Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Rộn ràng đón Tết cổ truyền của đồng bào Mông ở Sơn La

Minh Nhật - 19:54, 06/01/2025

Ở Sơn La, đồng bào dân tộc Mông thường đón Tết cổ truyền (Nào Pê Chầu) sớm hơn Tết Nguyên đán 1 tháng, bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên để giữ gìn nét văn hóa truyền thống, giáo dục cho con cháu luôn hướng về cội nguồn.

Đồng bào dân tộc Mông xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên, xúng xính váy áo, vui Xuân đón Tết. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN
Đồng bào dân tộc Mông xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên vui Xuân đón Tết. (Ảnh: Quang Quyết - TTXVN)

Những ngày này, không khí vui Xuân đón Tết nhộn nhịp khắp bản làng. Các gia đình bắt đầu mổ lợn, gà để làm lễ tạ ơn tổ tiên, trời đất phù hộ đồng bào có sức khỏe tốt, mùa màng bội thu và mọi điều may mắn trong năm qua.

Tùy điều kiện kinh tế, công việc của mỗi gia đình, Tết thường diễn ra từ 10 - 15 ngày, với phần lễ và hội. Phần lễ diễn ra từ chiều 30 Tết đến hết chiều mùng 3 Tết, nghi lễ chủ yếu tại các gia đình, trưởng dòng họ, để cầu mong sức khỏe dồi dào, may mắn, mưa thuận, gió hòa, cây cối xanh tốt, mùa màng bội thu. Ngày 29 Tết, các gia đình bắt đầu ngâm gạo nếp để sáng sớm hôm sau sẽ đồ chín giã bánh giày. Đây là loại bánh không thể thiếu trong mâm cúng vào dịp Lễ, Tết của người Mông.

Thi làm bánh dày, thi ném Pao, đẩy gậy, múa khèn trong ngày Tết cổ truyền của Đồng bào dân tộc Mông ở xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN
Thi làm bánh dày, thi ném Pao, đẩy gậy, múa khèn trong ngày Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông ở xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên. (Ảnh: Quang Quyết - TTXVN)

Những ngày Tết, các thành viên quây quần cùng nhau mổ lợn, gà, làm các món ăn để mời họ hàng, bạn bè, khách đến chơi. Trong 3 ngày Tết, người Mông không tiêu tiền, không lao động, vì cho rằng nếu không nghỉ ngơi thì năm đó sẽ vất vả. Ngoài ra, người Mông quan niệm “vạn vật hữu linh” nên họ dùng giấy dán vào các vật dụng, công cụ lao động với ý nghĩa cuối năm chúng cũng cần được nghỉ ngơi như con người. Phần hội diễn ra hằng ngày cho đến khi hết Tết.

Đến xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên (Sơn La) những ngày Tết, du khách có thể tìm hiểu các loại hình văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán của đồng bào Mông, hòa mình trong trò chơi dân gian, nghệ thuật trình diễn, tạo nên bức tranh đa sắc màu về văn hóa vùng cao.

Du khách cùng tham gia ném Pao trong ngày Tết cổ truyền của Đồng bào dân tộc Mông ở xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN
Du khách cùng tham gia ném Pao trong ngày Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông ở xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên. (Ảnh: Quang Quyết - TTXVN)

Theo ông Hạng A Cheo, Bí thư Đảng ủy xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên, từ những nép đẹp trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, xã duy trì việc đón Tết cổ truyền của đồng bào Mông. Hiện nay, mặc dù có những đổi mới về cách thức tổ chức nhưng vẫn giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, việc tổ chức đón Tết cổ truyền của dân tộc Mông đang trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch tại xã.

Ngày Tết cũng là dịp để người Mông vui chơi sau một năm lao động vất vả. Những ngày này, mọi người thường tập trung chơi các trò chơi dân gian như, đánh tu lu, ném pao…Các chàng trai, cô gái còn tham gia ca hát, múa khèn… Sự độc đáo trong văn hóa của đồng bào Mông thu hút đông đảo du khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm.

Du khách đến Tà Số đều check in tại đây. Ảnh: @honggiangd
Du khách đến Tà Số đều check in tại đây. (Ảnh: @honggiangd)

Người Mông ở bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) cũng đang rộn ràng đón Tết với niềm hân hoan và hy vọng vào năm mới cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Bản Tà Số, xã Chiềng Hắc được huyện Mộc Châu chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Mông. Chính vì vậy, đồng bào Mông ở Tà Số đón Tết trong một tâm thế mới, quyết tâm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để làm du lịch cộng đồng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Chị Sồng Y Hoa, bản Tà Số, xã Chiềng Hắc cho biết, gia đình chị làm Homestay từ năm 2020, nhưng vẫn quyết tâm giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, nét văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, quảng bá tới du khách. Gia đình cũng sử dụng nhiều vật liệu tự nhiên sẵn có trên bản để bày trí phòng trong Homestay. Dịp Tết này, đến với bản Tà Số, du khách được trải nghiệm giã bánh giày, chơi các trò chơi dân gian…

Đến với đồng bào Mông ở Sơn La dịp Tết, ngoài tìm hiểu phong tục, nghi lễ độc đáo, du khách được hòa mình vào không khí trong lành của núi rừng Tây Bắc, ngắm hoa đào, hoa mơ, hoa mận thi nhau đua nở. Đồng bào Mông nơi đây đang nỗ lực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, giữ gìn nét đẹp truyền thống văn hóa, xây dựng bản làng ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.