Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi): Tạo nhiều thuận lợi cho đồng bào DTTS

Thanh Huyền - 18:35, 18/01/2024

Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 16 chương và 260 điều tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất. Đặc biệt tạo nhiều thuận lợi cho người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi.


Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 16 chương và 260 điều tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất
Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 16 chương và 260 điều tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất

Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp. Dự án Luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; được trình Quốc hội tại 04 kỳ họp, 02 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 08 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân.

Luật này quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Luật Đất đai (sửa đổi) đã dành hẳn một điều quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS và nhiều quy định khác liên quan đến đồng bào DTTS. Đó là có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng để bảo đảm ổn định cuộc sống.

Luật đã làm rõ trường hợp cá nhân là người DTTS đã được giao đất ở lần 1, nay thiếu đất ở thì cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Chỉnh sửa quy định về các trường hợp giao đất, cho thuê đất cho cá nhân là người DTTS được hỗ trợ đất đai lần 2 thực hiện có điều kiện quyền sử dụng đất, bảo đảm rõ ràng và chặt chẽ.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế và quỹ đất của địa phương quyết định diện tích giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người DTTS theo quy định. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ của địa phương về đất đai đối với đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tổ chức thực hiện. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về các trường hợp không còn, thiếu hoặc không có đất để giao đất, cho thuê đất theo quy định; các trường hợp vi phạm chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS, các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định mà không còn nhu cầu sử dụng đất mà phải thu hồi đất để tiếp tục thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS theo quy định.

Đồng thời, Luật quy định việc Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án, chính sách trong nhiều trường hợp, trong đó có việc thực hiện dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS để thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào DTTS theo quy định. Việc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất phải theo quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, công khai, minh bạch, hợp lý, hiệu quả và theo quy định của pháp luật; bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ tái định cư, an sinh xã hội, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS để thực hiện chính sách. Hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai, trong đó có hành vi vi phạm chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS.

Luật đất đai (sửa đổi) tạo nhiều thuận lợi cho người dân vùng miền núi, đồng bào DTTS
Luật đất đai (sửa đổi) tạo nhiều thuận lợi cho người dân vùng miền núi, đồng bào DTTS. Ảnh: TL

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật Đất đai vào cuộc sống.

Trả lời phóng viên tại buổi họp báo ngay sau khi bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết: Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, tập trung vào 5 nhóm vấn đề, trong đó có chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS.

Bên hành lang Quốc hội, trả lời phỏng vấn báo chí, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) cho rằng, việc thông qua Luật đất đai (sửa đổi) tạo nhiều thuận lợi cho người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi. Bởi thực tế hiện nay, đồng bào các DTTS, miền núi rất thiếu đất sản xuất, trong khi đó, cơ chế chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS hiện nay chưa đầy đủ, dẫn đến rất khó khăn cho địa phương trong việc bố trí đất ở, đất sản xuất.

“Với việc sửa đổi lần này của Luật Đất đai sẽ tạo những hành lang pháp lý, những cơ chế thuận lợi hơn cho các địa phương trong việc sắp xếp, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, tạo điều kiện cho đồng bào có được tư liệu sản xuất để phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho biết.