Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quy định mới về cá nhân vận động từ thiện

T.Hợp - 09:34, 28/10/2021

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Ảnh minh họa
Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Ảnh minh họa

Nghị định quy định cụ thể về cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước.

Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng để tiếp nhận tiền đóng góp theo từng cuộc vận động

Về vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện, Nghị định nêu rõ: Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.

Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Phối hợp Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ để phân phối nguồn đóng góp tự nguyện

Căn cứ nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, tiếp nhận, cá nhân có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo phân cấp; trường hợp cần thiết, liên hệ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể) để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết tại khoản 1 Điều 17 và quy định tại Nghị định này, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).

Chậm nhất trong 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo, Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp Ban Vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, bảo đảm an toàn cho hoạt động hỗ trợ; cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của cá nhân.

Khuyến khích cá nhân chi từ nguồn đóng góp tự nguyện theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này (hỗ trợ cho người bị thương nặng, gia đình có người mất tích do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; chi phí mai táng cho gia đình có người chết do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người dân, hộ gia đình bị khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ hộ gia đình sửa chữa, xây dựng lại nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn, sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng; hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ từ thiên tai, sự cố để ổn định đời sống của người dân;...), trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp.

Cá nhân vận động có trách nhiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện còn dư hoặc chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp. Việc tiếp tục phân phối, sử dụng để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Công khai kết quả tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện trên phương tiện truyền thông

Nghị định cũng quy định cụ thể về quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện. Cụ thể, chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.

Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố không tổng hợp vào ngân sách nhà nước. Trường hợp hỗ trợ sửa chữa, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, mua sắm trang thiết bị, các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp nhận, phân phối, sử dụng thực hiện quản lý tài chính theo quy định; trường hợp hỗ trợ tài sản cụ thể là công trình hạ tầng thiết yếu, trang thiết bị từ nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để hỗ trợ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thì thực hiện tiếp nhận, xác định giá trị và quản lý tài sản theo quy định.

Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải bảo đảm tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Thời điểm công khai thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này.

Cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Nghị định 93/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 11/12/2021.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.