Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mưa lớn gây thiệt hại ở nhiều tỉnh phía Bắc

Minh Thu - 06:49, 01/08/2024

Từ chiều 29 đến sáng 31/7, ở miền Bắc có mưa lớn gây ra sạt lở đất, ngập lụt, làm thiệt hại về người và tài sản ở nhiều địa phương. Tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn và Thái Nguyên, Sơn La, mưa lũ trong hai ngày 29 - 30/7 đã khiến ít nhất 7 người thiệt mạng.

Mưa lớn gây sạt lở ở Thái Nguyên chiều 30/7 (Ảnh: Q. Chi).
Mưa lớn gây sạt lở ở Thái Nguyên chiều 30/7. (Ảnh: Q. Chi)

Thiệt hại nặng nề

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ tiếp tục triển khai các công việc ứng phó với mưa lớn. Các tỉnh, thành phố khác trên cả nước theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Các tỉnh hạ du sông Hồng, sông Thái Bình triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình; các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, ứng phó với tình hình mưa lũ. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.

Các tỉnh ghi nhận người thiệt mạng gồm: Hà Giang 2 người, Điện Biên 2 người, Thái Nguyên 1 người, Bắc Giang 1 người, Sơn La 1 người và Bắc Kạn ghi nhận 2 người bị thương. Về nhà ở, tại các tỉnh có 82 nhà bị sạt lở, ngập lụt, hư hỏng, riêng Điện Biên có 18 nhà phải di dời khẩn cấp. Về sản xuất, các tỉnh Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng ngập nặng với tổng số hơn 70ha lúa và hơn 10ha hoa màu. Thái Nguyên ghi nhận 200 con gia cầm, gia súc bị chết.

Về giao thông, các địa phương xảy ra sạt lở tại 51 điểm với tổng khối lượng đất, đá khoảng 5.308m3. Trong đó, 2 tỉnh Điện Biên và Cao Bằng sạt gần 4 nghìn m3. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống.

Tại Thái Nguyên, chị Mông Thị Q. (25 tuổi, ở huyện Định Hóa) trên đường đi làm qua cầu tràn xã Định Biên, huyện Định Hóa thì bị lũ cuốn trôi (đã tìm thấy thi thể).

Mưa lớn chiều 30/7 khiến các xã Trung Hội, Phượng Tiến, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa ngập sâu. Nhiều đoạn đường, tràn, nhà ở bị ngập sâu từ 30 - 50cm. Tuyến quốc lộ 3C, khu vực đỉnh Đèo So, thuộc xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa, bị sạt lở đất đá tại km26 gây ách tắc giao thông. Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Tân Dương, huyện Định Hóa cũng bị ngập nước, các phương tiện không di chuyển được.

Còn tại tỉnh Điện Biên, 1 người ở xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa tử vong do sạt lở đất đá, 1 người ở thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà chết do bị lũ cuốn trôi. Mưa lớn đã làm 35 nhà bị sạt lở, ngập lụt, 17 nhà ở huyện Nậm Pồ phải di dời khẩn cấp. 16 tuyến đường liên xã, bản ở các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ và Mường Chà bị sạt lở. Hiện chính quyền địa phương đang triển khai khắc phục tạm để đảm bảo giao thông.

Mưa lớn gây thiệt hại ở nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc.
Mưa lớn gây thiệt hại ở nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc

Tại tỉnh Hà Giang, trong chiều tối 30/7, khi đang di chuyển bằng xe máy trên đường đi làm về, hai bố con ở thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần thì bị lượng đá lớn từ taluy dương lăn xuống đè vào người tử vong tại chỗ. Mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường tại tỉnh  Bắc Kạn bị sạt lở như quốc lộ 3B vào huyện Na Rì (hiện đã thông tuyến), quốc lộ 3 đoạn qua TP. Bắc Kạn, 15 ngôi nhà bị ảnh hưởng do sạt taluy dương. Đất đá từ trên núi sạt trượt đã vùi lấp 2 người dân đi đường tại tuyến đường từ Côn Minh đi xã Vũ Muộn, huyện Na Rì. Rất may, người đi đường kịp thời phát hiện, đã cứu được 2 nạn nhân. Tại tỉnh Bắc Giang, mưa lũ đã làm 1 người chết; 1 người mất tích do lũ cuốn tại tỉnh Sơn La.

Mưa lớn còn kéo dài đến ngày 2/8

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 30 đến sáng 31/7, khu vực các tỉnh Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to. Cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa 24 giờ trên 100mm như: Hồ Thầu (Lai Châu) 134,8mm; Tả Giàng Phình (Lào Cai) 137mm; Kiên Lao (Yên Bái) 126,6mm; Tiến Bộ (Tuyên Quang) 202,2mm; Cẩm Khê (Phú Thọ) 123,4mm; Yên Phong (Bắc Kạn) 258,8mm; Trung Hội (Thái Nguyên) 410,2mm; Lạng Sơn 191,7mm (Lạng Sơn); Cẩm Phả (Quảng Ninh) 167,2mm...

Lực lượng chức năng khắc phục điểm sạt lở tại km187+350, Quốc lộ 4D, đoạn qua địa phận xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
Lực lượng chức năng khắc phục điểm sạt lở tại km187+350, Quốc lộ 4D, đoạn qua địa phận xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai

Theo dự báo, từ đêm 31/7 đến ngày 1/8, lũ quét, sạt lở đất tiếp tục ở mức cao khi ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 30 - 70mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Mưa lớn ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 2/8 với lượng mưa phổ biến 30 - 60mm, cục bộ có nơi trên 150mm. Các địa phương cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, khu đô thị ở Bắc Bộ.

Ngoài ra, lũ trên sông Thao và sông Cầu tiếp tục lên nhanh trong hôm nay. Đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng đạt mức báo động 1 vào sáng sớm ngày 1/8; trên sông Cầu tại Đáp Cầu có khả năng đạt mức báo động 2 vào chiều 1/8. Các sông suối nhỏ thượng lưu khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1 - 2m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông suối nhỏ có khả năng đạt mức báo động 1 - báo động 2. Mực nước các sông suối tại hạ lưu khu vực đồng bằng sông Hồng - Thái Bình tiếp tục biến đổi chậm theo xu thế xuống.

Các địa phương cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi
Các địa phương cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, 14 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Hoà Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc đã ban hành văn bản chỉ đạo ứng phó với mưa lớn. Các tỉnh hạ du sông Hồng, sông Thái Bình triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình; các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, ứng phó với tình hình mưa lũ.

Mưa lũ khiến 51 điểm bị sạt lở với tổng khối lượng đất, đá khoảng 5.308m3 trong đó Điện Biên 1998m3, Bắc Kạn 437m3, Cao Bằng 1.973m3, Lạng Sơn 900m3. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống.