Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đê Biển Đông tại tỉnh Bạc Liêu

Minh Thu - 17:50, 05/08/2024

Thời gian gần đây, dù tình trạng sụt lún sạt lở sông ngòi kênh rạch trên địa bàn còn chưa chấm dứt, tỉnh Bạc Liêu lại phải chịu tiếp tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đê biển Đông, đe dọa trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội ngay trước cao điểm mùa mưa bão.

Một trong những đoạn đê ở xã Vĩnh Trạch TP. Bạc Liêu đoạn giáp với tỉnh Sóc Trăng đang bị sóng biển đe dọa trực tiếp (Hoàng Nam).
Một trong những đoạn đê ở xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu đoạn giáp với tỉnh Sóc Trăng đang bị sóng biển đe dọa trực tiếp. (Ảnh: Hoàng Nam)

Theo Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu, từ 3 ngày nay, tuyến đê biển Đông, đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Hiện có 2 đoạn sạt lở, kéo dài trên 100m, có đoạn sạt lở kéo dài, ăn sâu vào chân đê. Ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đang gấp rút thống kê thiệt hại và báo cáo UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo, khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Trong buổi kiểm tra, khảo sát tại đoạn đê biển Đông bị sạt lở chiều 4/8, ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp, chính quyền TP. Bạc Liêu nhanh chóng thống kê mức độ thiệt hại, đề xuất UBND tỉnh các phương án khắc phục. Đồng thời, cắm biển cảnh báo, hạn chế người dân ra vào khu vực bị sạt lở để đảm bảo an toàn.

Các lực lượng Công an xã, dân quân tự vệ, cán bộ, chiến sĩ thuộc Đồn Biên phòng Nhà Mát, BĐBP Bạc Liêu và người dân địa phương bố trí lực lượng túc trực, theo dõi diễn biến hiện trường để kịp thời ứng cứu, xử lý. Nhanh chóng gia cố tạm thời khu vực sạt lở, hạn chế khả năng sạt lở lây lan, gây vỡ đê, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng, sản xuất và đời sống của người dân khu vực bị ảnh hưởng.

Theo nhận định của Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, trong thời gian tới, khu vực bị sạt lở có nguy cơ bị gió mạnh đánh trực tiếp vào thân đê, gây sạt lở mái đê và thân đê ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, vào mùa gió chướng, triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh tạo thành các con sóng lớn làm nước biển tràn qua đê, chảy vào khu vực sản xuất và nhà dân ở phía trong. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống, tình hình sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của một số hộ dân. Vì vậy, về lâu dài cần có những giải pháp công trình và phi công trình để bảo vệ bền vững đê biển Đông.

Tại khu vực này, năm 2023 đã xảy ra sạt lở đê nghiêm trọng. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã ký Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở đê biển Đông thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông TP. Bạc Liêu (đoạn đầu tuyến giáp ranh tỉnh Sóc Trăng).

Vĩnh Long là một trong những địa phương xảy ra nhiều vụ sạt lở trong những năm gần đây ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh minh họa).
Vĩnh Long là một trong những địa phương xảy ra nhiều vụ sạt lở trong những năm gần đây ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh minh họa)

Cùng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngay trong những ngày cuối tháng 7/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã có quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở trên tuyến kênh La Ghì, đoạn qua ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn. Mức độ sạt lở ở mức nguy hiểm.

Vụ sạt lở xảy ra từ rạng sáng ngày 19/7, không gây thiệt hại về người, nhưng làm sạt lở 25m đoạn kè bê tông, ăn sâu vào bờ 4 - 5m; đồng thời làm sạt lở, sụt lún một phần đường giao thông phía trước di tích lịch sử Nhà Truyền thống Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long. Đoạn có nguy cơ sạt lở thêm khoảng 195m, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt của 15 hộ dân với 51 nhân khẩu và khoảng 50ha đất sản xuất nông nghiệp.

Cũng trong tháng 6/2024, tỉnh Vĩnh Long cũng đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Măng Thít, đoạn qua ấp Gò Ân, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm. Vị trí sạt lở dài 265m ở mức độ nguy hiểm. Khu vực công bố tình huống khẩn cấp có tổng chiều dài 265m. Trong đó, đoạn đã sạt lở dài 60m, sâu vào bờ 6 - 8m, đoạn có nguy cơ tiếp tục sạt lở dài 205m.

Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, đã làm ảnh hưởng đến nhà cửa, tình hình sinh hoạt, sản xuất của 13 hộ dân, trong đó có 2 hộ dân bị sụp hoàn toàn nhà tiền chế, hàng rào và bờ kè dài khoảng 40m. Ước tổng thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.