồn thu nhập ổn định.

Đàn trâu của các hộ đồng bào dân tộc Cờ Lao tại Thôn 3 - Khu Trù Sán, xã Túng Sán
Đàn trâu của các hộ đồng bào dân tộc Cờ Lao tại Thôn 3 - Khu Trù Sán, xã Túng Sán

Tại Thôn 3 - Khu Trù Sán, xã Túng Sán, gia đình anh Cáo Diu Cồ cũng là một trong số những hộ được Nhà nước hỗ trợ trâu để chăn nuôi vào tháng 11 vừa rồi. Anh Cồ bảo: Do đất sản xuất ít, công việc lại không ổn định nên nguồn thu nhập của gia đình không được đảm bảo, cái nghèo cứ đeo bám mãi.

Kể từ khi gia đình mua được 3 con trâu giống do Nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ, đến nay sau một thời gian chăm sóc, đàn trâu sinh trưởng phát triển rất tốt. Anh Cồ thông tin: Khi gia đình tôi nhận trâu, cán bộ thú y đã tổ chức tiêm phòng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, cũng như các biện pháp tránh rét cho vật nuôi. Ở đây, nguồn thức ăn dồi dào, rất thuận lợi cho việc chăn nuôi gia súc. Cứ chăm sóc tốt, trâu khỏe mạnh, sinh sản đều, gia đình tôi có động lực vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện Tiểu Dự án 1 – Dự án 9 (Chương trình MTQG 1719), huyện Hoàng Su Phì đã hỗ trợ kinh phí cho các nhóm cộng đồng mua hàng trăm con trâu, bò sinh sản cho đồng bào dân tộc Cờ Lao. Không chỉ trao “cần câu”, cán bộ còn hướng dẫn cách làm chuồng, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh để vật nuôi phát triển tốt, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS vươn lên phát triển kinh tế.

Theo báo cáo của chính quyền địa phương, xã Túng Sán có 647 hộ dân với 3.141 nhân khẩu, trong đó có 220 hộ với 1.070 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Cờ Lao sinh sống tại 8 thôn trên địa bàn xã.

Ông Hoàng Bình Rơi, Chủ tịch UBND xã Túng Sán cho biết: Túng Sán nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì 22km, tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn cao. Nhiều năm qua, phần lớn người dân vẫn chỉ biết canh tác, chăn nuôi theo tập quán, sự được mất của mùa màng đều được quyết định bởi… trời! Thiếu tính chuyên canh tập trung nên cây trồng, vật nuôi đều không thể trở thành hàng hoá. Thế nên, bài toán để đưa các hộ dân thoát nghèo khiến chính quyền các cấp của huyện Hoàng Su Phì trăn trở suốt nhiều năm qua! Những năm gần đây, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia: Nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG 1719 mà đời sống văn hoá, tinh thần, kinh tế của người Cờ Lao trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Bùi Thanh Hưởng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì trao đổi kinh nghiệm thực hiện Tiểu Dự án 1 - Dự án 9 (Chương trình MTQG 1719) với đoàn Tham quan học tập kinh nghiệm huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai
Ông Bùi Thanh Hưởng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì trao đổi kinh nghiệm thực hiện Tiểu Dự án 1 - Dự án 9 (Chương trình MTQG 1719) với Đoàn tham quan học tập kinh nghiệm huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai

Việc triển khai, thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đang từng bước thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Đặc biệt, hỗ trợ giống vật nuôi, góp phần nâng cao đời sống cho hộ nghèo, cận nghèo, từng bước giảm nghèo nhanh và bền vững.

Ông Bùi Thanh Hưởng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì chia sẻ: Chương trình MTQG 1719 đã làm chuyển biến nhận thức, giúp người nghèo đồng bào DTTS phát triển sản xuất, thu nhập ổn định. Riêng đối với các dự án hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc Cờ Lao đã và đang tạo hiệu ứng rất tốt trong cộng đồng. 

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát huy tinh thần tự lực vươn lên của người dân. Bên cạnh đó, thực hiện chặt chẽ các quy trình phê duyệt các dự án đúng mục tiêu, đúng đối tượng, công khai, dân chủ. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.