Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quyết sách cho vấn đề di cư tự phát: Thế bị động của các địa phương chưa được hóa giải (Bài 2)

Lê Hường - 17:53, 13/05/2021

Tình trạng di cư tự phát đến Tây Nguyên, với số lượng dân rất lớn kéo dài nhiều năm, chủ yếu là đồng bào DTTS đã tác động mạnh đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phá vỡ quy hoạch ổn định dân cư. Điều này khiến các địa phương rơi vào trạng thái thụ động, loay hoay trong việc tìm phương án giải quyết.

Việc di cư tự phát khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sông như thiếu đất ở, đất sản xuất...
Việc di cư tự phát khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như thiếu đất ở, đất sản xuất...

Phá vỡ quy hoạch

Hàng nghìn hộ dân đổ về Tây Nguyên trong thời gian dài, đã tác động đến quy hoạch bố trí dân cư, phát triển kinh tế - xã hội và gây xáo trộn trong cộng đồng, các địa phương bị động và khó tìm phương án giải quyết. Ngay cả những dự án bố trí, ổn định dân di cư tự phát cũng bị phá vỡ quy hoạch; bởi dự án chưa kịp bố trí, sắp xếp ổn định dân cư đang có thì nhiều hộ dân khác lại di cư đến.

Điển hình, năm 2009, buôn Mông, xã Ea Kiết (huyện Cư M'Gar, tỉnh Đăk Lắk) được triển khai dự án quy hoạch tái định cư nhằm đưa những hộ đồng bào Mông ra khỏi rừng định cư, ổn định cuộc sống. Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch UBND xã Ea Kiết, buôn Mông có tổng cộng 400 hộ, trong đó gần 200 hộ thuộc dự án ổn định dân cư, số còn lại mới di cư vào sau không nằm trong quy hoạch. Mặc dù cuộc sống khó khăn, không giấy tờ tùy thân, song số hộ di cư vào đây vẫn ngày một tăng khiến việc sắp xếp, ổn định dân cư càng thêm khó.

Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư khác trên địa bàn các tỉnh tây Nguyên. Tính đến năm 2018, các tỉnh Tây Nguyên được phê duyệt 42 dự án, nhưng mới chỉ có 13 dự án hoàn thành, còn 29 dự án chưa hoàn thành nhưng vẫn phải bố trí dân vào ở. 

Nhiều dự án đã vượt quá quy mô về số hộ, số khẩu. Các dự án bị phá vỡ, xáo trộn đã tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội và tồn tại nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng công cuộc xóa đói, giảm nghèo của các địa phương.

Ngoài việc phá vỡ quy hoạch dân cư, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, các tỉnh Tây Nguyên cũng gặp nhiều vướng mắc trong công tác quản lý theo dõi địa bàn và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.

Khó giải quyết đất ở, đất sản xuất

Theo báo cáo số 154 ngày 5/11/2019 của Ủy ban Dân tộc thì, vẫn còn 12.443 hộ dân di cư tự phát cần sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư không nằm trong quy hoạch. Những hộ này đang sinh sống phân tán trong các khu rừng phòng hộ, rừng quốc gia, lòng hồ thủy điện, đất của các nông lâm trường.

Một lớp học của trẻ em ở thôn Ea Rớt, xã Cư Pui
Một lớp học của trẻ em ở thôn Ea Rớt, xã Cư Pui

Phần lớn các hộ này di cư vào sau, sống ngoài quy hoạch nên chưa có hộ khẩu, không có đất sản xuất, chủ yếu đi làm thuê. Khi cuộc sống mưu sinh không đảm bảo nhiều hộ tiếp tục di chuyển từ xã, huyện này sang xã, huyện khác. Vì thế, nhiều vấn đề xã hội nhức nhối của địa phương vốn dĩ đã khó giải quyết lại càng khó tháo gỡ hơn. 

Theo ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, phần lớn các hộ dân di cư tự phát đến Đắk Lắk cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS và di cư tự phát cao hơn rất nhiều lần so với bình quân trung của toàn tỉnh. Ngoài ra, trong khu vực dân di cư tự do tồn tại nhiều tệ nạn xã hội như nghiện hút, mê tín dị đoan, tỷ lệ sinh đẻ cao, thất học, mù chữ...

Thực trạng tại tỉnh Lâm Đồng cũng không khá hơn, dân di cư tự phát tăng đột biến làm tăng nhu cầu đất ở, đất sản xuất, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Theo ông Dơ Woang Ya Gương, Phó trưởng Ban Dân tộc Lâm Đồng, các hộ dân di cư tự phát đến Lâm Đồng phần lớn là những hộ nghèo, trình độ học vấn thấp. 

"Mặt khác, họ đến sinh sống, sản xuất trong rừng, ven rừng ở vùng sâu, vùng xa nên việc đầu tư, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống gặp nhiều khó khăn", ông Dơ Woang Ya Gương chia sẻ.

Đáng chú ý, tình trạng dân di cư tự phát vượt tầm kiểm soát tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự ở các địa phương. Như ở Tuy Đức (Đắk Nông), hiện huyện biên giới này vẫn còn hơn 300 hộ, hơn 1,2 nghìn khẩu chưa có hộ khẩu do sống ngoài vùng quy hoạch. 

Vì thế, nhiều năm nay, Tuy Đức xuất hiện các băng nhóm tội phạm, chiếm đất và phá rừng rồi bán cho người từ nơi khác đến. Mâu thuẫn tranh chấp đất giữa người dân và các doanh nghiệp được thuê đất ngày càng sâu sắc...

Những hệ lụy từ di cư tự phát đã và đang khiến các địa phương ở khu vực Tây Nguyên "đau đầu' tìm phương án giải quyết. Nhưng thực tế cho thấy, để giải quyết được triệt để vấn đề này thì phải cần một quyết sách đủ tầm. 

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.