Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ra Nhong trĩu nặng nỗi lo sạt lở

T.Nhân-H.Trường - 16:51, 28/05/2025

Xóm Ra Nhong, thôn Gò Khôn, xã Ba Giang, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) nằm lọt thỏm giữa đồi núi chênh vênh. Địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, nên cứ đến mùa mưa bão là người dân xóm Ra Nhong lại trĩu nặng nỗi lo sạt lở núi và lũ quét. Bởi trước mặt là suối sâu chảy xiết, sau lưng nhà là núi nứt, có thể đổ sập bất cứ lúc nào... Cuộc sống của người dân cứ thế chông chênh, khó khăn, thiếu thốn luôn bủa vây.

Dù chỉ cách trung tâm xã Ba Giang chừng 8km, nhưng cung đường vào xóm Ra Nhong phải men theo triền núi, nhỏ hẹp, lắt léo vòng quanh lại dốc ngược, đá sỏi lởm chởm. Theo lãnh đạo xã Ba Giang, Ra Nhong là xóm đặc biệt khó khăn của xã, có 35 hộ dân, với 135 nhân khẩu, hầu hết là hộ nghèo. 

Xóm nằm dưới chân núi và ngăn cách với các xóm còn lại bởi một con suối rộng. Các cụm nhà dân nằm xen lẫn trong rừng. Bởi vậy mà Ra Nhong còn được gọi là xóm “lòng chảo”. Bình thường, suối cạn nước, người dân đi lại dễ dàng. Thế nhưng mùa mưa, nước trên núi đổ về suối đột ngột lại chảy mạnh nên người dân trong xóm thường phải chịu cảnh “cô lập” nhiều ngày.

Những căn nhà tạm bợ của người dân xóm Ra Nhong nằm chênh vênh trên sườn núi nên rất ngay hiểm vào mùa mưa
Những căn nhà tạm bợ của người dân xóm Ra Nhong nằm chênh vênh trên sườn núi nên rất nguy hiểm vào mùa mưa

Ông Phạm Văn Nha, ở xóm Ra Nhong chia sẻ: Mỗi khi có mưa lớn, tôi và người dân ở đây lại dắt díu nhau qua xóm ở bên kia con suối để trú tạm, đến khi nào hết mưa mới quay trở lại nhà. Vậy nên, nhiều người gọi xóm Ra Nhong là... xóm chạy. Khi núi bị nứt, mưa dù nhỏ nhưng kéo dài cũng nguy hiểm. Không chỉ ban đêm lo sợ, mà ban ngày cũng thấp thỏm, vì không biết núi sạt vào lúc nào.

Theo lời Trưởng thôn Gò Khôn Phạm Văn Ngũ, xóm Ra Nhong được bao bọc bởi những ngọn núi, con suối, đường sá đi lại khó khăn, hiểm trở. Nông sản, thực phẩm người dân làm ra chủ yếu là tự cung tự cấp, nên cuộc sống thiếu thốn đủ bề.

“Phần lớn người dân trong độ tuổi lao động ở xóm Ra Nhong đi rẫy dài ngày, hoặc đi làm thuê ở các tỉnh Tây Nguyên. Trẻ em ở với ông bà, nên tự đến trường bằng cách men theo con suối dài gần 4km. Mùa mưa, suối sâu chảy mạnh, dễ xảy ra lũ quét; còn tuyến đường mòn men theo núi thì xa, lại lởm chởm đá, trơn trượt. Thế nên, học sinh ở Ra Nhong rơi vào cảnh mưa là nghỉ học”, ông Ngũ cho biết thêm.

Cũng theo ông Phạm Văn Ngũ, dù khó khăn, thiếu thốn, nhưng 35 hộ đồng bào DTTS ở đây luôn đùm bọc nhau, tựa vào núi, dựa vào rừng để sống. Từ khi phát hiện núi có nhiều vị trí bị nứt, xuất hiện rãnh sâu và kéo dài, người dân luôn lo lắng. Chưa bao giờ mà người dân ở xóm Ra Nhong lo âu và mong được chuyển đến nơi an toàn như hiện nay. Nguyện vọng của người dân xóm Ra Nhong là được chuyển về sinh sống tại Tổ 6, xóm Gò Nu, thôn Gò Khôn, để không phải thấp thỏm lo núi lở, suối sâu. Khu vực Tổ 6 cũng gần điểm Trường Mầm non và Tiểu học thôn Gò Khôn, nên học sinh xóm Ra Nhong không phải rơi vào cảnh mưa là phải nghỉ học.

Có thể nói, mong ước an cư, lạc nghiệp của người dân xóm Ra Nhong cũng là trăn trở bấy lâu nay của chính quyền địa phương. Thế nhưng, để về nơi ở mới, cần phải khảo sát và đầu tư khu tái định cư đảm bảo an toàn, đầy đủ cơ sở hạ tầng thì vượt quá khả năng của địa phương. 

Chủ tịch UBND xã Ba Giang Phạm Văn Thật chia sẻ: Sự cố thiên tai là không thể lường trước, trong khi địa hình trắc trở, đường sá đi lại ở xóm Ra Nhong lại khó khăn, kiến thức và kinh nghiệm phòng, chống thiên tai của người dân còn hạn chế nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Một căn nhà của người dân xóm Ra Nhong nằm dưới chân núi nên khi có sự cố sạt lở rất dễ bị vùi lấp
Một căn nhà của người dân xóm Ra Nhong nằm dưới chân núi nên khi có sự cố sạt lở rất dễ bị vùi lấp

Những năm qua, để đảm bảo an toàn cho người dân xóm Ra Nhong khi mùa mưa lũ đến, chính quyền địa phương thường xuyên thông tin kịp thời tình hình thời tiết để người dân chủ động sơ tán khi có mưa lớn kéo dài. Đồng thời, triển khai phương án tiếp cận hỗ trợ di dời, sơ tán người già, trẻ em cũng như công tác tiếp tế lương thực, thực phẩm trong trường hợp xóm Ra Nhong bị chia cắt do đường sạt lở, suối chảy xiết. 

"Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tạm thời. Về lâu về dài, chúng tôi rất mong các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ di dời người dân xóm Ra Nhong ra khỏi khu vực nguy hiểm do nứt núi, trượt lở đất để họ được an cư, ổn định cuộc sống”, ông Thật cho biết thêm.

Trong khi chờ các cấp chính quyền có phương án tái định cư, thì người dân xóm Ra Nhong vẫn luôn nơm nớp nỗi lo sạt lở mất nhà cửa, nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi mùa mưa đang đến gần và tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp. 

Mong rằng UBND tỉnh Quảng Ngãi sớm bố trí kinh phí và chỉ đạo các ngành chức năng khảo sát, chọn vị trí hợp lý và nhanh chóng xây dựng khu tái định cư để di dời 35 hộ dân xóm Ra Nhong đến nơi ở ổn định, an toàn tránh sự đáng tiếc có thể xảy ra.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ninh - Điểm sáng cả nước trong xây dựng nông thôn mới

Quảng Ninh - Điểm sáng cả nước trong xây dựng nông thôn mới

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1013/QĐ-TTg, chính thức công nhận tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024. Đây là kết quả sau 14 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo và sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị và người dân.