Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sáng kiến giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc Dao tại trường học

Trí Phương - 04:05, 23/11/2023

Dù mới thành lập được ba tháng, nhưng Câu lạc bộ Thêu truyền thống Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT Đình Lập, huyện Đình Lập (Lạng Sơn) đang cho thấy hiệu quả từ giới thiệu, quảng bá đến với cộng đồng về nghệ thuật thêu của dân tộc Dao, thông qua việc thiết kế trang phục, phụ kiện theo xu hướng hiện đại, có tính ứng dụng cao.

Câu lạc bộ Thêu Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT Đình Lập thành lập tháng 9/2023
Câu lạc bộ Thêu Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT Đình Lập thành lập tháng 9/2023

Từ xưa, việc thêu thùa gắn liền với cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao, đặc biệt là phụ nữ. Đây được coi là nét đẹp văn hóa, góp phần tạo nên bản sắc đặc trưng của người Dao; đồng thời cũng là hoạt động thể hiện nếp sống, nếp nghĩ, tín ngưỡng của đồng bào. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của xã hội, đã có một khoảng thời gian, nghệ thuật thêu của người Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán, ở huyện Đình Lập đứng trước nguy cơ bị mai một.

Với mong muốn không chỉ đơn thuần tạo ra những bộ trang phục truyền thống mà còn lan tỏa cả nét văn hóa, thể hiện nếp sống, nếp nghĩ, tín ngưỡng của dân tộc Dao, tháng 9/2023, Câu lạc bộ thêu truyền thống của nhà trường được thành lập, với hơn 60 thành viên. Cũng từ đây, ý tưởng khởi nghiệp “Sản phẩm thủ công từ nghệ thuật thêu của dân tộc Dao” của một nhóm học sinh từ nhiều dân tộc, đặc biệt là dân tộc Dao đã được nghiên cứu và thực hiện.

Em Đặng Thị Ngọc Ánh, Trưởng nhóm dự án chia sẻ, mặc dù em là người Kinh, nhưng ngay từ khi còn nhỏ Ánh đã có niềm yêu thích đặc biệt với nghề thêu của đồng bào dân tộc Dao. Để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, Ánh và các bạn đã cùng bắt tay thực hiện dự án.

“Hình thức triển khai dự án chủ yếu là thêu tay và đan móc thủ công các hoa văn họa tiết trong trang phục dân tộc của người Dao để sáng tạo vào sản phẩm như: quần áo, giày dép, mũ, áo dài, khăn…. Điểm nổi bật của các sản phẩm, là ở phần trang trí bắt mắt với các đường nét được chăm chút tỉ mỉ, các hoa văn như: cây cối, mặt trời, ngôi sao…”, em Ánh chia sẻ thêm.

Những ngày đầu mới bắt tay vào dự án, do còn mới mẻ nhiều bỡ ngỡ nên các em học sinh cũng gặp không ít khó khăn trong kỹ thuật thêu tay. Hàng tuần, học sinh sẽ được tham gia đầy đủ lớp học thêu tay do cô giáo và phụ huynh của các em là người dân tộc Dao hướng dẫn. Tại đây, các em được tận tình chỉ dạy cách chọn vải, se chỉ, vẽ khuôn và thêu.

Phần lớn các họa tiết, hoa văn đều xuất phát và gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, lao động thường ngày, thể hiện tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối canh tác… của người Dao. Các hoa văn cũng được phân chia rõ ràng, những hoa văn dành cho trang phục mặc thường ngày và những hoa văn dành cho trang phục của thầy cúng, hay trang phục cô dâu…

Mỗi thành viên đều tích cực, say sưa, kiên trì tham gia, thể hiện tình yêu, niềm đam mê trong từng đường kim, mũi chỉ
Mỗi thành viên đều tích cực, say sưa, kiên trì tham gia, thể hiện tình yêu, niềm đam mê trong từng đường kim, mũi chỉ

Cô Lã Thanh Loan, giáo viên hướng dẫn nhóm dự án chia sẻ: Nhận thức được tầm quan trọng của việc trao truyền bản sắc văn hóa dân tộc, từ nghệ thuật thêu của dân tộc Dao,  mỗi thành viên đều tích cực, say sưa, kiên trì tham gia, thể hiện tình yêu, niềm đam mê trong từng đường kim, mũi chỉ.giờ đây, các em đã biết thiết kế các bộ trang phục áo dài, phụ kiện bằng những họa tiết, hoa văn nhiều màu sắc.

“Thay vì dành thời gian dùng điện thoại xem phim, chơi game thì các em có thể đan móc, thêu. Việc này vừa giúp luyện tập cho đôi bàn tay khéo léo, tư duy sáng tạo khi thực hiện sản phẩm, lại vừa góp phần gìn giữ nghề, không để nghề thêu của người dân tộc Dao bị mai một”.

Sau khi có sản phẩm hoàn thiện, các thầy, cô giáo trong nhà trường đã đặt mua sản phẩm để sử dụng. Ngoài ra, nhóm các em học sinh còn chủ động quảng bá sản phẩm trên các nền tảng như: Facebook, Zalo, Tiktok, Shopee… Nhờ đó, đến nay, các em đã có trên 10 đơn hàng đặt mua các sản phẩm như: áo dài, thắt lưng, giày dép,… bởi nét độc đáo, tính hữu ích và giá thành hợp lý, giá sản phẩm dao động từ 150.000 đồng/chiếc đến 1 triệu đồng/chiếc.

Chị Triệu Thị Hải, một người dân thị trấn Đình Lập, hào hứng chia sẻ về chiếc áo dài mình vừa mua được qua đặt hàng trên face học sinh của trường: “Tôi đã đặt mua qua face 1 chiếc áo dài nhung được trang trí họa tiết của dân tộc Dao rất cầu kì và tỉ mỉ. Nét “độc” và “lạ” của sản phẩm là vừa trẻ trung, cách tân nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống trong từng đường kim, mũi chỉ. Tôi rất ấn tượng và đang đặt thêm một chiếc áo dài nữa để tặng người thân trong gia đình”.

Đặc biệt vừa qua, ý tưởng khởi nghiệp “Sản phẩm thủ công từ nghệ thuật thêu của dân tộc Dao” của các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT Đình Lập đã xuất sắc đạt giải ba tại cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2023.

Các nghệ nhân người Dao của địa phương phối hợp với nhà trường trong việc giảng dạy các thành viên trong Câu lạc bộ
Các nghệ nhân người Dao của địa phương phối hợp với nhà trường trong việc giảng dạy các thành viên trong Câu lạc bộ

Đánh giá cao về hoạt động của câu lạc bộ, bà Hoàng Thị Kim Hoạt, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Đình Lập (Lạng Sơn) cho biết: “Câu lạc bộ Thêu của các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT Đình Lập, huyện Đình Lập đã góp phần bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 66, ngày 15/3/2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy về bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Đình Lập giai đoạn 2023 – 2025. Đây cũng là Câu lạc bộ Thêu đầu tiên được thành lập trên địa bàn huyện”.

Trong thời gian tới, Câu lạc bộ tiếp tục thu hút thêm thành viên và đa dạng sản phẩm theo bản sắc văn hóa các dân tộc ở địa phương. Câu lạc bộ Thêu là cách làm hay, cần được nghiên cứu, phát triển trong các trường học.